Trang nhất ba tờ báo lớn của Paris ngày 15/09/2023 tập trung vào những vấn đề thiết thực với đời sống hàng ngày của dân Pháp.
Đăng ngày: 15/09/2023
«Mùa tựu trường ảm đạm vì lạm phát», tít lớn trên báo Le Figaro. Báo cáo mới về tình trạng các dịch vụ công, đặc biệt là trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục tại Pháp được công bố, tờ Le Monde nhìn nhận chính phủ có đầu tư thêm nhưng «Nhu cầu lớn hơn nhiều so với những phương tiện đang có». Libération dành hồ sơ chính tổng kết chính sách «bình đẳng nam – nữ» từ khi tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền năm 2017 : một sự «chắp vá để che mắt thiên hạ».
Trong trang quốc tế, cây bút Alain Frachon trên Le Monde nêu lên những mâu thuẫn trong kinh tế giữa «tư tưởng Tập Cận Bình với thực tế».
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 1978, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1 % so với của Hoa Kỳ. Hiện tại tỷ lệ đó là từ 75 đến 80 %. Nhưng sau ba năm đại dịch Covid, các đầu máy tăng trưởng tại Hoa Lục đang bị hỏng, từ xuất khẩu đến tiêu thụ nội địa hay đầu tư, công nghiệp …
Khác với 15 năm trước đây, hồi 2008 – khi khủng hoảng tài chính dấy lên từ Wall Street, các gói kích cầu của Trung Quốc đã tránh cho thế giới một tai họa. Lần này, Bắc Kinh thông báo một vài biện pháp lẻ tẻ khuyến khích tiêu thụ và đầu tư nhưng chẳng vì thế mà tình hình ở Trung Quốc «sáng sủa hơn», bởi công luận hoài nghi về đà bật dậy của đất nước trong tay Tập Cận Bình.
Từ khi «mở cửa» ra thế giới đến nay, kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thử thách nhưng lần này ông Tập chủ trương tất cả phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng. Ông sẵn sàng «kềm tỏa lĩnh vực kinh tế tư nhân để thiên về khu vực Nhà nước» cho dù các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động «kém hiệu quả». Hơn nữa, chỉ cần nhìn vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty cũng đủ để giới đầu tư nước ngoài hoang mang.
Tạp chí Anh, The Economist từng ghi nhận lãnh đạo Bắc Kinh xem «an ninh toàn diện» của đất nước mới là tham vọng hàng đầu. Có nghĩa là «tăng trưởng trong ngắn hạn không phải là ưu tiên của đảng Cộng Sản Trung Quốc». Ông Tập Cận Bình «chuẩn bị cho Trung Quốc để đối phó với một cuộc xung đột dài hơi về kinh tế và có thể cả về mặt quân sự với Mỹ ». Nói một cách đơn giản,Trung Quốc đang có một tầm nhìn «xa», muốn đầu tư vào những công nghệ trong tương lai để tự chủ về phương diện này.
Nhìn từ Bắc Kinh, đương nhiên mục tiêu «an ninh toàn diện đó» chỉ có thể đạt được nếu như tất cả mọi việc –cả về đối ngoại lẫn đối nội, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo cây bút bình luận của báo Le Monde, mâu thuẫn ở đây là Tập Cận Bình lại không trông cậy vào lĩnh vực tư nhân để đưa đất nước trở thành một nền kinh tế với những công nghệ tiên tiến nhất. Không có các doanh nghiệp tư nhân «năng động» và «vững chắc», tham vọng thống lĩnh thế giới nhờ công nghệ mới của ông Tập «chỉ là một giấc mơ».
«May mà Lehman Brothers phá sản»
15/09/2008-15/09/2023 : đúng 15 năm trước, ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, kéo theo một cuộc «khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất » từ cuộc đại suy thoái 1929. Nhân dịp này Les Echos chạy hàng tựa khiêu khích : «May mà Lehman Brothers phá sản». Tạo sao lại là « may» ? Nhật báo kinh tế Pháp đưa ra ba yếu tố để trả lời câu hỏi này.
Thứ nhất, chính nhờ «tấm gương» của Lehman Brothers mà các ngân hàng đã «cẩn trọng sắm áo phao an toàn», không cấp tín dụng «bừa bãi và đề phòng sẵn một khối tiền mặt lớn hơn». Nhờ thế mà các ngân hàng lớn đều đã «dễ dàng» vượt qua những giai đoạn khó khăn như trong thời kỳ đầu 2020 khi mà một phần các hoạt động kinh tế của thế giới bị phong tỏa để chống dịch Covid.
Bài học thứ nhì từ vụ Lehman Brothers vỡ nợ là chính quyền Mỹ qua nhiều đời tổng thống liên tục củng cố các cơ chế giám sát tình hình hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Nhờ vậy tránh được «hiệu ứng đô mi nô» xuất phát từ vụ Silicon Valley Bank -SVB phá sản. Ít được công chúng biết đến nhưng SVB là ngân hàng của các công ty khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ.
Cái may mắn thứ ba là từ 2008 đến nay, phần lớn các khoản tín dụng địa ốc được cấp theo chế độ lãi suất cố định. Có nghĩa là bên đi vay để mua nhà không bị động trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng lên. Từ một năm qua để chống lạm phát, Ngân Hàng Trung Ương FED của Mỹ và của châu Âu BCE liên tục tăng lãi suất chỉ đạo. Nhờ chế độ lãi suất cố định mà các hộ gia đình không phải trả tiền lãi cho ngân hàng nhiều hơn. Âu Mỹ tránh được một vòng xoáy như kịch bản 2007-2008 xuất phát từ Hoa Kỳ.
Chiến tranh Ukraina đã tràn sang lãnh thổ Rumani
Liên quan đến chiến tranh Ukraina, « Kiev vẫn loay hoay đi tìm những ngõ thoát để xuất khẩu ngũ cốc », tựa trên báo Le Monde. Bài phóng sự trên Libération cho thấy Litva đang củng cố đường biên giới phía đông, giáp ranh với Belarus, cánh tay nối dài của Nga để phá rối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Báo Le Figaro chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều mãnh vỡ drone Nga rơi xuống lãnh thổ Rumani, một thành viên NATO.
Đầu tháng 8/2023 tại thị trấn Ceatalchioi, nằm ở cực bắc đồng bằng sông Danube, sát biên giới với Ukraina dân cư hồi hộp lo âu trước những đợt oanh kích của Nga. Không khí ở đây cũng trĩu nặng như trên lãnh thổ Ukraina sát cạnh. Ở bên kia sông, cách xa chưa đến 300 mét là cảng Izmail, một cửa ngõ mang tính sống còn để đưa nông phẩm Ukraina ra khỏi vùng có chiến tranh. Cảng này đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của quân Nga.
Drone tự sát của Nga liên tục lai vãng khu vực này và không hề phân biệt đâu là ranh giới giữa Ukraina với Rumani. Kiev xác định «có bằng chứng » Nga vi phạm không phận của Rumani. Tổng thống Rumani ban đầu cương quyết chối bỏ thực tế ấy trước đổi ý. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này kêu gọi công luận tỉnh táo « phân biệt giữa một sự cố với những hành vi gây hấn» nhắm vào một thành viên NATO.
Phóng sự trên báo Le Figaro trích dẫn một dân cư địa phương, Daniel Tanase, ông này phẫn nộ cho biết phải trải qua ba đợt Nga oanh kích sát bên kia sông, thì họ mới được chính quyền báo động về «một mối nguy hiểm đang rình rập».
Tại Kiev, cố vấn của tổng thống Zelensky lên án Bucarest «im lặng » như thể ngầm «cho phép Nga sử dụng không phận của các nước láng giềng sát cạnh Ukraina, để từ đó dùng tên lửa tấn công Ukraina».
Ý bị quá tại vì người nhập cư
Thất bại của nữ thủ tướng Ý Giorgia Meloni trên vấn đề nhập cư. Cách nay đúng một năm bà Meloni đảng cựu hữu lên cầm quyền với hứa hẹn thiết lập một «vành đai bảo vệ nước Ý tước các làn sóng di dân ».
Nhưng báo Les Echos và Le Figaro cùng ghi nhận trong vỏn vẹn hai ngày 12 và 13/09/2023 đã có 8.000 người nhập cư cập bến cảng đảo Lampedusa, « con số này như vậy đông hơn cả so với toàn bộ dân cư » trên hòn đảo. Từ đầu năm tới nay tổng cộng đã có 126.000 người nước ngoài đổ bộ lên Lampedusa, miền nam nước Ý. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2022.
Khi lên cầm quyền lãnh đạo đảng cựu hữu này từng quả quyết bà sẽ thuyết phục các đối tác trong Liên Âu chia sẻ với Roma gánh nặng đón nhận người nhập cư. Nhưng rồi Meloni đã thất bại. Les Echos nói đến « một thất bại ê chề về mặt ngoại giao » của thủ tướng Ý, cả với những đối tác ngoài Liên Âu như Tunisia, hay những đồng minh thân thiết nhất trong Liên Hiệp. Berlin vừa thông báo ngưng đón nhận người nhập cư từ Ý sang. Còn Paris tăng cường các lực lượng biên phòng ở đường biên giới với Ý.
Lòng can đảm của phụ nữ Iran
Trước kỷ niệm 1 năm phụ nữ Iran vùng lên đòi tự do phơi trần mái tóc, sau cái chết thảm của một cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Ngày 16/09/2022 Amini bị cảnh sát đạo đức Iran hành hung đến chết chỉ vì đeo khăng choàng đầu của người Hồi Giáo không đúng cách, để lộ mái tóc ra ngoài. Từ đó đến nay phong trào bất phục tùng dân sự tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran với khẩu hiệu : Phụ nữ, Sự sống và Tự Do vẫn bền bỉ. Hàng chục người đã chết, hàng ngàn người bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì đòi quyền tự do từ bỏ khăn choàng đầu, họ xem quyền tự định đoạt để tóc dài, hay ngắn, nhuộm tóc hay không và ra đường không phải che kín mái tóc … là một thứ quyền cơ bản. Báo La Croix dành 3 trang báo để nói về lòng can đảm của phụ nữ Iran trong lúc chế độ độc tài và bảo thủ ở Teheran « nhất quyết không nhượng bộ một ly ».
Caroline Guiela Nguyễn, cô là ai ?
Trong khi đó tại một đất nước tự do như ở Pháp, Caroline Guiela Nguyễn, 42 tuổi, một kịch tác gia, một nhà đạo diễn sân khấu kịch nghệ là phụ nữ duy nhất điều hành 1 trong 5 nhà hát quốc gia.
Cũng La Croix phác họa chân dung của người nghệ sĩ mà tờ báo đánh giá là « một trong những tài năng có sức lôi cuốn nhất trong thế hệ của cô ». Caroline Guiela Nguyễn chính thức điều hành Nhà Hát Quốc Gia Strasbourg từ đầu tháng 9 và để đánh dấu điểm khởi đầu này, cô mời dân cư thành phố đến dự những buổi hòa nhạc, văn nghệ, tham gia các chương trình nấu ăn … Bởi đấy là nhịp cầu giao lưu giữa các nền văn hóa. Caroline mang hai dòng máu Algérie và Việt Nam. Trước khi được mời điều hành Nhà Hát Quốc Gia Strasbourg, cô đã là một nghệ sĩ thành danh, là người sáng lập ra đoàn kịch Les Hommes Approximatifs, tên gọi được mượn từ tập thơ của thi sĩ người Rumani Tristan Tzara. Caroline Guiela Nguyễn đã dựng nhiều vở kịch, trong đó có tác phẩm như là Saigon hay Fraternité, conte fantastique. Những vở kịch này đã gây tiếng vang lớn tại liên hoan kịch nghệ Avignon năm 2017 và 2021. Cô đang ấp ủ một dự án mới và chuẩn bị cho ra mắt công chúng vào tháng 5/2024. Vở kịch mới của Caroline lấy nguồn cảm hứng từ những người thợ thêu Ấn Độ và những nghệ nhân làm đăng-ten của thành phố Alençon, vùng Normandie miền tây bắc nước Pháp.