- Tác giả,Thục Quyên
- Vai trò,Gửi tới BBC News tiếng Việt từ Munich, Đức
Berlin nắng đẹp ngày 9/09/2023 đã mở ra một vòng tay nồng ấm đón chào vợ chồng luật gia Nguyễn Bắc Truyển – Bùi Kim Phượng.
Vừa tới Đức, họ đã ngỏ lời trên Facebook cám ơn mọi sự giúp đỡ và quan tâm của chính phủ CHLB Đức và thân bằng quyến thuộc trong suốt 6 năm 1 tháng 7 ngày tù vừa qua, rồi xin phép trong thời gian đầu tại đây, được dành thời gian trước hết để phục hồi sức khỏe và ổn định cuộc sống.
Bộ Ngoại giao CHLB Đức mô tả việc trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển như một động thái nhân đạo của chính quyền Việt Nam, nhưng đôi bên đều không đưa ra lý do tại sao lại xảy ra trong lúc này.
Từ khi ông Truyển bị bắt năm 2017, Mạng lưới của những người bảo vệ Nhân quyền VETO! với Giám đốc điều hành là ông Vũ Quốc Dụng, đã không ngừng vận động ráo riết và bên bỉ để nhờ chính phủ CHLB Đức can thiệp yêu cầu trả tự do cho ông Truyển, đồng thời liên kết với các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế lên án hành động vi phạm Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, của chính quyền Việt Nam.
Trong khi đó thì tổ chức BPSOS tại Mỹ cũng vận động các thượng nghị sỹ lên tiếng phản đối nhà cầm quyền VN đã vi phạm Tự do tôn giáo khi bắt Nguyễn Bắc Truyển. Tại buổi họp với các giới chức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Toà Bạch Ốc ngày 5/09/2023, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, đã trao tay bức thư chung do BPSOS khởi xướng và có chữ ký ủng hộ của 11 tổ chức và 24 cá nhân gửi Tổng Thống Biden trước chuyến thăm Việt Nam, yêu cầu đạt thoả thuận về những cải tổ gốc rễ chính sách đối với các nhóm tôn giáo độc lập, cũng như trả tự do cho Ông Nguyễn Bắc Truyển và một số tù nhân lương tâm khác.
Chiều dày hoạt động bảo vệ Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo
Ngược lại với mọi đồn đại, hiểu lầm và cả lời toà án kết tội, ông Truyển cho biết sau thời gian trao đổi để tìm hiểu thì ông đã từ chối không hoạt động trong Hội Anh Em Dân chủ (điều này cũng được LS Nguyễn văn Đài xác nhận), dành hoàn toàn thời gian cho những hoạt động xã hội và tôn giáo của Hội Ái hữu cựu Tù nhân Lương tâm, Nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập, và trao đổi, hợp tác với các tổ chức tôn giáo bạn như Văn phòng Công lý và Hoà bình thuộc dòng Chúa Cứu thế Sài gòn.
Ông Truyển là người đầu tiên phối hợp bàn tròn đa tôn giáo của Việt Nam, được thành lập vào tháng 3/2016.
Là một tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, ông Truyển nổi tiếng thế giới là một nhà đấu tranh thúc đẩy quyền Tự do tín ngưỡng và tôn giáo, với những giải thưởng Hellman/Hammett 2011, Stefanus 2020, và được bảo trợ bởi nữ dân biểu Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức, những thượng nghị sĩ Mỹ Zoe Lofgren và Harley Rouda và bà Phó chủ tịch Ủy hội Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Anurima Bhargava.
Ngày 30/07/2020, 68 nghị sĩ thuộc 25 quốc gia đã ký thư chung gửi Thủ tướng Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho ông Truyển và nhấn mạnh là Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên khối ASEAN, cho nên cần “thể hiện sự lãnh đạo gương mẫu trong khu vực”.
Đến tháng 9 cùng năm, 40 tổ chức nhân quyền đã ký tên đòi tự do cho ông, và trong những năm qua tiến sĩ Heiner Bielefeldt, cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo cũng đã nhiều lần lên tiếng trong chiều hướng đó.
Chính quyền Việt Nam định hướng lại thái độ đối với vấn đề Tự do Tôn giáo?
Việc chính phủ Việt Nam chấp thuận trả tự do cho Nguyễn Bắc Truyển trong thời điểm mà Việt Nam đang tranh thủ tăng quan hệ và hợp tác với CHLB Đức, EU và Hoa Kỳ, có vẻ cho thấy một định hướng mới thái độ của họ đối với vấn đề tự do tôn giáo.
Bên cạnh đó, cuối tháng 7/2023 vừa qua Việt Nam và Vatican đã thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng Hội kiến Đức Giáo hoàng Francis.
Thành quả này cho phép đôi bên nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 50 năm gián đoạn (quan hệ bị cắt đứt năm 1975), và đã giúp Việt Nam đạt thêm uy tín đối với cộng đồng quốc tế vì các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế nhìn điều này như một bước tiến tích cực hơn để đến gần sự tôn trọng tự do tôn giáo.
Một việc khác đáng chú ý là trong tiệc chiêu đãi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 11/09/2023 nhân chuyến viếng thăm Việt Nam cấp nhà nước của ông, Chủ tịch nước Võ văn Thưởng đã trân trọng cảm ơn “các cơ quan, tổ chức và cá nhân của hai nước, qua nhiều thế hệ, đã không ngừng nỗ lực vun đắp, phát triển mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”, và đặc biệt nêu tên cựu Thượng nghị sỹ Patrick Leahy bên cạnh cố Thượng nghị sĩ John McCain và Đặc phái viên John Kerry.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy là thành viên phục vụ lâu nhất trong Quốc hội Hoa Kỳ (1975-2023), với những trọng điểm hoạt động là các quyền dân sự và nhân quyền, giáo dục, bảo vệ đất đai, hệ thống lương thực và tài nguyên thiên nhiên, kiến tạo hòa bình thế giới. Ông là người nhận được nhiều giải thưởng nhân đạo, điển hình là Giải thưởng của Quỹ Simons, Canada, cho Lãnh đạo toàn cầu xuất sắc trong việc phục vụ hòa bình và giải trừ quân bị.
Là người hâm mộ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người nổi tiếng trong việc xây dựng nhịp cầu tâm linh giữa Âu và Á, được giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris) năm 2015, một giải thưởng hàng năm của Thiên Chúa Giáo toàn cầu, Thượng nghị sỹ Leahy đã hướng dẫn một đoàn thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng dân chủ và cộng hoà, cùng Đại sứ Daniel Kitenbrink ra Huế tháng 4/2019 thăm thiền sư, khi ông vừa lấy quyết định trở về sống tại quê nhà. Cuộc thăm viếng này nhấn mạnh sự quan tâm và ủng hộ của Hoa Kỳ đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Con đường dài trước mặt
Trưa ngày 10/09/2023, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển đứng trầm ngâm trước bảng “Cửa sổ tưởng niệm” thuộc Đài tưởng niệm Bức tường Berlin, đường Bernauer, Berlin, nơi 140 bức ảnh chân dung của những người đã chết trong khi tìm cách vượt Bức Tường được treo, đánh dấu sự tàn ác vô nghĩa lý của một chế độ độc tài may thay đã tàn lụi trước sự tranh đấu dũng cảm và bất bạo động của người dân.
Trong vòng xoáy của địa chính trị, chính quyền Việt Nam đang cho thấy vài dấu hiệu rất khiêm tốn là có sự định hướng lại thái độ đối với vấn đề tự do tôn giáo. Dù sao đây là một động thái thích ứng thông minh vì một chính quyền nếu thực sự mạnh và có một hệ thống pháp lý công minh thì không phải lo sợ rằng những hoạt động tôn giáo lại gây “nguy hiểm cho quốc gia” mà ngược lại phải nên nắm lấy cơ hội chia sẻ trách nhiệm cho các nhóm tôn giáo, đạo, niềm tin để vực dậy cột sống của dân tộc: một nếp sống bình dị, một xã hội điều hoà bằng tình thương, thông cảm, không phải bằng những bắt bớ, đầy ải, những vụ án oan sai.
Thế giới ngày nay không còn sự phân chia rõ ràng thành bạn và thù theo thể chế.
Có nhiều quốc gia có những khác biệt đáng kể về chính trị vẫn đang tin tưởng có thể hưởng lợi từ đối thoại, trao đổi và hợp tác an ninh chung. Những ký kết quan hệ đối tác cho thấy tiềm năng của một hình thức ngoại giao mới nhằm duy trì hòa bình, trong đó sự trao đổi, hợp tác giữa các quốc gia, giao động và biến chuyển không ngừng.
Theo tôi, không những chính quyền Việt Nam mà cả những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bắt buộc phải có sự đổi mới về tầm nhìn và kế hoạch làm việc. Quan trọng là không đánh mất mục tiêu cao cả: tôn trọng và bảo vệ Con người dù họ theo tôn giáo nào.
Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Thục Quyên ở Munich, Đức.