Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là ‘thắng lợi kép’ cho Đảng Cộng sản VN

POTUS Joe Biden/X
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn Việt Nam trên mạng xã hội X, vì đã đón tiếp ông “một cách nồng ấm”

13 tháng 9 2023

Chuyên gia nhận định, thông qua việc nâng cấp quan hệ, Mỹ đã giúp nâng cao vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế và khẳng định quyền lực mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chiều ngày 10/09 đánh dấu cột mốc lịch sử giữa hai nước cựu thù, khi song phương nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.

Một sự khác biệt to lớn có thể dễ dàng nhận thấy hồi năm 2013, hai nước Việt-Mỹ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện qua hai lãnh đạo là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama, thì 10 năm sau, người sóng vai cùng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden để tuyên bố bước tiến này lại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước chuyến công du của ông Biden, Việt Nam và Mỹ cũng đã có những tiếp xúc và phát đi những tín hiệu được xem là dọn đường cho việc nâng cấp quan hệ. Trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đã trở thành nhân vật đóng vai trò trọng tâm.

Ngày 28/8, Nhà Trắng chính thức thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ tới thăm Việt Nam ngày 10/9 thì tên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhắc đích danh, còn “các quan chức cấp cao khác” thì được nêu chung chung.

Khi chiếc Không Lực Một vừa đáp xuống sân bay Nội Bài vào chiều 10/9 thì ông Biden đã đến gặp ông Trọng đầu tiên, cùng nhau tuyên bố nâng cấp quan hệ. Ngày hôm sau, người đứng đầu Nhà Trắng mới lần lượt hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trước đó vào tháng 3, ông Biden cũng điện đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản, thay vì nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đây là một động thái được cho là hiếm thấy khi đó.

Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies thì nhận định với BBC ngày 11/9 rằng, Việt Nam để Tổng Bí thư ĐCSVN, chứ không phải Chủ tịch nước, mời Tổng thống Biden thăm cấp nhà nước là “phép thử” đối với Mỹ.

Getty
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden hôm 10/9

Vị Tổng Bí thư đầy ‘quyền lực’

Tiến sĩ Trần Thị Bích (Bích Trần) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 11/9 rằng việc Tổng Bí thư Trọng là người cùng với Tổng thống Biden tuyên bố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chứ không phải Chủ tịch Thưởng (so với năm 2013) nói lên hai điều.

“Thứ nhất là quyền lực của ông Trọng quá mạnh. Thứ hai, việc Mỹ đồng ý với sự sắp đặt này là một thắng lợi kép cho Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Bà Bích Trần phân tích thêm, thắng lợi thứ nhất là Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản, góp phần nâng cao vị thế của Đảng trên trường quốc tế. Thắng lợi thứ hai là việc này củng cố củng cố tính chính danh của Đảng ở trong nước.

Ngày 10/09, Tổng thống Biden đăng ảnh ông và ông Trọng trên mạng xã hội X kèm chú thích:

“Thật tuyệt vời khi được trò chuyện với ngài tổng bí thư.”

Còn đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhắc đến mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, và lớn hơn là quan hệ hai nước cũng như “sự trân trọng mà chúng tôi [Mỹ] muốn thể hiện với ngài tổng bí thư”.

Như vậy, Hoa Kỳ xem người đứng đầu ĐCSVN là nhân vật quan trọng và có quyền lực lớn nhất trong việc định đoạt các chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Getty
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp tại Trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023

Theo Giáo sư Alexander Vuving Hà Nội muốn truyền đi hai thông điệp lớn khi để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Joe Biden:

“Thứ nhất, Tổng thống Mỹ là khách mời của nhà lãnh đạo đứng đầu thực sự. Thứ hai, khi người đứng đầu Nhà Trắng nhận lời mời này, đồng nghĩa Mỹ thừa nhận “vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản” ở Việt Nam, như được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Giáo sư Vuving nói thêm, đây cũng “phép thử” của Hà Nội dành cho Washington, xem Mỹ có thực sự tôn trọng thể chế chính trị, chủ quyền và độc lập của Việt Nam, điều được Việt Nam nhấn mạnh là nguyên tắc trung tâm của quan hệ song phương.

Giáo sư Hứa Lợi Bình (Xu Liping), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa nên đang phải đối mặt áp lực về mặt tư tưởng cùng những mối đe dọa lâu dài về ‘cách mạng màu’ từ Mỹ, kể từ cuối Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, mối lo ngại này vốn đã được Mỹ làm rõ qua những tuyên bố công khai và thẳng thắn. Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện hôm 10/9, hai nhà lãnh đạo lần nữa nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam – Mỹ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Tổng thống
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Obama tiếp đón ông Trọng được ở phòng Bầu Dục – nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia cho thấy Mỹ đã điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân

Năm 2015, Mỹ cũng sẵn sàng điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân để đón tiếp ông Trọng tại phòng Bầu Dục – nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia – thể hiện thành ý của Mỹ đối với Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc nhận định với BBC ngày 12/9 rằng, trong hệ thống Việt Nam, Tổng bí thư là “người đứng đầu đồng cấp”, nắm quyền lực cao hơn ba chức vụ còn lại trong tứ trụ.

Tổng Bí thư Trọng đóng vai trò là người đối thoại với Tổng thống Biden là thông điệp gửi tới công chúng trong nước và cả ở Trung Quốc.

“Tất cả các thành viên của ĐCSVN, quân đội và các thành viên của các tổ chức quần chúng đều được thông báo rằng họ phải ủng hộ mối quan hệ mới này. Trung Quốc, nước thường nhấn mạnh những điểm đồng nhất của các quốc gia xã hội chủ nghĩa, cần biết rằng Việt Nam, một quốc gia xã hội chủ nghĩa, đang thực thi quyền độc lập của mình để làm những gì tốt nhất cho đất nước. Cánh cửa hợp tác với Trung Quốc vẫn tiếp tục rộng mở.”

Trung Quốc là ‘tác giả sau cùng’

Cho tới nay, chính phủ Việt Nam ký kết quan hệ đối tác ở mức độ cao nhất này với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Trang Financial Times ở Anh dẫn lời ông Jon Finer, phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói trước đó rằng “đây là bước đi có sức mạnh hơn văn bản”.

Trong khi đó, hôm 10/9, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời chuyên gia, nhận định rằng chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Joe Biden chỉ mang tính biểu tượng, với kết quả hạn chế. Đồng thời, việc nâng quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất sẽ “không thay thế được quan hệ giữa hai Đảng cộng sản Hà Nội và Bắc Kinh”.

Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam đã đưa Mỹ Hoa Kỳ lên vị trí hàng đầu, ngang hàng với Trung Quốc và Nga.

Theo Giáo sư Vuving, vị thế “cân bằng” này của Việt Nam giữa các cường quốc là điều chưa từng có trong lịch sử. Một quy tắc bất thành văn đối với cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ đối ngoại của Việt Nam là nó được dành cho những quốc gia không gây ra mối đe dọa nào đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Như vậy, theo Giáo sư Vuving, bằng việc đặt Hoa Kỳ ở mức hàng đầu này, Hà Nội không còn coi Washington là mối đe dọa đối với chế độ.

Getty
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chào mừng bằng tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước trưa ngày 11/9

Năm 2022, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhắc đến Việt Nam là “đối tác hàng đầu khu vực”, ngang hàng với Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan và các quốc gia chủ chốt khác.

Khi Hoa Kỳ coi Việt Nam là một “quốc gia dao động” ở châu Á, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam sẽ tạo ra sự cân bằng quyền lực suôn sẻ (hoặc ít bất lợi hơn) cho Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Vuving, Trung Quốc mới thực sự là “tác giả sau cùng” của thành tích này. Một mặt, do sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và sự hiện diện quân sự của nước này ở Campuchia đã đẩy Việt Nam xích gần Hoa Kỳ hơn.

Mặt khác, sự đua tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Washington phải tăng cường quan hệ với các quốc gia, nhằm kiềm toả sự thống trị của Trung Quốc và “friendshore” chuỗi cung ứng của mình, tức xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc.

Những chiến lược này, theo ông Vuving, hội tụ thành cơ hội lớn để Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế khu vực, trung tâm bán dẫn mới và mắt xích sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.

Getty
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và cùng dự Hội nghị Cấp cao Việt Nam – Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo sáng 11/9

Vì vậy, mối quan hệ hợp tác được nâng cao với Mỹ sẽ mang lại cho Việt Nam không chỉ một đối trọng tốt hơn trước sức mạnh của Trung Quốc, mà còn mang lại những lợi ích to lớn từ việc Mỹ chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, GS Vuving kết luận.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ đã mở rộng phạm vi hợp tác song phương lên 10 lĩnh vực, bổ sung phần quan trọng về phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng “tăng trưởng kinh tế toàn diện dựa trên đổi mới” là “nền tảng và nguồn động lực cốt lõi trong mối quan hệ song phương”. Họ cũng nhất trí rằng hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới kỹ thuật số là một “bước đột phá mới” – được coi là mức hợp tác sâu sắc hơn, từ quan hệ đối tác toàn diện trước đó.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt không phải là một sự “bắt tay” để chống Trung Quốc vì tuyên bố chung nói mục đích của việc nâng cấp là “vì hoà bình”.

Một lĩnh vực mới đáng chú ý, theo ông Thayer, là việc tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, phù hợp điều kiện mỗi bên, thông qua các cơ chế hợp tác được hai bên thống nhất.

Nhìn lại hai năm qua, chính quyền Biden đã cật lực thuyết phục Hà Nội nâng cấp quan hệ. Ông Biden đã cử nhưng nhân vật quan trọng trong nội các của mình như phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và những quan chức khác đến để lấy lòng Việt Nam. Tàu sân bay Mỹ cũng ghé cảng Việt Nam.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt, theo nhận xét của GS Vuving, là “một kiệt tác của nghệ thuật quyền lực mềm”. Hai “món quà lớn” đã dọn đường cho chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Biden.

Getty25/8/2021
Chụp lại hình ảnh,Phó Tổng thống Harris đã công bố việc Mỹ tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer ngừa Covid-19 tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 25/8/2021

Đầu tiên là lô vaccine Covid mà Mỹ viện trợ cho Việt Nam, vượt xa con số của Trung Quốc, và nó “vô điều kiện” chứ không giống như Trung Quốc. Thứ hai là đề nghị của Hoa Kỳ chuyển hướng chuỗi cung ứng công nghệ cao, bao gồm chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cho Việt Nam.

Tuy mang đến những địa hạt mới mẻ và đột phá trong quan hệ song phương, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, theo GS Vuving, không phản ánh bất kỳ thay đổi căn cơ nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Đây có thể là sự tiếp nối của hai chính sách mà Việt Nam áp dụng sau cuộc khủng hoảng giàn khoan HYSY-981 với Trung Quốc năm 2014. Thứ nhất, Việt Nam sẽ xích lại gần, nhưng không quá ngả về phía Mỹ, nhằm chống lại sức ảnh hưởng từ sự bành trướng của Trung Quốc.

“Thứ hai là Việt Nam sẽ tham gia vào mạng lưới kinh tế được Mỹ bảo trợ và giảm bớt tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế nước nhà trước Trung Quốc. Kể từ đó, Việt Nam đã tham gia TPP và IPEF nhưng chỉ nói suông về Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường và Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu của Trung Quốc,” Giáo sư Alexander Vuving đúc kết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment