Ra đời vào cuối những năm 1990 với xuất phát điểm là một dự án sinh viên của hai nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford, giờ đây Google là một người khổng lồ về kỹ thuật số không thể thiếu trong thế giới internet. Nhìn lại một phần tư thế kỷ qua những sự kiện gây ấn tượng trong hành trình trở thành hiện tượng công nghệ toàn cầu của Google.
Đăng ngày: 06/09/2023
Công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới vừa kỷ niệm 25 năm thành lập vào ngày 4 tháng 9 vừa qua. Vào ngày này năm 1998, hai nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Stanford (California), Larry Page và Sergey Brin, đã phát triển một công cụ tìm kiếm trên internet bằng một thuật toán mới nhằm giúp phân loại các trang web Internet theo số lượng các trang liên kết. Mục đích ban đầu chỉ là tạo thuận lợi cho công việc tra cứu của họ.
Đến giờ thì khỏi cần giới thiệu về vị thế thống trị của Google. Tháng 8 năm ngoái, người khổng lồ này có thị phần toàn cầu khoảng 92%. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của Google là Bing, chiếm khoảng 3% thị phần, tiếp theo là Yahoo! chỉ với hơn 1%. Chỉ riêng ở Trung Quốc (nơi Google đã bị cấm từ năm 2017) và ở Nga, Google mới có những đối thủ cạnh tranh thực sự. Ở hai nơi đó, Baidu và Yandex được ưa chuộng hơn.
Ra đời trong một ga-ra
Không liên quan gì đến Silicon Valley, không gian làm việc đầu tiên của Larry Page và Sergey Brin chính xác chỉ là là một gara, nằm trên đại lộ Santa Margarita ở Menlo Park (California), được người bạn của họ là Susan Wojcicki cho thuê. Ông này sau đó trở thành giám đốc tiếp thị của Google (từ 1999 đến 2014), tiếp đó là tổng giám đốc của YouTube (2014-2023).
Năm 1999, Page và Brin thay đổi bối cảnh và đã chọn đặt văn phòng hiện đại của mình ở Mountain View, một trong những thành phố chính tạo nên Silicon Valley. Năm 2018, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập, Google đã bổ sung nội dung thăm “gara của Google” trên công cụ tham quan ảo StreetView.
Tên gọi xuất phát từ lỗi chính tả
Tên của người khổng lồ kỹ thuật số là biến dạng của một thuật ngữ toán học để chỉ dãy số tự nhiên lớn 10 lũy thừa 100 (tức 100 số không sau số 1). Sự lựa chọn tên này phản ánh mong muốn của người sáng lập trong việc tổng hợp số lượng lớn thông tin. Nhưng theo một diễn giải được lưu truyền, cái tên Google là kết quả của một lỗi chính tả khi đăng ký công ty, thuật ngữ toán học được đề cập đến ở đây thực ra phải được viết là “Googol”.
Năm 1999, Google suýt bị bán
Một năm sau khi dự án ra đời, Larry Page và Sergey Brin dự định bán Google để tiếp tục thảnh thơi theo đuổi các công việc nghiên cứu của họ. Người mua tiềm năng không ai khác là Excite, một trong những cổng internet lớn nhất cùng với Yahoo!, Lycos và Netscape.
Sau khi được Vinod Khosla, một trong những nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất Silicon Valley cổ vũ, Google được chào giá một triệu, sau rút xuống 750 nghìn đô la. Nhưng cuối cùng Excite từ chối mua và thế là Page và Brin vẫn giữ lại công ty của mình. Cho đến giờ giá trị của nó được ước tính hơn 1000 tỷ đô la.
Sáng tạo hàng nghìn « doodles »
Doodle là từ để chỉ sự thay đổi tạm thời logo của Google để vinh danh một nhân vật quan trọng hay một sự kiện lớn nào đó. 20 năm sau từ hình vẽ doodle đầu tiên, nhóm thiết kế của Google đã tạo ra hàng nghìn hình biểu tượng để kỷ niệm ngày quốc tế nữ quyền, sinh nhật Charlie Chaplin, đến quốc khánh Bosnia – Herzegovina…Toàn bộ những hình đồ họa sinh động đó đều được Google lưu trữ và mọi người có thể tra cứu bất cứ lúc nào.
Từ 2006, Google trở thành động từ
Năm 2006, từ điển Anh ngữ Oxford đã bổ sung từ Google như là một động từ (to google) để chỉ việc tìm kiếm thông tin trên inertnet nói chung, bất kể sử dụng công cụ tìm kiếm nào.
Động từ này giờ đã được nhiều ngôn ngữ khác đưa vào từ điển. Thí dụ trong tiếng Pháp giờ có động từ googoliser hoặc googler, với nghĩa sử dụng công cụ tìm kiếm Google để có thông tin trên internet.
Dịch sang 80 ngôn ngữ
Được sử dụng trên toàn thế giới, giờ đây Google dịch trang chủ sang 80 ngôn ngữ, cũng như dịch vụ dịch tự động Google luôn sẵn sàng chuyển ngữ giữa những ngôn ngữ nói trên. Trong số này còn có nhiều thổ ngữ hoặc các ngôn ngữ có phạm vị sử dụng nhỏ lẻ như tiếng Somali, Mông Cổ, Népal, ngôn ngữ của các bộ tộc Zoulou, Maori, Punjabi….
Thậm chí, Klingon, ngôn ngữ được tộc người ngoài hành tinh cùng tên sử dụng trong loạt phim “Star Trek”, cũng nằm trong số các lựa chọn ngôn ngữ có sẵn trong công cụ chuyển ngữ.
Vào tháng 8 năm 2013, một sự cố ngừng dịch vụ nên Google không thể được truy cập được trong 11 phút đã khiến lưu lượng truy cập Internet toàn cầu giảm 40%.
Đối mặt với Apple, Google mua Android
Năm 2007, Google bắt đầu lên kế hoạch ra điện thoại di động riêng để cạnh tranh với Apple, một người khổng lồ khác trong thế giới công nghệ thông tin do Steve Jobs lãnh đạo. Trước tiên Google đã mua hệ điều hành cho các máy di động, Android, với giá khoảng 50 triệu đô la. Điện thoại di động Android đầu tiên, “Nexus One”, ra mắt vào tháng Giêng năm 2010. Kể từ đó, nhiều công ty điện thoại di động khác (Samsung, Huawei, Sony, v.v.) cũng đã sử dụng Android.
Ngày nay, Android được trang bị cho hơn 3 tỷ thiết bị trên toàn thế giới. Tháng 8 năm ngoái, hệ điều hành này chiếm 71,75% thị phần, vượt xa tất cả các đối thủ cạnh tranh, trong đó lớn nhất chính là iOS của Apple độc quyền, chiếm 27,6% thị phần hệ điều hành di động trên thế giới, theo số liệu của Statista
YouTube, Waze, Uber… các thương vụ mua lại và đầu tư khổng lồ
Con đường phát triển đã đưa Google lên sàn chứng khoán vào năm 2004, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình của công ty. Trong những năm qua, Google đã tính toán chiến lược mua lại các công ty như Waze, và đưa vào các tính năng có giá trị trong hệ sinh thái của mình, đặc biệt là Google Maps.
Hết vụ thôn tính này đến vụ khác, Google trở thành người khổng lồ công nghệ tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động rộng rãi như Android, YouTube, Waze, Blogger… Trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2015, trung bình mỗi tuần Google mua lại một công ty mới.
Khi mà Google không mua lại các công ty, quỹ của hãng là Google Ventures tập trung vào đầu tư để chiếm cổ phần của các công ty khác. Tháng 8 năm 2013, hãng thực hiện một khoản đầu tư kỷ lục lên tới 257 triệu đô la vào công ty Uber. Năm 2022, Alphabet, công ty mẹ, trong đó Google là chi nhánh lớn nhất, đã đạt doanh số khoảng trên 282 tỷ đô la. Con số này của năm 2010 là 29,3 tỷ, 2020 lên 182,5 tỷ .
Rơi vào tầm ngắm của Ủy Ban Châu Âu và tư pháp Mỹ
Năm 2018, Ủy Ban Châu Âu phạt Alphabet một khoản tiền kỷ lục 4,3 tỷ đô la ( năm 2022 được hạ xuống 4,125 tỷ), trong một vụ kiện tập đoàn này lạm dụng vị thế độc tôn để cạnh tranh không lành mạnh. Google cũng đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chống độc quyền Mỹ. Công ty bị bộ Tư Pháp Mỹ và 9 bang khởi kiện vì cáo buộc làm tổn hại cạnh tranh bằng việc độc chiếm thị trường quảng cáo trực tuyến. Vụ án này sẽ bắt đầu vào ngày 12/09 tới đây. Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước khác như Canada trong tháng này đã thông qua các quy định pháp lý mới nghiêm ngặt hơn, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ thông tin thế giới, trong đó không thể thiếu Google.
(Theo france24.com)