Trung Quốc muốn cấm mặc đồ ‘gây tổn thương cảm xúc dân tộc’

  • Kelly Ng
  • BBC News, Singapore
Two girls in cosplay dresses along the street in Beijing
Chụp lại hình ảnh,Các chuyên gia pháp lý lo ngại rằng những từ ngữ mơ hồ trong dự luật sẽ gây rắc rối trong quá trình áp dụng

Dự thảo luật cấm phát biểu và ăn mặc “gây tổn hại đến tinh thần của người dân Trung Quốc” đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Trung Quốc.

Nếu luật này có hiệu lực, những người bị kết tội có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù, nhưng nội dung đề xuất trong dự luật vẫn chưa nêu rõ những gì sẽ cấu thành hành vi vi phạm.

Người dùng mạng xã hội và các chuyên gia pháp lý đã kêu gọi cần làm rõ hơn để tránh việc áp dụng quá đà.

Trung Quốc gần đây đã công bố một loạt đề xuất thay đổi đối với các quy định pháp luật về an ninh công cộng – những cải cách đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Luật trang phục đã thu hút phản ứng ngay lập tức từ công chúng – với nhiều ý kiến chỉ trích trên mạng là quá đáng và vô lý.

Các điều khoản gây tranh cãi quy định rằng những người mặc hoặc ép buộc người khác mặc trang phục và biểu tượng “làm xói mòn tinh thần hoặc làm tổn thương tình cảm của đất nước Trung Quốc” có thể bị giam giữ tới 15 ngày và bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (680 USD).

Những người tạo ra hoặc phổ biến các bài báo hoặc bài phát biểu gây tác động đó cũng có thể phải đối mặt với hình phạt tương tự.

Những thay đổi pháp lý đang được đề xuất cũng cấm “xúc phạm, vu khống hoặc xâm phạm tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ địa phương” cũng như hành vi phá hoại các bức tượng tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.

Trên mạng, người ta đặt câu hỏi làm thế nào những người thực thi pháp luật có thể đơn phương xác định khi nào “cảm xúc” của dân tộc bị “tổn thương”.

“Việc mặc vest và đeo cà vạt có được tính không? Chủ nghĩa Mác có nguồn gốc từ phương Tây. Liệu sự hiện diện của nó ở Trung Quốc có bị coi là làm tổn hại đến tình cảm dân tộc hay không,” một người dùng đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Luật mơ hồ?

Các chuyên gia pháp lý trong nước cũng chỉ trích cách diễn đạt mơ hồ của luật, cho rằng nó có thể dễ bị lạm dụng.

Triệu Hồng, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc cho biết, sự thiếu rõ ràng có thể dẫn đến việc vi phạm quyền cá nhân.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu người thực thi pháp luật, thường là cảnh sát, có cách giải thích cá nhân về tổn thương và đưa ra phán xét về mặt đạo đức đối với người khác ngoài phạm vi của luật pháp,” bà viết trong một bài báo đăng hôm thứ Tư.

Bà trích dẫn một trường hợp gây chú ý ở Trung Quốc vào năm ngoái, khi một phụ nữ mặc kimono bị giam giữ ở thành phố Tô Châu và bị buộc tội “gây gổ và gây rắc rối” vì người này mặc trang phục Nhật Bản. Vụ việc đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc.

Đã có những trường hợp khác nữa về việc bị trấn áp.

Vào tháng 3 năm nay, cảnh sát đã bắt giữ một người phụ nữ mặc bộ bản sao quân phục Nhật Bản tại chợ đêm.

Và đầu tháng trước, những người mặc quần áo in hình cầu vồng đã bị từ chối vào xem buổi hòa nhạc của ca sĩ Đài Loan Chang Hui-mei ở Bắc Kinh.

“Mặc kimono là làm tổn thương tình cảm của dân tộc Trung Hoa, vậy ăn đồ ăn Nhật là gây nguy hiểm cho tinh thần của dân tộc Trung Hoa? Tình cảm và tinh thần của dân tộc Trung Hoa trải qua thời gian đã trở nên mong manh như vậy từ khi nào?” một nhà bình luận xã hội nổi tiếng trên mạng, người lấy bút danh là Wang Wusi, viết.

Dự thảo luật chỉ là một ví dụ về cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách xác định lại những gì tạo nên một công dân Trung Quốc kiểu mẫu kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012.

Vào năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông đã ban hành “các nguyên tắc đạo đức” bao gồm các chỉ thị như phải lịch sự, đi du lịch với lượng khí thải carbon thấp hơn và có “niềm tin” vào ông Tập và đảng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment