Các cam kết của các nước giàu để thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là chủ đề được quan tâm tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Hôm qua 09/09/2023, các nhà lãnh đạo đã không thể ra thỏa thuận về việc chấm dứt dùng nhiên liệu hóa thạch.
Đăng ngày: 10/09/2023
Theo AFP, các nước thành viên khối G20 đặc biệt bị chia rẽ về dầu lửa dù thải ra tới 80% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Nhưng đây là lần đầu tiên khối G20 đạt thỏa thuận đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo.
Từ New Delhi, đặc phái viên Dominique Baillard cho biết thêm chi tiết :
« Các nước khối G20 đồng ý về các mục tiêu. Họ công nhận là cần phải giảm phát thải khí carbon để giới hạn mức nhiệt độ tăng thêm tối đa chỉ là 1,5°C.
Thế nhưng, các nước giàu vẫn còn rụt rè về các biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu nói trên. Kế hoạch loại bỏ việc sử dụng than đá được nhắc đến và điều này được xem là một tiến bộ nhưng mỗi nước sẽ có nhịp tiến riêng của họ, mà không có hạn chót.
Tuyên bố cuối cùng nêu rõ các nước cần gia tăng nỗ lực để giảm sản xuất nhiệt điện than, nhưng lại không nói tới hoạt động sản xuất điện từ khí đốt hoặc dầu diezel. Sự ngó lơ này bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích nặng nề. Các thành viên G20 vẫn xem việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch là quá sớm.
Trái lại, cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 được đón nhận tích cực hơn. Cam kết này có thể tạo thuận lợi cho việc đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về chủ đề này tại thượng đỉnh khí hậu COP28 diễn ra ở Dubai trong 3 tháng nữa. »