- Jean Mackenzie
- BBC News, Seoul
6 tháng 9 2023
Thông tin về kế hoạch thăm Nga trong tháng này của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã gây lo ngại cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Ông Kim và Tổng thống Vladimir Putin dự định bàn về khả năng Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Moscow để ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, giới chức Mỹ cho hay.
Nhìn bề ngoài, một thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Bắc Hàn và Nga hoàn toàn có thể hiểu được về mặt giao dịch giữa hai bên.
Nga tuyệt vọng cần thêm vũ khí, đặc biệt là đạn dược và đạn pháo, cho cuộc chiến ở Ukraine, và Bình Nhưỡng thì có dồi dào cả hai thứ này.
Mặt khác, một Bắc Hàn bị cấm vận, đói khát đang tuyệt vọng cần tiền và lương thực.
Hơn ba năm đóng cửa biên giới, chưa kể đến đàm phán với Mỹ đổ vỡ năm 2019, đã khiến Bắc Hàn trở nên cô lập hơn bao giờ hết.
Nhưng trên thực tế, nó mở ra cơ hội cho Bình Nhưỡng và Moscow để bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn.
Mỹ đã cảnh báo về khả năng sẽ có một thỏa thuận vũ khí giữa hai nước, nhưng một cuộc gặp ở cấp lãnh đạo giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin đã đưa việc này sang một tầm cao mới.
Trong khi ưu tiên của Mỹ, chắc chắn là về mặt ngắn hạn, có vẻ như là để ngăn vũ khí của Bắc Hàn được sử dụng ở tiền tuyến tại Ukraine, mối lo ngại của Seoul lại là việc Bắc Hàn sẽ nhận được gì nhờ bán vũ khí cho Nga.
Với Nga đang trong tình trạng tuyệt vọng, ông Kim có thể bán vũ khí với giá cao.
Có lẽ ông có thể yêu cầu tăng hỗ trợ quân sự từ Nga. Hôm qua, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã thông tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề nghị Nga, Trung Quốc, và Bắc Hàn, tổ chức tham gia các đợt diễn tập hải quân chung, giống các đợt tập trận do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành, điều mà ông Kim Jong Un phản đối.
Ông Kim cũng có thể yêu cầu sử dụng vũ khí Nga trong tương lai.
Nhưng yêu cầu đáng lo ngại nhất mà ông Kim có thể đưa ra là ông Putin cung cấp cho ông các kỹ thuật vũ khí hoặc kiến thức tối tân nhất, giúp ông tạo ra những đột phá trong chương trình hạt nhân tên lửa. Ông Kim đang gặp khó khăn để làm chủ các vũ khí chiến lược quan trọng, chủ yếu là vệ tinh do thám và tàu ngầm hạt nhân.
Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc tin rằng sự hợp tác ở mức độ này là không thể, bởi vì nó có thể gây ra nguy hiểm về mặt chiến lược cho Nga.
Yang Uk, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á, lưu ý rằng ngay cả khi Nga không bán vũ khí cho Bắc Hàn, nước này có thể vẫn tài trợ cho các trương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Nếu Nga trả tiền bằng dầu và thực phẩm, nước này có thể phục hồi kinh tế Bắc Hàn, điều này có thể giúp Bắc Hàn củng cố hệ thống vũ khí. Đây là nguồn thu nhập thêm mà họ không có.”
Ông Yang, một chuyên gia về hệ thống vũ khí quân sự chiến lược, nói thêm: “Trong 15 năm chúng ta đã xây dựng một mạng lưới cấm vận với Bắc Hàn, để chấm dứt việc nước này phát triển và buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nay Nga, thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Liên Hiệp Quốc, có thể khiến cả hệ thống này sụp đổ.”
Khi các lệnh cấm vận được tăng cường, Bắc Hàn trở nên phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc – nước làm ngơ các lệnh cấm vận và vẫn cung cấp cứu trợ lương thực cho Bắc Hàn. Năm ngoái, tại Hội đồng an ninh Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã từ chối trừng phạt Bắc Hàn vì đã thử nghiệm vũ khí, có nghĩa họ đã có thể phát triển kho vũ khí hạt nhân mà không gặp phải hậu quả nghiêm trọng nào.
Bắc Hàn cung cấp cho Bắc Kinh một vùng đệm hữu hiệu giữa nước này và quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, có nghĩa là họ phải trả giá để Bình Nhưỡng tồn tại.
Nhưng Bình Nhưỡng đã luôn không thoải mái về việc phải phụ thuộc quá nhiều chỉ vào Trung Quốc.
Với việc Nga cũng đang săn tìm đồng minh, ông Kim có cơ hội đa dạng hóa mạng lưới hỗ trợ của mình.
Và với một nước Nga đang tuyệt vọng, nhà lãnh đạo Bắc Hàn có thể cảm thấy ông có thể đạt được những nhượng bộ từ Moscow còn lớn hơn là từ Bắc Kinh. Ông Putin có thể đồng ý giữ im lặng về việc Bắc Hàn thử hạt nhân, dù điều này có thể là một bước đi khá xa đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Trong chiến tranh lạnh, Bắc Hàn đã đưa Nga và Trung Quốc vào thế cạnh tranh, rất giống với cách trẻ em đặt cha mẹ vào thế đối đầu,” Tiến sỹ Bernard Loo từ trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam nói.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi về việc cuộc gặp có diễn ra hay không.
Ông Kim không thường xuyên rời Bắc Hàn. Ông hoang tưởng về sự an toàn của mình và xem các chuyến đi nước ngoài là đầy nguy hiểm. Các chuyến công du quốc tế gần đây nhất của ông – tới Hà Nội gặp gỡ Donald Trump tháng 2/2019, và gặp ông Putin ở Vladivostok tháng 4/2019 – ông đi bằng tàu bọc thép. Chuyến đi tới Hà Nội tốn tới hai ngày, xuyên qua Trung Quốc.
Không rõ hai nhà lãnh đạo dự định giữ cuộc gặp của họ riêng tư tới mức nào, nhưng có thể Mỹ đang hi vọng rằng bằng cách công khai, Mỹ có thể khiến ông Kim sợ hãi và nhờ vậy cản trở cả cuộc gặp gỡ và thỏa thuận vũ khí tiềm năng.
Tiến sỹ Loo không cho rằng ông Kim sẽ có nhiều cơ hội để thay đổi, tuy nhiên: “Dựa vào các báo cáo về các đợt diễn tập quân sự ba bên, sẽ khó để hủy những sự kiện như vậy mà không ai bị ném trứng vào mặt.”
Một phần của chiến lược của Mỹ kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào Ukraine là dùng tình báo để cố gắng ngăn chặn các thỏa thuận diễn ra. Bắc Hàn và Nga tới nay đã phủ nhận bất cứ thông tin nào về việc họ đang tìm kiếm các thỏa thuận vũ khí. Cả hai bên đều có thể không muốn thỏa thuận này trở thành một vấn đề công khai.
Tường thuật bổ sung bởi Nicholas Yong tại Singapore