September 7, 2023
Năm tới, cả Biden và Trọng sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị trong nước. Biden tham gia vào chiến dịch tái tranh cử trong lúc Trọng bận rộn chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến được tổ chức vào năm 2025.
Chuyến thăm Việt Nam của Biden đã được cả hai bên lên kế hoạch từ năm 2021, nhưng có nhiều khả năng xảy ra hơn sau cuộc điện đàm “thành công” giữa ông và Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3, sau đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Anthony Blinken tới Hà Nội vào tháng 4, cũng như chuyến đi Mỹ của Lê Hoài Trung vào tháng 6.
Các cuộc thảo luận trong vài tháng qua tập trung vào việc liệu Biden thăm Việt Nam hay Trọng thăm Mỹ.
Có 5 lý do khiến chuyến thăm Hà Nội kéo dài một ngày rưỡi của Biden là một chiến thắng của Biden và chính quyền của ông.
Thứ nhất, ngoài Trọng, Biden sẽ được Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ chào đón. Đây là hai ứng viên tiềm năng thay thế Trọng tại Đại hội 14 vào năm 2025. Cuộc gặp với Thưởng và Huệ sẽ giúp Biden xây dựng mối quan hệ cá nhân với họ trong 5 năm tới nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ thứ nhì vào năm tới.
Thứ nhì, hai nhiệm kỳ của chính quyền Obama từ năm 2008 đến năm 2016 đã để lại ba cột mốc quan trọng nhất trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam cho đến nay. Dấu mốc đầu tiên là việc nâng quan hệ song phương lên mức đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Trương Tấn Sang tới Washington năm 2013. Dấu mốc thứ nhì là Trọng tới Nhà Trắng vào năm 2015.
Thời điểm đó, với tư cách phó tổng thống, Biden có cơ hội phát triển mối quan hệ cá nhân với Trọng khi ông chủ trì bữa tiệc trưa cho vị khách này. Cột mốc thứ ba là việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù. Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.
Với tư cách tổng thống, Biden giờ đây có cơ hội khắc tên mình vào lịch sử quan hệ Việt-Mỹ bằng cách một lần nữa nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện.
Thứ ba, thăm Việt Nam ngay sau khi dự Hội nghị G-20 ở Ấn Độ là quyết định thông minh xét từ góc độ chiến lược. Đối với vị tổng thống 81 tuổi, chuyến bay xuyên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ Đông sang Tây và dừng chân ở trung tâm khu vực để thăm chính thức một trong những quốc gia được coi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ vẫn cam kết gắn lợi ích của mình với khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á.
Điều này rất có ý nghĩa trước những lo ngại được bày tỏ về cam kết của Hoa Kỳ với ASEAN sau khi Biden không tham dự hội nghị của khối này tại Jakarta.
Thứ tư, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, một cột mốc đáng chú ý trong quan hệ song phương ghi nhận những đóng góp của Biden trong vai trò phó tổng thống. Năm nay là thời điểm thích hợp nhất để hai nước nâng cấp quan hệ.
Năm tới, cả Biden và Trọng sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị trong nước. Biden tham gia vào chiến dịch tái tranh cử trong lúc Trọng bận rộn chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến được tổ chức vào năm 2025. Đặc biệt, Trọng sẽ quyết định ai sẽ là người kế nhiệm làm tổng bí thư. Với tình trạng sức khỏe yếu, Trọng đã phải hủy chuyến thăm dự kiến tới Washington hồi năm 2019.
Do đó, nếu không có chuyến thăm của Biden thì khó có chuyến thăm cấp cao cho đến khi hai nước có ban lãnh đạo mới vào năm 2025. Sẽ thật đáng tiếc nếu Việt, Mỹ bỏ lỡ cơ hội nâng tầm quan hệ lên tầm chiến lược trong bối cảnh “thiên thời”, “địa lợi” và “nhân hòa” hiện nay.
Cuối cùng, việc nâng cấp quan hệ sẽ được công bố tại Hà Nội sẽ có ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm của Biden sẽ thu hút sự chú ý lớn của dư luận và truyền thông Việt Nam, Hoa Kỳ và khu vực so với chuyến thăm Washington của ông Trọng.
Khi ở Hà Nội, hình ảnh của Biden sẽ in sâu trong tâm trí người dân Việt Nam như những người tiền nhiệm, dù lần này, ông không có nhiều thời gian ăn bún chả như Obama.