“Con trai tôi bị bọn buôn người hành hung, bắt làm việc suốt ngày và ép lên mạng lừa các nạn nhân khác”

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.09.15

sharethis sharing button

“Con trai tôi bị bọn buôn người hành hung, bắt làm việc suốt ngày và ép lên mạng lừa các nạn nhân khác”

Bộ đội biên phòng mang thực phẩm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Lào ở tỉnh Điện Biên (minh hoạ)

 Reuters

Cha đẻ của một nạn nhân (tuổi vị thành niên ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bị một nhóm buôn người lừa và ép đưa ra nước ngoài gần đây, hôm 15/9/2023 cho Đài Á Châu Tự Do biết, con của ông bị nhóm buôn người bắt phải làm việc vất vả nhiều tiếng đồng hồ một ngày với công việc ‘lên mạng’ kết bạn và ‘lừa những nạn nhân’, đồng thời đã bị hành hung, tra tấn khi không làm đúng theo ý của chúng.

“Cháu vẫn liên lạc được, nhưng có điều là bị hành hạ dữ lắm, bị bắt làm từ 9h30 sáng cho tới 12h30 đêm, làm không đạt, chúng đánh cháu dữ lắm. Gia đình không giúp được, gia đình nghèo khổ, không có tiền giúp, còn tụi bên kia (đường dây buôn người) nói là phải có tiền mới cứu nổi cháu,” – ông Trịnh Hữu Phước, cha của Trịnh Khánh Hoàng Anh, 17 tuổi, người bị một nhóm buôn người xuyên biên giới lừa gạt và đưa đi khỏi địa phương từ hôm 20/8/2023, nói với đài RFA Tiếng Việt về những điều đã xảy ra với con trai của ông – người hiện được gia đình cho biết là đang ở tại một địa phương tại Myanmar.

Khi được hỏi gia đình thời gian qua có liên lạc gì thêm với chính quyền, cơ quan chức năng của Việt Nam, kể cả công an lẫn ngành ngoại giao như với bộ phận trợ giúp công dân Việt Nam ở nước ngoài hay không, ông Phước nói với RFA:

“Bữa hôm, cô em tôi có liên lạc với Đại sứ quán ở bên ấy, còn ở bên đây, gia đình không liên lạc được, tại vì gọi không được. Số phone có, nhưng không gọi được, còn nhỏ em tôi ở bên đó (CHLB Đức) thì gọi được, và đã có gửi email cho Đại sứ quán ở bên đó. Họ nói là khó cứu lắm, cứu không được.”

Em gái của ông Phước, bà Trịnh Mỹ Hạnh từ Đức, chia sẻ tin nhắn của người cháu là nạn nhân Hoàng Anh với bà, trong đó nạn nhân vị thành niên này nhắn tin cho hay:

“Sớm con chỉ đăng sai thôi mà nó tát vô mặt con muốn nát cả mặt với đập vô đầu con. Mặt mày con đang bị vậy nữa. Làm không đủ chỉ tiêu của nó. Một account (tài khoản) Facebook kết bạn với 20 người giàu, hai account thì 40 người. Rồi chăm sóc khách hàng từ từ lừa người ta đầu tư vô. Kiếm đâu ra một tài khoản 20 người giàu. Nó kêu con mai không làm tốt, ăn đập. Mốt làm vẫn vậy, sẽ chích điện…”

Ông Trịnh Hữu Phước cho hay nhóm gia đình một số nạn nhân khác có liên lạc với nhau, sau khi con cái của họ mà chủ yếu còn ở tuổi vị thành niên trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hoạt động tại Phú Quốc, Kiên Giang, ông nói tiếp với RFA, và nhắc đến trường hợp của một nạn nhân khác là Lê Thị Tường Vy, 15 tuổi:

“Cháu Tường Vy cũng có liên lạc được (với gia đình). Cũng giống như Hoàng Anh, bị bắt đi làm như thế. Mấy cháu nói là ngồi trên mạng để đưa ra những kêu (gọi-pv) bằng tin giả trên mạng để dụ dỗ những đứa khác để qua đó, nói chung là thế. Chính xác bây giờ là đang ở Lao-kan, Myanmar. Chúng (những kẻ buôn người) vẫn cho xài điện thoại bình thường luôn, chúng không sợ công an, cảnh sát đâu.”

texthoanganh2023.jpeg
Các dòng tin nhắn nạn nhân Trịnh Khánh Hoàng Anh gửi cho gia đình kể về tình cảnh của mình bị cưỡng bức lao động ở Myanmar. Hình: Gia đình cung cấp

Dân kêu cứu, Công an “chỉ nhận tin, không trả lời”

Khi được hỏi các gia đình có báo cáo và cập nhật tin tức của người thân của mình cho chính quyền, hay cơ quan điều tra ngành công an ở địa phương hay không, ông Phước đáp:

“Có, gia đình có báo cáo hết rồi, ở Công an Tỉnh, rồi cả ở công an tại nơi cư trú, Công an Huyện, họ chỉ nhận thông tin thôi, không nghe họ trả lời gì hết và cũng không hỏi thăm luôn.”

Ông Phước cũng nói thêm với RFA, các gia đình nạn nhân cho biết, tại Phú Quốc, riêng thời gian gần đây đã có khoảng từ 50-60 nạn nhân bị các đường dây buôn người lừa ép ra nước ngoài, để làm các công việc tương tự.

“Gia đình cũng đang trông chờ công an ở bên các nước để có gì giúp đỡ cháu, còn gia đình nghèo, không có tiền để chuộc cháu về. Bây giờ chỉ có chờ mong công an ở Việt Nam và công an ở bên Myanmar tìm cách giải cứu được mấy cháu.”

Cuối tháng trước, Đài Á Châu Tự Do đã loan tin về việc hai gia đình ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thuộc miền Nam Việt Nam, lên tiếng hôm 25/8 với RFA phản ánh việc con họ ‘bị một nhóm buôn người’ đưa sang Lào và có thể đang trên đường tới Myanmar hoặc Trung Quốc.

Hai trong số nhóm nạn nhân, mà có thể có ít nhất từ năm đến chín người, theo các gia đình nạn nhân, có danh tính là Trịnh Khánh Hoàng Anh (17 tuổi) và Lê Thị Tường Vy (15 tuổi) đều thuộc các gia đình lao động, có hoàn cảnh gia đình không khá giả, bản thân đều nghỉ học khá sớm.

‘Muốn quay trở lại, phải bỏ tiền chuộc’

Một số phụ huynh có con em đang là nạn nhân của nhóm buôn người xuyên biên giới khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng, những kẻ buôn người nói với gia đình là nếu muốn người thân quay trở lại Việt Nam, thì phải bỏ ra những khoản tiền chuộc mà theo họ là vượt quá rất nhiều khả năng của các gia đình nạn nhân.

RFA Tiếng Việt đã tìm cách trao đổi thêm với một số gia đình nạn nhân khác trong dịp này để tìm hiểu thêm sự việc, nhưng chưa liên lạc được.

Trước đó, hôm 25/8/2023, một sỹ quan công an trực ban tại Công an cấp huyện ở Phú Quốc đã trả lời RFA, rằng các gia đình nạn nhân nếu đến khai báo với Công an sẽ được tiếp đón và hướng dẫn khai báo tại cơ quan điều tra ở địa phương. Thế nhưng tới nay, nhiều gia đình nạn nhân cho biết họ đã khai báo nhưng chưa nhận được kết quả hồi âm nào về việc Công an có điều tra hay trợ giúp các nạn nhân và gia đình của họ hay không, như chính trong gia đình các nạn nhân đã có ý kiến phản ánh với Đài Á Châu Tự Do hôm 15/9.

Nạn buôn người, trong đó có lừa đảo và buôn người xuyên biên giới đang có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Báo mạng VietNamNet hôm 15/9/2023 cho biết một nạn nhân (trú tại Hà Nội) nghi bị lừa ‘đưa qua Thái Lan’ và nghi ngờ có thể bị ép phẫu thuật lấy tạng (thận) trái phép, đã kịp đào thoát, và sau đó được cơ quan chức năng của cả hai nước liên quan là Lào và Việt Nam kịp thời can thiệp giải cứu.

‘Lừa dối, lôi kéo thông qua mạng Internet’

Liên Hiệp Quốc trong một báo cáo công bố hôm 29/8 vừa qua cho biết có hàng trăm ngàn người ở khu vực Đông Nam Á đang bị các nhóm tội phạm mạng ép làm việc để tống tiền các nạn nhân tham gia voà các vụ lừa đảo về tình và đầu tư. Các quốc gia bao gồm Myanmar và Campuchia có đông người bị cưỡng bức lao động như vậy nhiều nhất.

Theo một báo cáo về nạn buôn người ở Việt Nam do Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố gần đây, hồi năm 2021, nạn buôn người xuyên biên giới ở Việt Nam đã diễn ra ngày một phức tạp và các đối tượng tội phạm cũng sử dụng mạnh các hình thức, thủ đoạn lừa dối, lôi kéo nạn nhân qua mạng Internet:

Bọn buôn người bóc lột phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài; nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước châu Á khác. Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke – bao gồm ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út, Singapore, và Đài Loan – trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động trong ngành giúp việc gia đình hoặc buôn bán người vì mục đích tình dục.

Bọn buôn người ngày càng gia tăng việc sử dụng internet, các trang web chơi game và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân, lan rộng hoạt động buôn người, và kiểm soát nạn nhân bằng cách hạn chế họ truy cập mạng xã hội, mạo danh họ phát tán thông tin sai lệch trên mạng. Đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân buôn bán người vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc mại dâm. Có báo cáo về việc một kẻ buôn người đăng hình ảnh của mình giống như cảnh sát trên mạng xã hội để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Trong quá trình di cư, các băng nhóm tội phạm ở châu Âu và bọn buôn người thường bóc lột nạn nhân Việt Nam dưới hình thức cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục trước khi nạn nhân đến được đích cuối cùng,”-  báo cáo của Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment