Các nghị sĩ Anh coi TQ ‘là mối đe dọa’ sau vụ bắt ‘gián điệp trong quốc hội’

Getty Images

  • Tác giả,Nick Eardley
  • Vai trò,Chủ biên chính trị, BBC

Chính phủ Anh đang phải đối mặt với áp lực phải có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Bắc Kinh, sau khi một nhà nghiên cứu của Quốc hội Anh bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Các nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ đã kêu gọi xếp Trung Quốc vào danh sách mối đe dọa, một động thái được một số bộ trưởng nội các ủng hộ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nêu quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường Anh với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi hai người cùng tham dự G20 ở Ấn Độ.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng họ làm gián điệp và gọi đó là “sự vu khống ác ý”.

“Chúng tôi kêu gọi phía Anh ngừng lan truyền thông tin giả mạo,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói.

Cảnh sát xác nhận hôm thứ Bảy rằng hai người đàn ông đã bị bắt ở Anh theo Đạo luật Bí mật Chính thức vào tháng Ba.

Cảnh sát Đô thành London cho biết trong một tuyên bố: “Một người đàn ông ở độ tuổi 30 đã bị bắt tại một địa chỉ ở hạt Oxfordshire và một người đàn ông ở độ tuổi 20 đã bị bắt tại một địa chỉ ở Edinburgh.

“Việc khám xét cũng được thực hiện tại cả hai nơi ở thuộc khu dân cư và tại một địa chỉ thứ ba ở đông London.”

Các nguồn tin nói với BBC rằng một trong số họ là nhà nghiên cứu của quốc hội, làm việc liên quan đến các vấn đề quốc tế.

Vấn đề được tờ Sunday Times tường thuật đầu tiên. Được biết nhà nghiên cứu này có mối liên hệ với một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ. BBC đã tiếp cận ông ta để lấy phản hồi.

Cả hai đều đã được tại ngoại hầu tra, và Bộ chỉ huy chống khủng bố của Cảnh sát Đô thành, cơ quan giám sát các tội liên quan đến gián điệp, hiện đang điều tra.

Tờ Sunday Times đưa tin nhà nghiên cứu này đã tiếp cận được quan chức an ninh Tom Tugendhat và chủ tịch ủy ban đối ngoại Alicia Kearns, cùng những người khác.

Trong ngày, nhà nghiên cứu này (BBC không nêu tên) công bố qua luật sư của ông một tuyên bố, phủ nhận các cáo buộc trên báo chí.

Nói rằng ông vô tội, người đàn ông ở tuổi ngoài 20 lên tiếng:

“Tôi đã bỏ ra cả sự nghiệp cho tới nay để nỗ lực giáo dục những người khác về thách thức và đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Làm như cách người ta cáo buộc chống lại tôi bằng thứ tin tức siêu thực mới là đi ngược lại các giá trị tôi tôn trọng.”

EPA

Việc bắt giữ nhà nghiên cứu này đã làm sống lại cuộc tranh luận giữa các nghị sĩ đảng Bảo thủ về việc liệu Anh có nên áp dụng cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn với Trung Quốc hay không.

Một số thành viên Bảo thủ muốn chính phủ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa – một động thái cho đến nay vẫn bị các quan chức cao cấp phản đối.

Các nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ nắm vị trí ít quan trọng hơn, trong đó có cựu lãnh đạo Sir Iain Duncan Smith và nghị sĩ Tim Loughton, kêu gọi chính phủ hành động.

Ông Duncan Smith cho biết “đã đến lúc chúng ta phải nhận ra mối đe dọa ngày càng sâu sắc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời ông (Chủ tịch) Tập đang gây ra”.

Và ông Loughton cảnh báo về việc “các xúc tu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vươn xa tới mức nào đến các thể chế của Anh”.

“Một lần nữa, việc an ninh của Quốc hội có khả năng bị xâm phạm củng cố thêm rằng chúng ta không thể không coi Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa thù địch từ bên ngoài.”

‘Leo thang mọi thứ’

Một số bộ trưởng nội các, như Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, được cho là cũng ủng hộ việc thắt chặt các quy định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh doanh Kemi Badenoch nói Anh phải “rất cẩn thận với ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng”, và nói thêm rằng việc gọi Trung Quốc là mối đe dọa sẽ “làm leo thang mọi thứ”.

Bà cho biết quan điểm hiện tại của Anh – theo đó cho rằng Trung Quốc đưa ra một “thách thức mang tính thời đại” – là phù hợp với lập trường của các đồng minh Anh.

Ông Sunak hôm Chủ Nhật nói ông đã nêu “những quan ngại rất mạnh mẽ” với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về bất kỳ sự can thiệp nào vào nền dân chủ Anh.

Nhưng ông cũng nói rằng Anh quốc không nên “đi từ bên lề” và việc nêu quan ngại bên trong phòng họp thì sẽ tốt hơn.

‘Quốc gia đáng quan ngại’

Sir Alex Younger, cựu giám đốc tình báo MI6, cho biết định nghĩa của Trung Quốc về công việc tình báo “rộng hơn nhiều” so với cách hiểu thông thường ở Anh, bao gồm cả nỗ lực gây ảnh hưởng đến mọi người cũng như thu thập thông tin.

Ông nói với chương trình Today của kênh phát thanh BBC Radio 4 rằng Anh quốc phải “tìm cách tham gia cùng” Trung Quốc, bao gồm cả hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông nói rằng quốc gia này có lẽ nên được coi là “quốc gia đáng quan ngại” trong luật an ninh của Anh, được cập nhật vào đầu năm nay, theo đó đưa ra các yêu cầu báo cáo bổ sung đối với các tổ chức có liên hệ với Trung Quốc.

“Đôi khi chúng ta cần phải đối đầu với Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ tử tế với họ sẽ không giúp bạn tiến xa được,” ông nói thêm.

Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Anh hồi tháng Bảy đã ra một báo cáo vốn được trông đợi từ lâu, cảnh báo chính phủ đã chậm chạp trong việc đối mặt với những rủi ro an ninh từ Bắc Kinh.

“Có vẻ như Trung Quốc có ý định can thiệp ở mức độ cao vào chính phủ Anh, nhắm mục tiêu vào các quan chức và cơ quan ở nhiều cấp độ khác nhau để tác động đến tư duy chính trị và việc ra quyết định của Anh liên quan đến Trung Quốc,” bản báo cáo viết.

Trong hệ thống dân chủ đại nghị ở Anh, Quốc hội (lập pháp) không trực tiếp điều hành ngành ngoại giao, vì đó là một phần của hành pháp (Nội các và Bộ Ngoại giao) nhưng các ủy ban của Quốc hội có thể giám sát và đưa ra các cảnh báo chính thức và yêu cầu Chính phủ phải giải trình xem đường lối hiện hành có phù hợp không.

Bài Liên Quan

Leave a Comment