Mỹ và Việt Nam hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

7/20/2023

Ngày 25/7/2013, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố đưa quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện.

Mười năm sau, lãnh đạo hai nước bắt đầu thảo luận về khả năng đưa quan hệ hai nước lên mức cao hơn là đối tác chiến lược, mức thứ hai sau mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam hiện mới chỉ thiết lập với bốn quốc gia khác là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

RFA nhìn lại quan hệ Việt – Mỹ suốt 10 năm qua theo chín trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện được đưa ra trong tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước năm 2013.

Khả năng nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược

Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về khả năng nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn là đối tác chiến lược. Điều này đã được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đề cập trong chuyến thăm của bà tới Hà Nội vào tháng 8/2021.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 năm nay, hai bên cũng đề cập đến việc thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước, theo thông tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải thuộc Đại học Queensland, Úc, quan hệ hai nước về thực chất đã là đối tác chiến lược.

Nguyễn Hồng Hải: Nhìn vào mối quan hệ việt mỹ trong vòng gần 30 năm qua từ năm 1995 trở lại đây thì tôi thấy…. vì cả hai nước đã nâng cấp lên thành đối tác toàn diện rồi. Đối tác toàn diện có nghĩa là sự hợp tác mang tính toàn diện hơn mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng vân vân. Tôi nghĩ rằng các khía cạnh đều phát triển tốt và cả hai bên đều thấy điều đó.

Việc Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược được cho là cũng chịu những ảnh hưởng nhất định từ nhân tố Trung Quốc, nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, đây không phải là yếu tố then chốt trong quyết định của Hà Nội muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Nguyễn Hồng Hải: Quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc Việt Nam chứ không phải do phía Trung Quốc quyết định. Đó là điều khi đánh giá quan hệ Trung Quốc – Việt Nam chúng ta phải thấy được, tức là có xem xét đến yếu tố Trung Quốc nhưng đó là vì lợi ích của Việt Nam chứ không phải là để Trung Quốc quyết định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ là yếu tố quan trọng trong việc hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên một mức mới, bao gồm việc Mỹ nhìn nhận độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào việc nội bộ của Việt Nam, trong đó có vấn đề về nhân quyền.

Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm nay được đánh giá là quan trọng trong việc đặt tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ hai nước. Mặc dù vậy, vẫn còn những băn khoăn về việc hai nhà lãnh đạo hai nước sẽ có các chuyến thăm lẫn nhau vào khi vẫn còn dịch bệnh COVID-19, vấn đề sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (79 tuổi) khi ông đã từng phải hủy bỏ chuyến thăm Mỹ vào năm 2019 vì vấn đề sức khỏe.

Bài Liên Quan

Leave a Comment