G20: Các nhà lãnh đạo sẽ nói gì tại hội nghị thượng đỉnh Delhi?

GETTY IMAGES

6 tháng 9 2023

Các tổng thống và thủ tướng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo G20, ở thủ đô Delhi của Ấn Độ từ ngày 9 đến ngày 10/9.

Nội dung chủ đạo của cuộc họp năm nay là phát triển bền vững, nhưng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cũng dự kiến ​​sẽ được đem ra thảo luận.

G20 là gì?

G20 – hay Nhóm 20 – là một diễn đàn nơi các quốc gia gặp gỡ nhau để thảo luận về các kế hoạch cho nền kinh tế toàn cầu.

Các nước G20 chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới. Nhóm này chiếm hai phần ba dân số toàn cầu.

Thành viên G20 là Liên minh châu Âu và 19 quốc gia – Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Tây Ban Nha luôn được mời làm khách.

Một nhóm nhỏ hơn gồm các quốc gia thành viên thuộc G20 nhóm họp lại với tên gọi G7.

Một số quốc gia thành viên G20 – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã thành lập một nhóm riêng gọi là Brics.

Để mở rộng quy mô Brics, sáu quốc gia khác được mời tham dự một hội nghị thượng đỉnh gần đây: Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Nhóm G20 thảo luận về vấn đề gì?

Các vấn đề được những nhà lãnh đạo G20 thảo luận đã được mở rộng trong những năm gần đây, từ kinh tế đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, xóa nợ quốc tế và đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.

Hàng năm, một quốc gia thành viên G20 khác nhau đảm nhận vai trò chủ tịch và ấn định chương trình nghị sự cho các cuộc họp.

Indonesia giữ vị trí chủ tịch vào năm 2022 và hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Bali.

REUTERS
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Delhi

Với tư cách là chủ tịch năm 2023, Ấn Độ mong muốn sự kiện tại Delhi sẽ tập trung vào phát triển bền vững, cũng như các biện pháp nhằm lan tỏa tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh cũng tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận trực tiếp diễn ra bên lề các phiên họp nhóm.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội kiến với từng nhà lãnh đạo về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và kêu gọi các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới hành động nhiều hơn để chống đói nghèo.

Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh và có thông tin rộng rãi rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ không tham dự.

Vấn đề nào gây tranh cãi ở G20?

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể gây ra sự bất hòa tại hội nghị thượng đỉnh Delhi.

Vào tháng 3 năm 2022, các ngoại trưởng G20 đã không thể đạt được thỏa thuận chung tại cuộc họp vì những tranh cãi gay gắt về cuộc chiến tại Ukraine giữa phái đoàn Mỹ và Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Bali vào tháng 11 năm 2022, các cuộc thảo luận bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng liên quan đến việc tên lửa rơi xuống phía biên giới của Ba Lan với Ukraine.

BBC
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 thay cho Tổng thống Putin

Vào tháng 5, Trung Quốc và Ả Rập Saudi đã tẩy chay cuộc họp G20 về công tác du lịch được tổ chức tại Kashmir do Ấn Độ cai quản, vì khu vực Kashmir có lãnh thổ mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền.

Tranh cãi cũng nổ ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc về tranh chấp biên giới kéo dài, sau khi Bắc Kinh ban hành bản đồ tuyên bố bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin là lãnh thổ của Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ?

Ấn Độ đã và đang định vị mình là tiếng nói hàng đầu của các nước đang phát triển mà trong những năm gần đây được gọi là “thế giới phương Nam” (Global South) – một thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các kém phát triển hơn chủ yếu nằm ở Nam bán cầu.

G20 được coi là cơ hội để nước này thực hiện những lời hứa này trên một sân khấu lớn hơn.

Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024 ở Ấn Độ và có thể củng cố hình ảnh của ông Modi với tư cách là một nhà lãnh đạo được tôn trọng trên chính trường toàn cầu.

Chính phủ đã tổ chức hàng trăm cuộc họp ở khoảng 50 thành phố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Delhi.

Trong nhiều tháng, các thành phố và thị trấn đã xuất hiện những biển quảng cáo bóng loáng có logo G20 và ảnh của ông Modi, coi sự kiện này là nỗ lực nghiêm túc của thủ tướng nhằm đưa thế giới đến với Ấn Độ.

Ông Modi dường như cũng chia sẻ mối quan hệ cá nhân với nhiều đối tác G20, gồm cả Tổng thống Biden, người đã đón tiếp ông đến Mỹ với nghi lễ cấp nhà nước long trọng hồi tháng 6.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​sẽ không phải là một điều dễ dàng đối với Ấn Độ, do tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay.

Nhiều nền kinh tế vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch và nỗi lo lắng về chiến tranh ngày càng tăng cũng như tác động kinh tế của nó, với giá lương thực và năng lượng tăng vọt trên toàn cầu.

Vì sao lại có ‘ảnh gia đình’?

Vào cuối các hội nghị thượng đỉnh chủ chốt, những người đứng đầu chính phủ thường chụp ảnh chung, được gọi là “ảnh gia đình”.

Tuy nhiên, sự bất hòa ngoại giao được biểu lộ qua hình ảnh đôi khi lại gây chú ý.

Năm 2018, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul, Thái tử Mohammed bin Salman phần lớn bị phớt lờ và bị buộc phải đứng ở cuối nhóm.

REUTERS
Chụp lại hình ảnh,Thái tử Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman, bị xa lánh tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018, sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại

G20 đã đạt được gì?

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo năm 2008 và 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo đã nhất trí một loạt biện pháp nhằm giải cứu hệ thống kinh tế toàn cầu.

Nhưng một số nhà phê bình cho rằng các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo ít thành công hơn, thường là do căng thẳng giữa các cường quốc đối địch nhau trên thế giới.

Tuy nhiên, các cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh thường có tính xây dựng.

Năm 2019, tại Osaka, Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại lớn.

G20 có thu hút việc biểu tình?

Các cuộc biểu tình lớn thường diễn ra xung quanh các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.

Những người phản đối chống chủ nghĩa tư bản đã biểu tình tại hội nghị thượng đỉnh năm 2010 ở Toronto và hội nghị thượng đỉnh năm 2017 ở Hamburg.

AFP
Chụp lại hình ảnh,Đã có những cuộc đụng độ khốc liệt giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động trong hội nghị thượng đỉnh năm 2017 ở Hamburg

Hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành trong hội nghị thượng đỉnh năm 2018 ở Rio de Janeiro để phản đối các chính sách kinh tế của G20.

Năm 2009, Ian Tomlinson, một người bán báo, đã tử vong sau khi bị cuốn vào các cuộc biểu tình trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở London.

Bài Liên Quan

Leave a Comment