Tại thượng đỉnh G20 tại New Delhi trong hai ngày, 09 và 10/09/2023, phương Tây và nhiều nền kinh tế Nam Bán Cầu đã thông qua dự án Hành lang Kinh tế (IMEC/India-Middle East-Europe Economic Corridor), nối liền Ấn Độ với châu Âu qua ngả Trung Đông.
Đăng ngày: 14/09/2023
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có xu hướng ‘‘phi toàn cầu hóa’’, như cảnh báo mới đây của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) (ngày 12/09), với thế đối đầu gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc, việc ra mắt sáng kiến Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu, mở ra một viễn cảnh hợp tác lớn ở quy mô khu vực và thậm chí toàn cầu, là điều đáng chú ý. Theo nhiều nhà quan sát, đây có thể coi là một chiến thắng về ngoại giao của phương Tây và các đối tác “Nam Bán Cầu” trước Trung Quốc, tại thượng đỉnh G20. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
1/ Dự án ‘‘Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu’’ cụ thể có những nét chính nào đáng chú ý?
Thứ Bảy, 09/09/2023, ngày đầu tiên của thượng đỉnh G20, một thỏa thuận về nguyên tắc đối với Dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC/India-Middle East-Europe Economic Corridor) được ký kết giữa Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pháp, Đức và Ý. Theo hãng tin Đức Deutsche Welle, dự án đầy tham vọng này trước hết bao gồm các tuyến đường sắt và vận tải biển xuyên quốc gia trải dài khắp hai châu lục, do Hoa Kỳ thúc đẩy, với kỳ vọng ‘‘sẽ tiếp thêm năng lượng cho sự phát triển kinh tế thông qua việc cải thiện khả năng kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh và châu Âu. Dự án này sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt – hành lang phía đông nối Ấn Độ với vùng Vịnh và hành lang phía bắc nối vùng Vịnh với châu Âu’’. Các tuyến đường này có thể cho phép giao thông từ Ấn Độ sang châu Âu ‘‘nhanh hơn 40%’’, theo một số thẩm định.
Trên thực tế, Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu không chỉ là một dự án về giao thông mà còn là một đại dự án cơ sở hạ tầng .Ngoài các cảng mới, tuyến đường sắt mới, IMEC cũng phát triển các tuyến đường dây điện cao thế, đường ống dẫn hydrogen, cáp quang. Đại dự án này, nếu hoàn thành, có thể đóng vai trò làm lá chắn ngăn chặn sự bành trướng của dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (cũng thường được gọi là ‘‘Con đường Tơ lụa mới’’), một dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khởi sự từ mươi năm nay, đang làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng rộng khắp của Bắc Kinh trên ít nhất ba lục địa, đi kèm với các nguy cơ ‘‘bẫy nợ’’, không minh bạch, và chính quyền nhiều nước tham gia bị Trung Quốc thao túng. Khối G7 – gồm 7 quốc gia giàu nhất thế giới – vào tháng 5/2023 ở Nhật Bản đã cam kết huy động chung 600 tỷ đô la vào năm 2027 để chống lại BRI (tức bằng hơn phân nửa tổng đầu tư gần 1.000 tỷ đô la của Trung Quốc).
Ấn Độ và Ả Rập Xê Út nằm ở trung tâm của đại dự án này. Bộ trưởng Đầu Tư Ả Rập Xê Út, Khalid bin Abdulaziz Al-Falih, có mặt tại New Delhi, nhận định : “mọi người thường nói đến Con đường Tơ lụa (của Trung Quốc), nhưng Con đường Gia vị của Ấn Độ đi qua bán đảo Ả Rập sẽ có ý nghĩa và phù hợp hơn, vì liên quan đến năng lượng mới, dữ liệu, tính kết nối, nguồn nhân lực, các tuyến hàng không và đây còn là sự liên kết giữa các quốc gia có cùng quan điểm và tầm nhìn’’. Hãng tin Đức DW dẫn lời nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa, một người nắm vững hồ sơ này, cho biết : ‘‘Hơn 70% cơ sở hạ tầng cho dự án đã sẵn sàng’’, và dự án cũng ‘‘sẽ trở thành nhân tố làm thay đổi cuộc chơi địa-chính trị và sẽ mang lại lợi ích cho các nước Đông Nam Á, một khi các đoạn phía đông và phía tây của Hành lang IMEC được hình thành.”
2/ Vì sao coi đây là một thắng lợi ngoại giao trước Trung Quốc, của phương Tây và các đối tác ‘‘Nam Bán Cầu’’ của phương Tây?
Trước thềm thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, trong giới quan sát có nhiều cảnh báo về nguy cơ hội nghị thất bại, không ra được một tuyên bố chung. Viễn cảnh thất bại của G20 dưới sự chủ tọa của Ấn Độ được coi là điều khá dễ hiểu trong bối cảnh thế đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc gia tăng, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraina. Khoảng cách giữa phương Tây và nhiều quốc gia Nam Bán Cầu có nguy cơ sâu rộng hơn, theo nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế, trong lúc nhóm G20 trên thực tế được coi là khuôn khổ đối thoại gần như là duy nhất giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Thượng đỉnh G20 nếu thất bại sẽ cho thấy một thế giới chia rẽ, phương Tây mất khả năng quy tụ, thúc đẩy hợp tác.
Tuy nhiên, kịch bản thất bại tại thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ rút cuộc đã không xảy ra. Thượng đỉnh đã ra được một tuyên bố chung mang tính thỏa hiệp, tránh trực tiếp đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraina. Liên Hiệp Châu Phi được chính thức kết nạp vào G20, với sự thúc đẩy của Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Âu. Nhân dịp thượng đỉnh, nhiều sáng kiến hợp tác giữa phương Tây với các nước Nam Bán Cầu đã được thông qua về nguyên tắc, như Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu, do Ấn Độ chủ trì cùng với Achentina, Bangladesh, Brazil, Ý, đảo quốc Maurice, Singapore và Hoa Kỳ, hay hợp tác về ngân hàng giữa nhóm IBSA – bao gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi (ba quốc gia của nhóm BRICS) – phối hợp với Hoa Kỳ về cải cách các ngân hàng phát triển đa phương. Theo nhiều nhà quan sát, như chuyên gia Ian Hall (đại học Griffith University), dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC) được coi là ‘‘thỏa thuận đáng chú ý nhất’’. Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu, cũng như cả hai dự án về nhiên liệu và ngân hàng nói trên, đều không có sự tham gia của Trung Quốc (Bài “Ấn Độ đẩy Trung Quốc ra rìa G20 ‘‘(India pushes China to the margins of the G20), Lowy Institute, ngày 11/09/2023).
Dự án hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu IMEC được nhiệt liệt chào đón đặc biệt tại các quốc gia Trung Đông, như Israel, Ả Rập Xê Út. Theo ông Jonathan Panikoff, chuyên gia chương trình Đông Á của trung tâm tư vấn Atlantic Council, trụ sở tại Washington, ‘‘kế hoạch này không chỉ mang lại chiến thắng cho các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cho Trung Đông và cho Ấn Độ, mà còn là nỗ lực cụ thể nhất cho đến nay của phương Tây nhằm đối trọng lại với các khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc ở vùng Vịnh’’.
Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Ian Hall, việc dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC), đối trọng với của dự án Con đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc tại khu vực, cùng một số dự án khác, được hưởng ứng tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi, cho thấy chiến lược của Ấn Độ ‘‘hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại G20 đang thu được kết quả’’. Theo một số nhà quan sát, việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ‘‘là một sự thừa nhận ngầm rằng diễn đàn này không còn phục vụ lợi ích của Trung Quốc’’. Trước đó, Ấn Độ với tư cách chủ tịch luân phiên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi tháng 7/2023, đã ngăn chặn một đồng thuận về dự án Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Trên hết, theo nhiều chuyên gia, việc Dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu được thông qua về nguyên tắc đặc biệt cho thấy Hoa Kỳ đang trở lại vùng Ấn Độ Dương và Trung Đông. Đây trước hết là một tín hiệu của Mỹ gửi đến Trung Quốc, tiếp theo sau thắng lợi ngoại giao ngoạn mục của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Trong bối cảnh phương Tây bị cuốn vào các nỗ lực hỗ trợ Ukraina chống xâm lược Nga, tại Bắc Kinh, hai cựu thù vùng Trung Đông, Iran và Ả Rập Xê Út tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Bước đột phá được coi là bàn thắng lịch sử của Bắc Kinh tại một khu vực vốn được coi là thuộc vùng ảnh hưởng của Mỹ.
Chuyên gia Jonathan Panikoff (Atlantic Council) thậm chí còn cho rằng dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu ‘‘cho phép khép lại một cách không chính thức một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê Út kể từ ngày 11/09/2001 (vụ khủng bố tòa Tháp đôi New York)’’ (atlanticcouncil.org, 10/09/2023). Việc công bố dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu tại thượng đỉnh G20 cho phép mở ra viễn cảnh hợp tác sâu rộng giữa phương Tây và nhiều quốc gia chủ chốt Nam Bán Cầu tại một trong các khu vực được coi là bất ổn nhất hành tinh.
3/ Để trở thành hiện thực, Dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu phải vượt qua những trở ngại nào ?
Israel không phải là bên trực tiếp ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đối với dự án IMEC. Tuy nhiên, chính quyền và giới quan sát Israel đặc biệt quan tâm đến đại dự án này, mà thủ tướng Israel đánh giá là ‘‘cơ hội lớn nhất trong lịch sử hợp tác quốc tế với Israel’’. Bài ‘‘Đâu là những ý nghĩa của hành lang thương mại Ấn Độ – Ả Rập Xê Út – châu Âu với Israel (Quels sont les enjeux du couloir commercial Inde-Arabie saoudite-UE pour Israël ?) trên ‘‘Times of Israel’’, ghi nhận trở ngại nổi bật của đại dự án về giao thông, với việc một số đoạn đường phải ”xuyên qua đủ loại trở ngại khó vượt qua”. Đơn cử như 300 km đường sắt giữa Ả Rập Xê Út và Jordani. Nhìn chung, các hệ thống các tuyến đường sắt mà các quốc gia vùng Vịnh đang cố gắng xây dựng từ nhiều năm nay vẫn chưa thành công.
Dù sao quan hệ thù địch căn bản lâu đời có thể gây trở ngại cho dự án, giữa Israel và Ả Rập Xê Út, đang dần dần tìm ra lối thoát. Theo nhà địa chính trị học Pháp Renaud Girard, ‘‘ngày 10/9/2023 (tức một ngày sau thỏa thuận tại thượng đỉnh G20 về IMEC), lần đầu tiên trong lịch sử, một phái đoàn Israel đã chính thức đặt chân lên đất Ả Rập Xê Út, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO, tại Riyad. Vào đầu mùa hè này, chính phủ Ả Rập Xê Út đã xóa những nội dung đề cập đến “kẻ thù theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” khỏi sách giáo khoa ở trường. Sau Ai Cập, Jordani, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain, Maroc và Sudan, Ả Rập Xê Út chắc chắn sẽ sớm trở thành quốc gia Ả Rập thứ bảy mở đại sứ quán tại Israel’’ (Le Figaro).
Chuyên gia Efraïm Inbar, chủ tịch Viện Jerusalem về Chiến lược và An ninh, nhấn mạnh nhiều hơn đến trở ngại mà ông cho là lớn nhất: ‘‘hệ thống quan liêu tại Ấn Độ’’. Hồi tháng 5/2023, Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã ra một báo cáo cho biết ‘‘tính quan liêu ngày càng gia tăng trong việc ra quyết định’’ của Ấn Độ có khả năng làm giảm sức hấp dẫn của nước này đối với các nhà đầu tư. Còn nhà nghiên cứu Yoel Guzansky, Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, tỏ ra hoài nghi nhiều hơn về các đóng góp tài chính nói chung cho các cơ sở hạ tầng khổng lồ này, ‘‘tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian trước khi chúng ta thấy bất cứ điều gì trở thành hiện thực”.