Thượng đỉnh Putin-Kim: Cái nhìn xa hơn thỏa thuận vũ khí

VOA News

Russia’s President Vladimir Putin shakes hands with North Korea’s leader Kim Jong Un during a meeting at the Vostochny Сosmodrome in the far eastern Amur region, Russia, September 13, 2023. Sputnik/Vladimir Smirnov/Pool via REUTERS ATTENTION EDITORS – THIS IMAGE WAS PROVIDED BY A THIRD PARTY. TPX IMAGES OF THE DAY

Các nhà phân tích cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như đang tận dụng hội nghị thượng đỉnh trong tuần này với Tổng thống Nga Vladimir Putin để siết chặt quyền kiểm soát của mình đối với một quốc gia đang phải vật lộn với các chế tài quốc tế và nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông Putin và ông Kim gặp nhau hôm 13/9 tại Sân bay Vũ trụ Vostochny, một cơ sở phóng phi đạn ở Viễn Đông Nga, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau hơn 4 năm.

Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Triều Tiên cho biết ông Putin và ông Kim cam kết tăng cường “hợp tác chiến lược và chiến thuật” nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Lo ngại về thỏa thuận vũ khí

Washington nghi ngờ Bình Nhưỡng có thể cung cấp đạn dược cho Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine để đổi lấy sự giúp đỡ từ Moscow trong việc vượt qua các rào cản quan trọng để chế tạo phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh trinh sát quân sự.

Sau cuộc gặp, Mỹ cảnh cáo Triều Tiên chớ nên cung cấp vũ khí cho Nga.

“Không một quốc gia nào trên hành tinh này, không một ai nên giúp ông Putin giết những người Ukraine vô tội. Và nếu họ quyết định tiến tới một số loại thỏa thuận vũ khí, rõ ràng là chúng tôi sẽ đối phó với việc này và chúng tôi sẽ giải quyết nó một cách thích hợp”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 13/9.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có thể ông Kim không chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật trong các chương trình vũ khí của mình.

Ông Seong Ok Yoo, cựu quan chức tình báo Hàn Quốc, người có nhiều mối quan hệ với Triều Tiên, cho biết ông Kim đang cố gắng sử dụng hội nghị thượng đỉnh như một công cụ tuyên truyền để nâng cao hình ảnh của mình trên toàn cầu đồng thời tìm kiếm sự đoàn kết nội bộ lớn hơn.

“Ông Kim tìm kiếm sự công nhận quốc tế. Ông ấy tin rằng có thể thúc đẩy Mỹ giảm bớt thái độ đối với ông ấy bằng cách đề cao sự hiện diện của ông ấy”, ông Yoo, người đóng vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007, nói.

“Ông ấy muốn đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ coi trọng ông ấy,” ông Yoo nói thêm.

Chiến lược cũ rích

Ông Jong Dae Shin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, nói việc sử dụng một sự kiện quốc tế như một công cụ để cai trị đất nước là một thông lệ lâu đời đối với các thành viên trong triều đại Kim đang cầm quyền ở Triều Tiên.

Theo ông Shin, đối với một quốc gia như Triều Tiên, vốn bị cô lập trong nhiều thập niên bởi các chế tài nặng nề, chiến lược cai trị cũ rich này đã phục vụ chế độ bằng cách tái củng cố lòng trung thành và sự tận tâm của người dân.

Ông Shin nói ông Kim dường như đang đi theo con đường của những người tiền nhiệm.

Đối với ông Kim, một cơ hội quan trọng để nâng cao vị thế của ông đã đến vào năm 2018, khi ông bắt đầu nối lại quan hệ hữu nghị bằng một loạt hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Ngoại giao thượng đỉnh của ông Kim lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp lịch sử với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore, vào thời điểm đó được ca ngợi là con đường khả thi dẫn đến hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai nhưng không đạt được thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến địa chính trị gần đây, bao gồm việc Nga xâm chiếm Ukraine và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, mang lại cho ông Kim một cơ hội khác để nâng cao hình ảnh của mình.

Theo họ, ông Kim nhìn thấy cơ hội vàng để thúc đẩy các chương trình vũ khí của đất nước mình với ít hậu quả và tăng đòn bẩy với Nga và Trung Quốc, vốn đang mâu thuẫn với Mỹ.

Vào năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành số vụ thử phi đạn kỷ lục, vi phạm nhiều chế tài của Liên hiệp quốc.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã không hành động vì bị Nga và Trung Quốc, những nước có quyền phủ quyết, phản đối.

Vào tháng 12 năm 2017, Hội đồng đã thông qua các chế tài cứng rắn đối với Triều Tiên nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng phi đạn đạn đạo xuyên lục địa với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc.

Đòn bẩy gia tăng

Ông Yoo tin rằng đòn bẩy của Triều Tiên với Nga đã tăng lên do Moscow đối đầu với Washington về cuộc chiến ở Ukraine.

“Có sự đảo ngược vị thế so với hội nghị thượng đỉnh trước đó”, ông Yoo nói, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Triều Tiên vào tháng 4 năm 2019.

Lúc đó, ông Kim tìm đến Putin để được hỗ trợ ngoại giao sau hội nghị thượng đỉnh thất bại với ông Trump nhưng giờ đây, Nga, đang khao khát đạn dược, đang tìm đến ông Kim, theo ông Yoo.

“Năm 2019, ông Kim không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào ông Putin để thoát khỏi sự cô lập ngoại giao. Bây giờ, ông Kim đang ngồi ở ghế lái”, ông Cho Han-Bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.

Tin tức quốc tế đưa tin về hội nghị thượng đỉnh mới nhất giữa ông Putin và ông Kim nhấn mạnh sự chào đón xa hoa mà ông Putin chuẩn bị cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Một số hãng tin Hàn Quốc đưa tin ông Putin, người nổi tiếng vì đến muộn trong các cuộc gặp với lãnh đạo nước ngoài, đã đợi ông Kim suốt 30 phút tại địa điểm họp.

Hãng tin AP đưa tin ông Putin chào ông Kim bằng cái bắt tay kéo dài khoảng 40 giây.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ca ngợi hội nghị thượng đỉnh là một “cột mốc mới” cho sự phát triển quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow.

Áp lực nội bộ

Hội nghị thượng đỉnh tuần này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên dường như đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Bà Elizabeth Salmon, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào tháng trước rằng một số người đang chết “do sự kết hợp giữa suy dinh dưỡng, bệnh tật và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Vào tháng 3 năm nay, các nhà lập pháp Hàn Quốc thông báo ngắn gọn với các phóng viên rằng số người chết vì đói và tự tử do thiếu lương thực trầm trọng đang gia tăng.

Ông Intae Kim, một người đào thoát khỏi Triều Tiên, hiện là nhà nghiên cứu chính tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), một tổ chức nghiên cứu do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc điều hành, cho biết ông Kim đã theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đồng thời mở rộng phát triển hạt nhân kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2011.

Theo ông Kim, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân của đất nước thì kế hoạch kinh tế của ông lại hoàn toàn thất bại.

Ông Cha Du Hyeogn, thành viên chính tại Viện Asan của Hàn Quốc, cho biết ông Kim đang cố gắng gửi thông điệp tới người dân của mình bằng hội nghị thượng đỉnh mới nhất rằng ông đang nỗ lực để cứu vãn nền kinh tế đất nước đang bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt, đại dịch và thiên tai.

Theo ông Cha, quyết định đi tàu chậm thay vì chuyến bay ngắn của ông Kim có thể là một nỗ lực để gửi đi thông điệp.

“Chuyến tàu khiến tôi nhớ đến hành trình của ông ấy tới Hà Nội,” ông Cha nói, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh thứ hai của ông Kim với ông Trump.

Vào thời điểm đó, ông Kim đáp chuyến tàu kéo dài 60 giờ để tới hội nghị thượng đỉnh.

Ông Cha nói: “Ông Kim có thể có ý định quảng bá hình ảnh một nhà lãnh đạo sẵn sàng thực hiện một hành trình dài vì người dân của mình”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment