Từ ngày 08-11/09/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden công du châu Á, bắt đầu từ Ấn Độ để dự thượng đỉnh G20 – nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất – và kết thúc ở Việt Nam, gặp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khả năng sẽ nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Giới quan sát nhận định, qua chuyến công du châu Á lần này, ông Biden muốn khẳng định với thế giới Hoa Kỳ và các đồng minh là những đối tác kinh tế và an ninh tốt hơn Trung Quốc.
Đăng ngày: 08/09/2023
Cuộc chiến tại Ukraina do Nga tiến hành tiếp tục chia rẽ nhóm G20. Theo giới quan sát, việc Nga và Trung Quốc không đồng ý đưa chiến tranh Ukraina vào chương trình nghị sự có nguy cơ dẫn đến việc thượng đỉnh sẽ không ra được thông cáo chung. Và đây sẽ là một thất vọng lớn cho Ấn Độ, nước chủ nhà, vốn dĩ có tham vọng trở thành quốc gia trung gian, đại diện cho khối các nước phương Nam.
Ngoài sự vắng mặt của tổng thống Nga Vladimir Putin, việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất có thể không đến dự thượng đỉnh ít nhiều cho thấy hình ảnh một G20 bị suy yếu, theo như nhận xét của AFP. Hoa Kỳ, thông qua cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, đánh giá, với quyết định không dự thượng đỉnh, chủ tịch Trung Quốc đang bỏ lỡ cơ hội tham gia mang tính xây dựng và giải quyết các vấn đề đa phương mà các nước đang phát triển phải đối mặt.
Tuy nhiên, đối với Colleen Cottle, phó giám đốc Global China Hub, thuộc Atlantic Council, sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình có thể sẽ « mang lại nhiều cơ hội cho chính quyền Biden để thúc đẩy và trình bày các đề xuất giá trị đối với khối các nước phương Nam », trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hụt hơi.
Theo AP, Hoa Kỳ cùng với Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nhân sự kiện này sẽ nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận cơ sở hạ tầng chung quan trọng, kết nối các nước vùng Vịnh và Ả Rập Xê Út qua mạng lưới đường sắt, và kết nối Ấn Độ với các tuyến đường vận chuyển từ các cảng biển trong khu vực.
Đối với những nước đang phát triển, có thu nhập thấp và trung bình, chính quyền Biden dự trù có những đề nghị như giảm nợ, tái cơ cấu nợ, cải tổ các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), nhằm tăng cường khả năng và điều kiện cho vay đối với các nước nghèo.
Washington muốn khẳng định đây là mô hình thay thế đáng tin cậy so với những « phương pháp mờ ám, mang tính cưỡng bức » của dự án Sáng kiến Vanh đai và Con đường do Trung Quốc đề xuất. Ý định này đã được Washington thể hiện rõ qua thông báo bổ sung thêm 200 tỷ đô la vào nguồn quỹ cho vay của hai định chế quốc tế.
Thượng đỉnh G20 cũng là dịp để Hoa Kỳ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với Ấn Độ để đối đầu với Trung Quốc, bất chấp việc New Delhi không lên án Matxcơva xâm lược Ukraina, hay không tôn trọng nhân quyền. Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á ở Wilson Center, trụ sở tại Washington, lưu ý, Hoa Kỳ có lẽ sẽ không để những vấn đề nhân quyền « có thể làm tổn hại, dẫn đến rủi ro đánh mất một mối quan hệ quá quan trọng ».
Sau G20, tổng thống Mỹ đến thăm Hà Nội Chủ Nhật 10/09, và dự kiến có cuộc gặp với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo AP, đôi bên dự kiến công bố kế hoạch thắt chặt hợp tác kinh tế. Nhiều chuyên gia được hãng tin Pháp trích dẫn trông đợi khả năng Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện », cấp cao nhất trong bậc thang quan hệ ngoại giao do Hà Nội thiết lập. Mục tiêu cũng nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tóm lại, theo giới quan sát, chuyến công du châu Á của nguyên thủ Mỹ là một phần trong nỗ lực tấn công ngoại giao tổng lực tại các nước châu Á, bất kể đó là những nước đồng minh truyền thống của Mỹ hay không.