Một phiên tòa ở Thụy Điển đã xử nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg thêm một tội danh nữa sau vụ cô tham gia biểu tình chặn cảng biển hồi tháng 7.
Đây là án hình sự thứ nhì cho nhà hoạt động môi trường và khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg, vài tháng sau vụ ‘bất tuân’ lệnh giải tán từ cảnh sát trong cuộc đấu tranh chặn cảng Malmo hôm 24 tháng 7 năm nay.
Hồi tháng 7, Thunberg đã bị phát tiền 2.500 Krona, tiền Thụy Điển (tương đương 224 USD) cho một cuộc biểu tình cũng ở cảng biển nói trên hôm 19/06.
Vì vẫn quay lại cảng để biểu tình phản đối tàu dầu và các hoạt động dầu khí, Thunberg và các bạn trong nhóm Reclaim the Future bị cảnh sát lôi đi.
Nay, sau vụ xử mới nhất, nữ công tố viên Isabel Ekberg nói cuộc biểu tình 24/07 là không có giấy phép và gây cản trở giao thông.
Phiên xử tiếp theo sẽ vào ngày 27/09.
Các nhóm vận động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại EU (Đức, Thụy Điển), Anh Quốc và một số nơi khác hay dùng biện pháp chặn đường, ngăn cản giao thông dân sự để nêu ra thông điệp không dùng nguyên liệu hóa thạch nữa.
Hồi 2019, Greta Thunberg, khi vẫn còn là nữ sinh 16 tuổi ở Thụy Điển được tạp chí Time chọn là Nhân vật của Năm 2019 nhờ truyền cảm hứng cho phong trào toàn cầu đấu tranh chống biến đối khí hậu.
Phát biểu tại thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Madrid trước khi có tuyên bố của Time, cô thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hãy ngưng dùng “PR sáng tạo” để né tránh hành động thiết thực.
Mới đây, hồi tháng 6, Greta Thunberg cũng lên tiếng cùng giới vận động thế giới, kêu gọi chính quyền VN thả nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng.
Tuy thế, vì hệ thống chính trị hai nước rất khác nhau, các nhà vận động môi trường ở Thuỵ Điển thường chỉ nhận án tù treo ngắn và phải trả tiền phạt. Họ cũng tự do phát biểu với báo chí.
Còn ở Việt Nam, trong các trường hợp đã xảy ra, người bị bắt thường không có cơ hội nói gì với báo chí và bị tạm giam “để điều tra” khá lâu và nhận án tù nặng cho các tội danh hoàn toàn khác.