Lũ lụt Libya: Liên Hiệp Quốc kêu gọi trợ giúp khẩn cấp 250.000 nạn nhân

Gần một triệu người đang cần được hỗ trợ sau đợt lũ lớn tại miền đông Libya gây vỡ đập hồi đầu tuần. Hôm qua, 14/09/2023, Liên Hiệp Quốc kêu gọi quốc tế đóng góp 71 triệu đô la, để hỗ trợ khẩn cấp trước hết với 250.000 người bị tác động nặng nề nhất trong ba tháng tới.

Đăng ngày: 15/09/2023

Hàng cứu trợ khẩn cấp cho vùng lụt ở Libya được quân đội Pháp vận chuyển từ căn cứ quân sự Istres, miền nam Pháp, ngày 13/09/2023.
Hàng cứu trợ khẩn cấp cho vùng lụt ở Libya được quân đội Pháp vận chuyển từ căn cứ quân sự Istres, miền nam Pháp, ngày 13/09/2023. AP

Trọng Thành

Theo AFP, Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc (PAM) hôm qua cho biết bắt hỗ trợ thực phẩm cho hơn 5.000 gia đình phải sơ tán do lũ. Theo PAM, ‘‘hàng nghìn gia đình riêng tại thành phố cảng Derna hiện tại đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không thực phẩm’’. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi hứa gửi viện trợ. Nhiều ê kíp cứu nạn quốc tế hiện đang có mặt tại chỗ để tìm kiếm người mất tích hay các nạn nhân.

Theo Văn phòng Điều phối Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, sau khi nhiều tuyến đường bị phá hủy, ‘‘thành phố Derna đã hối thúc các cấp có thẩm quyền thiết lập một hành lang trên biển để vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp và để sơ tán người’’. Thành phố cảng Derna, với khoảng 100.000 dân bị trận lũ được ví với ‘‘cơn sóng thần’’ tàn phá sau khi hai con đập bị vỡ. Thị trưởng thành phố cho biết, ít nhất 5.000 người thiệt mạng, và số người chết có thể lên đến 20.000 người.

Theo ông Petteri Taalas, lãnh đạo Cơ quan Khí tượng Thế giới của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, nếu việc dự báo và đối phó với thiên tai tốt hơn thì về cơ bản đã có thể tránh được mức độ thiệt hại nặng nề về nhân mạng như trên. Thế nhưng, sau nhiều năm xung đột, tại Libya ‘‘đa số hệ thống trạm khí tượng đã bị phá hủy’’.

Hôm thứ Sáu tuần trước, 08/09, trong lúc bão Daniel ập đến, chính quyền miền đông Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, theo văn phòng khu vực của Cơ quan Khí tượng Thế giới, có trụ sở tại Bahrein, vấn đề chủ yếu là ở Libya, ‘‘hệ thống đối phó với tình hình khẩn cấp không còn hoạt động, không có phương tiện để xử lý một tình huống chưa từng có như trên’’.

Cơn bão Danial trở nên dữ dội trong bối cảnh mùa hè nóng mức kỷ lục tại khu vực này. Bão hoành hành tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Hy Lạp, trước khi vượt Địa Trung Hải ập xuống Libya hôm Chủ nhật (10/09). Theo giới chuyên gia về khí hậu, có mối liên hệ rõ ràng giữa thảm họa giáng xuống miền đông Libya và xu thế khí hậu Trái đất bị hâm nóng. Hậu quả càng thêm trầm trọng tại quốc gia Bắc Phi Libya, với hơn một thập niên xung đột, hỗn loạn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment