- Tác giả,Katya Adler
- Vai trò,Biên tập viên châu Âu
- 8 giờ trước
Phòng tắm hơi cho tiền tuyến… Đây không phải là khẩu hiệu gây quỹ đầu tiên mà bạn nghĩ rằng sẽ được nghe liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Việc Kyiv yêu cầu các đồng minh cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16 là điều dễ hiểu. Nhưng phòng tắm hơi ư?
Đúng vậy, phòng tắm hơi là điều mà quân đội Ukraine đã yêu cầu, theo Ilmar Raag, một nhà làm phim và nhà hoạt động nhân đạo người Estonia, người thường xuyên đến Ukraine.
Ông Raag hiện đang xây dựng các phòng tắm hơi di động từ quỹ cộng đồng tài trợ, được thiết kế để phục vụ hàng trăm binh sĩ Ukraine. Chúng được trang bị đầy đủ vòi sen, máy giặt dành cho quân phục và được ngụy trang cẩn thận để giữ an toàn trước hỏa lực của Nga.
Nếu bạn muốn có một phòng tắm hơi theo yêu cầu cá nhân, bạn nên hỏi một người Estonia. Văn hóa tắm hơi là điều lớn lao ở quốc gia này. Và nó liên quan nhiều đến vấn đề vệ sinh, nâng cao nhuệ khí cũng như giúp cảm thấy ngon miệng trong những đêm đông lạnh giá.
Binh lính Estonia hiếm khi hành quân mà không có phòng tắm hơi di động – kể cả trong các nhiệm vụ gần đây ở sa mạc Afghanistan và Lebanon. Đó là một truyền thống quân sự bắt đầu từ gần 100 năm trước trong cuộc chiến của Estonia chống lại những người Bolshevik, khi cơ quan đường sắt quốc gia bố trí một đoàn tàu tắm hơi gần mặt trận để quân đội có thể tắm rửa và khử trùng sau nhiều tuần ở trong chiến hào.
Raag nói rằng ông đã nghe nói về những người lính Ukraine hành quân nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mà không giặt hay cởi ủng, điều này giải thích tại sao một chỉ huy trên tiền tuyến gần Bakhmut nói với tôi – trên ứng dụng Facetime – rằng phòng tắm hơi ở Estonia là thiên đường.
Nhiều người sống ở các nước EU và Nato, ngay cạnh nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang nỗ lực hết mình để giúp đỡ Ukraine.
Estonia và các nước láng giềng vùng Baltic, Latvia và Litva, đã bị Liên Xô chiếm đóng trong nhiều thập kỷ ngay sau Thế chiến II. Họ nói cảm nhận được nỗi đau của Ukraine khi bị Moscow xâm lược.
Những quốc gia này cũng đã đưa ra hoặc cam kết viện trợ ngắn hạn nhiều hơn so với quy mô nền kinh tế của họ so với bất kỳ nước nào khác, kể cả Mỹ và Anh – và chỉ có Na Uy vượt qua họ khi tính đến các cam kết dài hạn, theo số liệu mới nhất từ Viện Kiel của Đức, nơi đã theo dõi tất cả những khoản đóng góp được gửi đến Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Gediminas Ivanauskas, nhà vô địch quốc gia của Lithuania ở môn “drifting” (một môn thể thao đua xe liên quan đến việc làm thừa lái, khiến bánh sau trượt ở tốc độ cao nhất) đã lái xe thẳng tới Ukraine để giúp sơ tán dân thường ngay từ ngày đầu tiên Nga xâm lược.
Đôi mắt anh rưng rưng khi kể cho tôi nghe về những đau khổ ở đó.
Mong muốn được giúp đỡ, sự thất vọng của anh về tốc độ chậm chạp của các nỗ lực viện trợ quốc tế và chuyên môn của anh về mọi thứ liên quan đến xe ô tô, đã khiến anh gây quỹ từ cộng đồng cho hàng chục phương tiện mà anh bọc thép trong một gara nhỏ thuê ở vùng nông thôn Lithuania. Một số chiếc xe được anh dày công trang bị để hoạt động như xe cứu thương bốn bánh cho quân đội Ukraine.
Còn Mindaugas Lietuvninkas, một tay bắn tỉa tình nguyện thuộc Lữ đoàn Quốc tế Ukraine, có những động cơ khác để giúp đỡ.
Tự hào là một người Lithuania, anh tin rằng bằng cách chiến đấu ở Ukraine, anh đang bảo vệ đất nước của mình.
“Chúng ta phải ngăn chặn [Nga] ngay bây giờ. Ở Ukraine,” anh nói với tôi một cách kịch liệt khi chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi khác ở tiền tuyến. Lietuvninkas cho rằng vùng Baltic có thể là nơi tiếp theo nếu Vladimir Putin cuối cùng chiến thắng Kyiv.
Lithuania là một trong số các nước láng giềng của Nga trong liên minh quân sự Phương Tây, Nato. Tất cả thành viên đều đã lớn tiếng cảnh báo trong một thời gian dài về kế hoạch bành trướng của Điện Kremlin và ý định của Tổng thống Vladimir Putin nhằm làm suy yếu và gây bất ổn cho Phương Tây. Trong nhiều năm, các đồng minh coi họ là những kẻ ở ranh giới hoang tưởng. Chuyện này không còn nữa.
Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã mang lại cho Nato một mục đích mới: tăng cường sự hiện diện của các quốc gia đồng minh giáp Nga và các thành viên mới, hăng hái – ngay kế bên Putin.
Phần Lan có đường biên giới đất liền dài 1.300km với Nga. Nước này luôn từ chối gia nhập Nato vì sợ gây phản cảm với ‘con gấu lớn’ bên cạnh. Nhưng người Phần Lan đã hoàn toàn thay đổi quyết định khi chứng kiến quân Nga tiến vào một Ukraine có chủ quyền. Đó là một sự thay đổi chấn động đối với quốc gia đã cùng với cường quốc biển Baltic là Thụy Điển gia nhập liên minh ngay sau khi chiến tranh bắt đầu.
Đây là một pha phản lưới nhà nghiêm trọng của Moscow.
Số lượng người Phần Lan đăng ký học sử dụng vũ khí cũng tăng lên đáng kể. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam thanh niên và sau đó họ sẽ là quân nhân dự bị suốt đời. Mọi người nói với tôi rằng cái bóng lớn bao trùm Phần Lan bởi nước láng giềng Nga giờ đây càng trở nên đáng sợ hơn.
Chiến tranh đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp Phần Lan. Du lịch Nga từng mang lại 630 triệu USD mỗi năm ở đây cho đến khi chiến tranh bắt đầu. Nhưng giống như hầu hết các nước EU giáp Nga hoặc đồng minh lớn của nước này là Belarus, Phần Lan đã đình chỉ thị thực du lịch đối với công dân Nga.
Tại vùng Lapland phủ đầy tuyết, tôi gặp chủ khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Ville Aho trong căn nhà gỗ nhìn ra những ngọn núi của Nga của ông. Ông kể với tôi rằng về cá nhân, ông đã có tình bạn tuyệt vời với những du khách Nga trong nhiều năm – nhưng bây giờ ông không muốn họ quay lại. Ông cho biết mình mong muốn những người dân Nga, đặc biệt là những người sinh sống ở nước ngoài, sẽ lên tiếng phản đối chiến tranh mạnh mẽ hơn nữa.
Rất xúc động khi nói về về Ukraine, ông nhấn mạnh rằng không ai trong chúng ta có đủ khả năng để trở nên thảnh thơi hoặc thờ ơ khi cuộc chiến đẫm máu kéo dài.
“Tôi thậm chí không thể nghĩ đến kết cục nếu Nga thắng và Putin bành trướng quyền lực. Ai sẽ là [mục tiêu] tiếp theo? Phần Lan, Ba Lan, Estonia, Lithuania? Ông ta sẽ không tự nguyện dừng lại ở Ukraine. Nhưng tất thảy phải dừng lại ở Ukraine.”
Tổng thống Nga không chỉ ủng hộ chiến tranh thông thường. Các cuộc tấn công mạng hoặc các chiến dịch đưa thông tin sai lệch chống lại Phương Tây thường bị đổ lỗi do Moscow thực hiện. Nhưng việc tấn công bất kỳ quốc gia nào mà ông Aho đề cập ở trên về mặt quân sự sẽ là một canh bạc lớn đối với Vladimir Putin.
Tất cả các thành viên Nato khác, bao gồm cả các cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp, đều có thể hỗ trợ họ. Nhưng không có sự đảm bảo chắc chắn nào về điều này – cuối cùng, mỗi quốc gia sẽ quyết định cách họ phản ứng.
Và điều đó khiến các quốc gia giáp biên giới với Nga, giống như Latvia, có đông người dân tộc Nga cảm thấy lo lắng.
Thành phố thứ hai của Latvia, Daugavpils, nằm cách Belarus 25 km và cách nước Nga 120 km. Cứ 10 người sống ở đó thì có 8 người nói tiếng Nga, không phải tiếng Latvia. Hầu hết họ đều được học ở các trường nói tiếng Nga ở Latvia. Theo truyền thống, họ nhận tin tức từ các đài truyền hình, phát thanh hoặc các trang tin tức của Nga.
Tôi lập tức nhận thấy sự vắng bóng của cờ Ukraine trong thành phố. Ở những vùng còn lại của Layvia, bạn thường thấy những lá cờ Ukraine tung bay từ các tòa nhà trường học, tòa thị chính và mặt tiền cửa hang như một dấu hiệu của sự đoàn kết. Trong khi người Nga ở Latvia không hoàn toàn ủng hộ Putin, những người tôi gặp trên đường lại không muốn thảo luận về chiến tranh. Họ từ chối trả lời khi tôi hỏi liệu họ có coi Nga là kẻ xâm lược và Ukraine là nạn nhân hay không.
Latvia lo lắng rằng Vladimir Putin có thể cố gắng “giải cứu” những người dân tộc Nga ở đây, vì đây là một trong những cái cớ mà ông đưa ra để các nhóm vũ trang Nga chiếm giữ một phần khu vực Donbas của Ukraine, gần biên giới với Nga, vào năm 2014.
Trong nỗ lực ngăn chặn người dân tộc Nga khỏi những gì được coi là tuyên truyền của Nga, chính phủ Latvia hiện đã cấm các kênh truyền hình Nga. Nước này cũng đã chấm dứt chương trình học tiếng Nga. Các di tích còn sót lại từ thời Liên Xô đã bị phá bỏ.
Nhưng Latvia đang bước vào một ranh giới hết sức mong manh. Các chính sách mới nhằm mục đích hòa nhập tốt hơn với người dân tộc Nga, nhưng theo các nhà phê bình, chúng cũng là một nỗ lực buộc người dân phải chia sẻ quan điểm hướng về Phương Tây của chính phủ. Họ cảnh báo rằng điều này có nguy cơ khiến nhiều người dân tộc Nga xa lánh hoàn toàn – thậm chí đẩy họ vào vòng tay của Vladimir Putin.
Những sự phức tạp và nhạy cảm này có thể sẽ còn kéo dài ngay cả sau khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc.
Tôi đã đi hơn 2.400 km để gặp những người Sống bên cạnh Putin – tựa đề được đặt cho loạt phim tài liệu gồm hai phần mà tôi và nhóm của mình đã quay cho đài BBC.
Từ phía nam Ba Lan, cho đến mũi phía bắc của Na Uy, điều khiến tôi ấn tượng hơn hết là tác động của cuộc chiến ở Ukraine rộng rãi, sâu sắc và ảnh hưởng đến cá nhân như thế nào, ở xa chiến tuyến.
Và tương lai thì hoàn toàn bất định.
Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc cuộc xung đột này kết thúc như thế nào. Nhưng sau đó, chúng ta có thể hoặc nên có mối quan hệ như thế nào với Nga? Còn sự hợp tác và tin tưởng thì sao?
Đây không chỉ là những câu hỏi dành cho những quốc gia có chung đường biên giới và có lịch sử lâu đời với Nga mà tôi đến thăm. Đó là điều mà toàn bộ châu Âu và mọi đồng minh của Ukraine cần phải suy nghĩ. Một cách rất cẩn thận.