Nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Vương Nghị đang thăm Nga để đàm phán về an ninh, trong bối cảnh Moscow đang tìm kiếm sự tiếp tục ủng hộ cho cuộc chiến với Ukraine.
Là đồng minh thân cận của Moscow, Bắc Kinh bị cáo buộc đã gián tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến, điều mà Trung Quốc này phủ nhận.
Chuyến thăm của ông diễn ra sau cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, cuộc gặp được cho là sẽ dẫn tới việc đạt được một thỏa thuận vũ khí.
Truyền thông Nga cho biết chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, người cũng đã giữ chức Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng, sẽ mở đường cho ông Putin sớm thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng, ông Putin nói ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng không cho biết thời điểm nào.
Ông Putin đã không đi nước ngoài kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành trát bắt giữ ông vì tội ác chiến tranh ở Ukraine. Lần cuối cùng ông ra nước ngoài là tháng 12/2022, trong chuyến đi tới Belarus và Kyrgyzstan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Vương sẽ ở Nga trong bốn ngày để “tham vấn an ninh chiến lược”.
Hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời Điện Kremlin cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, và cuộc chiến Ukraine sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của họ.
Họ cũng sẽ thảo luận về “sự mở rộng lực lượng và cơ sở hạ tầng của NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và tăng cường sự phối hợp trong các nhóm quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Chuyến thăm của ông Vương diễn ra vài ngày sau màn chào đón gây tranh cãi của ông Putin đối với ông Kim, sự kiện mà phía Hoa Kỳ nói là để để thảo luận về việc bán vũ khí của Bắc Hàn cho Nga. Moscow được cho là đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược.
Nga và Triều Tiên cho biết họ đã thảo luận về “hợp tác quân sự” và viện trợ cho chương trình vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi về chuyến đi của ông Kim vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận và nói rằng đó là “chuyện gì đó giữa hai nước đó”.
Ba nước sẽ càng ngày càng cần nhau?
Nhưng một số nhà phân tích tin rằng bất kỳ sự hỗ trợ lẫn nhau nào giữa Bắc Hàn và Nga đều diễn ra với ghi nhận của Trung Quốc hoặc thậm chí là sự đồng ý ngầm, bởi Bắc Kinh có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai nước kia.
Thông tin từ chuyến thăm sáu ngày của nhà lãnh đạo Bắc Hàn tới Nga cho hay ông Putin được mời sang thăm Bình Nhưỡng.
Các bình luận cho rằng những mối quan hệ ba nước này vượt ra ngoài hệ tư tưởng cũ gắn bó họ là chế độ xã hội chủ nghĩa và điểm họ chia sẻ là không tin vào Hoa Kỳ và phương Tây.
Trên thực tế, các quan hệ này còn có ý nghĩa kinh tế quan trọng cho cả ba.
Bắc Kinh từ lâu đã là huyết mạch kinh tế của Bình Nhưỡng thông qua thương mại, và trong năm qua, nước này cũng bắt đầu trở thành huyết mạch của Moscow thông qua việc tăng cường mua dầu và khí đốt của Nga.
“Bất cứ điều gì đang xảy ra với Nga và Bắc Hàn đều không thể xảy ra nếu Trung Quốc không biết về điều đó. Tôi không nghĩ họ sẽ hợp tác quân sự nếu không có sự chấp thuận của Bắc Kinh,” Alexander Korolev, chuyên gia về quan hệ Trung-Nga tại Đại học New South Wales, Úc, nói.
Chuyến thăm Nga cũng diễn ra một ngày sau khi ông Vương gặp cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ở Malta. Theo tuyên bố của Hoa Kỳ và Trung Quốc, bên cạnh mối quan hệ Mỹ-Trung, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về an ninh khu vực và cuộc chiến Ukraine.
Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã hỗ trợ Nga về kinh tế và cung cấp công nghệ quan trọng kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu.
Một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ công bố vào tháng Bảy cho biết Bắc Kinh đang “theo đuổi nhiều cơ chế hỗ trợ kinh tế cho Nga nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhằm kiểm soát xuất khẩu”.
Bản báo cáo nói rằng Trung Quốc tăng cường mua năng lượng xuất khẩu của Nga, tăng cường sử dụng tiền tệ của nước này trong các giao dịch với Nga và ‘có thể’ đã cung cấp công nghệ kép – những mặt hàng có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự như máy bay không người lái – để sử dụng ở Ukraine.
Trung Quốc liên tục phủ nhận những cáo buộc như vậy và khẳng định họ luôn giữ quan điểm khách quan về cuộc chiến.
Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình Ukraine của riêng mình, được công bố trong cơn lốc ngoại giao mà ông Vương thực hiện hồi đầu năm nay, trong chuyến thăm mới nhất của ông tới Moscow, nơi ông gặp ông Putin.