Một cựu đại sứ Hoa Kỳ: Kim cương và gái đẹp

Saigon Nhỏ

Richard G. Olson (trái) – ảnh: AFP /POOL/AAMIR QURESHI/Anadolu Agency/Getty Images

Kim cương, bạn gái, vận động hành lang trái phép đã tạo nên cú ngã chính trị của một cựu đại sứ Mỹ. Ngày 12 Tháng Chín, Richard G. Olson Jr, 63 tuổi, dự kiến sẽ bị kết án tại Tòa án khu vực Hoa Kỳ (U.S. District Court) ở Washington sau khi nhận tội vào năm ngoái với hai tội.

Ở lần buộc tội đầu tiên, Olson thừa nhận lúc còn là đại sứ ở Pakistan, ông đã không tiết lộ mình đã nhận được vé hạng nhất trị giá $18,000 để bay tới London phỏng vấn xin việc với một công ty đầu tư ở Vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Ở cáo buộc thứ hai, ông thừa nhận đã vận động bất hợp pháp các quan chức Mỹ thay mặt cho chính phủ Qatar vào năm 2017, vi phạm luật “cooling-off” liên bang cấm làm như thế trong vòng một năm sau khi nghỉ hưu ở Bộ Ngoại giao.

Đạo đức đi xuống khi đang là ngôi sao

Khi Olson nghỉ hưu ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2016, ông đã được các đồng nghiệp ca ngợi vì sự nghiệp lẫy lừng kéo dài 34 năm, gồm các chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng như những vị trí đầy hiểm nguy ở Iraq và Afghanistan. “Rick là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất của chúng tôi” – Ngoại trưởng lúc đó là John F. Kerry nhận xét về thuộc cấp.

Nhưng trong những năm kể từ đó, Olson đã bị liên bang điều tra vì kiểu hành xử “không điển hình” trong thế giới ngoại giao quốc tế ngay thẳng và phải tuân thủ các quy tắc. Các hồ sơ chưa được đệ trình lên tòa án cho thấy tổng thanh tra Bộ Ngoại giao đã điều tra Olson vì không báo cáo món quà trang sức kim cương trị giá $60,000 tiểu vương Dubai tặng cho mẹ vợ của ông.

Một phần của cuộc điều tra rộng hơn cho thấy FBI cũng thẩm vấn Olson về mối quan hệ ngoài hôn nhân với một nhà báo làm việc ở Pakistan lúc ông đang giữ chức đại sứ Mỹ tại Islamabad của Pakistan. FBI biết Olson đã nhờ một doanh nhân người Mỹ gốc Pakistan (người hiện đang thụ án 12 năm tù liên bang vì tội tổ chức quyên góp bất hợp pháp và trốn thuế) trả $25,000 tiền học phí để bạn gái ông có thể chuyển đến New York và theo học Trường Báo chí sau đại học của Đại học Columbia.

Hồ sơ toà án cho thấy Olson có một đời sống tình cảm phức tạp đưa ông vào thế dễ bị tống tiền. Khi còn làm việc ở Pakistan từ năm 2012-2015, ông hẹn hò với nhiều phụ nữ dù đang có vợ. Trong hồ sơ tòa án, các công tố viên gọi đồ trang sức tiểu vương tặng là “một món quà cắt cổ và rõ ràng không phù hợp” đồng thời cáo buộc Olson nói dối để trốn trách nhiệm. Theo hướng dẫn tuyên án của liên bang, Olson có thể phải ngồi tù tới sáu tháng, dù các luật sư của nói ông không cần phải ngồi tù.

Chống mua chuộc của nước ngoài

Những năm gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã tăng cường thực thi các luật về ảnh hưởng của nước ngoài. Các thành viên Quốc hội cũng nỗ lực kiểm soát hoạt động bí mật của các quân nhân Mỹ đã nghỉ hưu làm cố vấn hoặc nhà thầu cho các cường quốc nước ngoài. Các vấn đề về pháp lý và tình cảm của Olson bắt đầu khi ông là đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan vào năm 2012. Mối quan hệ Mỹ-Pakistan đã rạn nứt vì cuộc đột kích của biệt kích Mỹ vào Pakistan một năm trước đó để tiêu diệt Osama bin Laden, người sáng lập al-Qaeda. Pakistan đóng cửa các tuyến đường tiếp tế trên bộ của Mỹ cho cuộc chiến Afghanistan để trả đũa cuộc không kích của NATO khiến hai chục binh sĩ Pakistan thiệt mạng.

Hồ sơ tòa án cho thấy, trong khi nhiệm vụ chính của Olson là xoa dịu căng thẳng với các chỉ huy quân sự và tình báo đầy quyền lực của Pakistan, ông lại xao nhãng khi gặp Muna Habib, nữ phóng viên truyền hình trẻ người Anh đang làm việc ở đó. Họ hẹn hò được hai năm nhưng chia tay vào cuối năm 2014 sau khi Habib phát hiện đại sứ đã lừa dối cả cô và vợ ông. Nhưng hai người nối lại liên lạc vài tháng sau đó.

Habib tốt nghiệp Trường Báo chí, Đại học Columbia năm 2015 nhưng không có khả năng chi trả khoản tiền nợ đại học $93,000. Theo hồ sơ tòa án, Olson đã đồng ý giúp đỡ bằng cách giới thiệu cô với Imaad Zuberi, một nhà môi giới người Mỹ gốc Pakistan có quan hệ chính trị và kinh doanh cấp cao ở Pakistan, Trung Quốc và Trung Đông. Hồ sơ cho thấy dù chưa bao giờ nghe tên Habib trước đây, chỉ trong vài ngày, Zuberi đã đề nghị trả $25,000 bù đắp tiền học phí cho cô và thu xếp khoản vay $50,000! Hồ sơ thể hiện ông ta đã gửi một tấm séc $20,000 cho Đại học Columbia và $5,000 cho Habib.

Trong hồ sơ tòa án, các luật sư của Olson nói cựu đại sứ “chỉ giới thiệu, một thông lệ rất bình thường đối với một nhà ngoại giao” và “không làm gì sai trái liên quan đến khoản học phí của Habib”. Nhưng những email qua lại cho thấy đại sứ và nữ nhà báo vẫn còn quan hệ mật thiết với nhau. Ngày 16 Tháng Sáu, 2015, Habib viết: “Cuộc chia tay của chúng ta là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời em. Em biết anh đã cư xử như thế nào trong tất cả các mối quan hệ trước đây nhưng em vẫn tiếp tục gặp anh vì cách cư xử của anh khiến em cảm thấy được yêu thương, điều mà em chưa từng trải qua trước đây!”.

Olson hồi âm: “Thật vui vì chúng ta vẫn là bạn. Anh cũng quan tâm sâu sắc đến em”. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại của The Washington Post, Habib bác bỏ và gọi tin đồn về mối quan hệ của cô với Olson là: “Những câu chuyện phiếm tục tĩu làm tôi phát ngán và mệt mỏi”. Trong buổi làm việc với FBI năm 2019, Olson cho biết ông đã báo cáo mối quan hệ với Habib cho trưởng trạm CIA tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Islamabad. Theo Cẩm nang Đối ngoại (Foreign Affairs Manual) của Bộ Ngoại giao, các nhà ngoại giao có quyền kiểm soát an ninh cấp cao phải báo cáo bất kỳ “quan hệ thân mật/tình dục” nào với công dân nước ngoài cho các quan chức an ninh ngoại giao vì mục đích phản gián.

Viên kim cương rắc rối

Trong khi Olson làm đại sứ tại Pakistan, ông cũng phải đối phó với cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao về một vấn đề nhạy cảm khác. Theo tài liệu của tòa án, năm 2014, có người đã báo cho tổng thanh tra Bộ Ngoại giao rằng 11 năm trước, khi Olson đang phụ trách Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Dubai, tiểu vương của “thành phố-quốc gia” này (tên của tiểu vương không được nêu rõ; Dubai có hai tiểu vương khác nhau kể từ năm 2003) đã gửi một chiếc hộp đến văn phòng của ông, bên trong là bốn viên kim cương nạm vàng trắng (một mặt dây chuyền, một chiếc nhẫn và một bộ hoa tai) mà các quan chức liên bang sau này định giá $60,000.

Theo tiêu chuẩn của Đạo luật Quà tặng và Trang trí Nước ngoài (Foreign Gifts and Decoration Act) lúc đó, các quan chức Mỹ phải báo cáo những món quà có giá trị hơn $285 và không được giữ chúng trừ khi đã thanh toán cho chính phủ liên bang đúng giá trị thị trường của món quà. Olson không làm như thế mà lập luận với các nhà điều tra Bộ Ngoại giao rằng tiểu vương Dubai tặng những viên kim cương cho mẹ vợ chứ không phải cho ông để “bày tỏ sự trân trọng việc bà đã đến Dubai để giúp chăm sóc hai đứa con của đại sứ Mỹ”.

Bà Deborah Jones, vợ của Olson, là quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, giám sát Văn phòng Các vấn đề Bán đảo Ả-rập ở Washington. Bà cũng bị Bộ Ngoại giao điều tra vì giám sát chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực (trước đây bà từng giữ chức phó phái đoàn ngoại giao Mỹ tại UAE). Trong một cuộc phỏng vấn với The Post, Jones bảo vệ những món trang sức như một món quà hợp pháp dành cho mẹ bà và nói cả bà và Olson đều không sai khi không báo cáo.

Bà cho The Washington Post biết các quan chức Bộ Ngoại giao đã chất vấn bà về những viên kim cương khi bà đang giữ chức đại sứ tại Libya năm 2014, và gọi cuộc điều tra là “rất xúc phạm, rất khó chịu”. Bộ Ngoại giao đã kết thúc cuộc điều tra này mà không có hành động nào chống lại hai vợ chồng. Trong một lá thư phản hồi gửi vào Tháng Mười Một 2016, Olson nói ông không thể ép mẹ vợ giao những viên kim cương, vì “bà sẽ xem đây là một vụ cướp”.

Jones nói với The Washington Post rằng bà cũng cố gắng thuyết phục mẹ trả lại số trang sức nhưng không thành công. Người mẹ qua đời vào Tháng Mười Hai và Jones không chắc chuyện gì đã xảy ra với những viên kim cương. Olson và vợ đệ đơn ly hôn vào năm 2018 nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân tình. Olson nối lại mối tình lãng mạn với Habib khi cô tốt nghiệp Đại học Columbia. Hai người kết hôn vào Tháng Sáu, 2019 và hiện sống ở tiểu bang New Mexico – nguồn The Washington Post cho biết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment