13 tháng 9 2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói các cuộc xâm lăng của Liên Xô ở Hungary và Tiệp Khắc thời Chiến tranh Lạnh ‘là sai trái’ nhưng nói chính Mỹ ngày nay không rút ra bài học của Liên Xô.
Ông cho rằng chính Phương Tây ngày nay, cụ thể là Mỹ đang “lặp lại các sai lầm của Liên Xô thời xưa”.
Trả lời người dẫn chương trình tại một diễn đàn ở Vladivostok hôm thứ Ba 12/09/2023, ông Putin nói việc nước này “có chính sách ngoại giao gây hại cho người dân nước khác” như Liên Xô đã làm năm 1956 với Hungary và Tiệp Khắc năm 1968 “là sai trái”.
Người dẫn chương trình Diễn đàn Kinh tế phương Đông (Eastern Economic Forum) đã hỏi tổng thống Nga ông nghĩ sao khi có những người cho rằng Liên Xô từng “hành xử như một nước thực dân khi đem xe tăng vào Prague năm 1968 và Budapest năm 1956”.
Ông Putin nói: “Chúng ta đã thừa nhận từ lâu nay là phần đó trong chính sách của Liên Xô là sai lầm và chỉ dẫn tới căng thẳng gia tăng trong quan hệ quốc tế. Không ai, không nước nào được làm gì trong chính sách đối ngoại mà đem lại sự đối chọi với quyền lợi của người dân nước khác.”
Tuy nhiên, phần kết luận của ông Putin từ bài học lịch sử châu Âu lại khác với sách báo Nga.
Ông coi các nước Phương Tây, nhất là Mỹ, đã không rút ra bài học lịch sử từ những sai lầm của Liên Xô cũ.
“Họ ép các đồng minh, hay những nước tạm gọi là đối tác. Họ không hề có bạn bè, chỉ có quyền lợi. Đó là sự tiếp nối của công thức do người Anh nghĩ ra.”
Nhưng tại Nga tháng 8 vừa qua, sách giáo khoa của nhà nước có vẻ đã chọn cách mô tả sự kiện 1956 ở Hungary khác với ông Putin.
Bộ sách do một cố vấn của ông Putin là Vladimir Medinsky viết trong phần về Hungary đã nói cuộc nổi dậy của người dân nước này năm 1956 là “hoạt động rối loạn của bọn phát-xít”.
Sách giáo khoa Nga cũng coi việc quân đội Liên Xô phải rút khỏi Hungary và các nước Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh “là một sai lầm”.
Các sự kiện Liên Xô đàn áp “nhân dân và đồng chí” nước bạn
Sau 1945, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng nhiều nước Trung và Đông Âu khỏi chế độ phát-xít và các chính phủ thân hữu của Hitler như ở Hungary, Romania và cả Áo, vốn bị sáp nhập vào Đế chế Đức năm 1938.
Kremlin thời Stalin đồng ý về hình thức là sẽ để các quốc gia đó bầu cử tự do để chọn ra chính phủ của mình.
Trên thực tế, các chính quyền “nhân dân” do Liên Xô dựng lên đã đàn áp nội bộ thẳng tay và dần loại hết các đối thủ chính trị thuộc phe dân chủ ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary.
https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-66788732/p04d7mb4/viChụp lại video,
Hungary: Cuộc khởi nghĩa bất thành
Các lãnh tụ từ hải ngoại về tham gia liên minh cầm quyền đều dần bị bắt, xử tù, trục xuất hoặc bị giết để phe cộng sản độc quyền lãnh đạo.
Ở Hungary, dù phe không cộng sản thắng cử năm 1945, lực lượng cộng sản của Matyas Rakosi đã cùng cơ quan an ninh AVH bắt bớ đối thủ chính trị và đến năm 1948 thì nắm trọn quyền.
Tháng 6/1956, trong làn sóng giải chủ nghĩa Stalin (chết năm 1953) người dân Hungary bắt đầu phản đối chính quyền Rakosi vốn áp dụng đường lối nội trị hà khắc và Nga hóa cưỡng bức với văn hóa Hungary.
Kremlin nhượng bộ, thay Rakosi bằng Erno Gero nhưng không làm phong trào giảm xuống.
Liên Xô đồng ý cho Hungary lập chính phủ cải cách với Imre Nagy làm tân lãnh đạo nhưng phải đối mặt với các yêu sách từ chính ông Nagy như tự do hóa truyền thông và quyền rút khỏi khối Hiệp ước Warsaw.
Nikita Khruschev, lãnh tụ Đảng CS Liên Xô đã ra lệnh đàn áp ở Budapest, và cuộc xâm lăng cùng các đợt thanh trừng sau đó làm chết hàng chục nghìn người.
Imre Nagy bị quân Liên Xô bắt, tra tấn và bắn chết. Xác ông bị vùi xuống một hố rác trong sân nhà tù.
Ở sự kiện nhỏ hơn, tháng 6/1956, quân đội Ba Lan XHCN theo lệnh Liên Xô đã đàn áp thẳng tay cuộc biểu tình của người dân Poznan, bắn chết 60 người, làm bị thương 200.
Tháng 8/1968, Liên Xô đưa quân đội các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw bất ngờ xâm lăng Tiệp Khắc để ngăn cản thay đổi do chính ban lãnh đạo đảng XHCN Tiệp Khắc của Alexander Dubcek nêu ra.
Phong trào cải tổ, nhằm “xây dựng chủ nghĩa xã hội có bộ mặt người” còn được gọi là ‘Mùa Xuân Praha’.
Khi nghe tin quân Liên Xô và đồng minh đánh vào biên giới, Chủ tịch CHXHCN Liên bang Tiệp Khắc Ludvik Svoboda ra lệnh cho toàn quân không chống cự để tránh thương vong.
Nhưng Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã ra một thông cáo trên đài lên án cuộc xâm lăng của Liên Xô và đồng minh, gọi đó là hành động “trái hoàn toàn với nguyên tắc quan hệ giữa các nước XHCN, và xâm phạm những yếu tố cơ bản nhất của quan hệ quốc tế”.
Dù Aleksander Dubcek bị bắt, đưa về Moscow, đảng Cộng sản Tiệp Khắc vẫn nắm quyền.
Đảng này kêu gọi mọi công dân “giữ bình tĩnh, không kháng cự quân đội nước ngoài, vì việc bảo vệ biên giới lãnh thổ đã không còn khả thi”.
Trong khi đó, đài báo của Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức nói họ vào “trợ giúp ban lãnh đạo Đảng Cộng sản anh em Tiệp Khắc chống lại các phần tử phản động”.
Báo Liên Xô có đăng một “giấy mời” không có chữ ký nói là của lãnh đạo Tiệp Khắc đề nghị Moscow vào cứu giúp.
Trái với chuyện bịa của Liên Xô, ngày 22/08, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc họp Đại hội 14, phiên bất thườn ở một nhà máy, ra nghị quyết nói rõ:
“Cộng hòa XHCN Liên bang Tiệp Khắc sẽ không chấp nhận bất cứ một chính quyền, một bộ máy hành chính chiếm đóng nào của quân đội nước ngoài.”
Dù quân đội Tiệp Khắc không kháng cự, người dân vẫn có các hành động phản kháng nhỏ như chặn xe tăng, xe quân sự và chừng 135 người Czech và Slovak bị quân Liên Xô giết chết. Cuộc đàn áp sau đó làm hàng vạn người bỏ nước ra đi.
Cuộc xâm lăng đã gây chia rẽ mạnh trong khối Hiệp ước Warsaw, đưa tới chỗ Romania công khai lên án khối này và hành động của Kremlin.
Tại Đông Âu có câu nói về khối Hiệp ước Warsaw mà sau này CHXHCN VN tham gia, rằng đây là “liên minh quân sự rất thành công trong các cuộc tấn công những nước thành viên”.
Nhiều người Đông Âu cũng cho rằng Liên Xô, sau các hành động xâm lăng nói trên, hóa ra không phải là “tổ quốc XHCN” hóa ra chỉ là một hiện thân khác của chủ nghĩa Đế quốc Đại Nga.
Tuy thế, cách nhìn của không ít người Nga sau 1991 về thành tích của khối Hiệp ước Warsaw lại khác cái nhìn của người dân Đông Âu.
Giống như tuyên bố của Nga hiện nay về Ukraine, Kremlin thời Liên Xô cũng luôn đổ cho âm mưu nào đó của Phương Tây để lôi kéo các quốc gia nhỏ hơn Nga ở Đông Âu và vùng Baltic về theo mình và chống lại Nga. Theo cách nhìn này, người Nga có quyền thiêng liêng là “quốc gia đàn anh” vào “giải phóng” những nước nhỏ hơn khỏi thảm họa lạc đường.