Ba Lan và Slovakia phản ứng mạnh sau lời của TT Zelensky về các láng giềng trong vụ ‘ngũ cốc quá cảnh’

UN ship brings food relief from Ukraine to drought-hit Horn of Africa in Djibouti
Chụp lại hình ảnh,Ngũ cốc Ukraine tới châu Phi, ở cảng Djibouti – hình minh họa

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tại Liên Hiệp Quốc rằng một số nước bạn ở châu Âu ‘tạo ra vở kịch từ vụ ngũ cốc’, còn Thủ tướng Ba Lan nói nước ông “ngưng chuyển vũ khí cho Ukraine” trong lúc căng thẳng song phương gia tăng.

Sau phát biểu của Tổng thống Ukraine tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ ở New York, chỉ trích ba quốc gia láng giềng, đồng minh Nato, Warsaw và Bratislava ngay lập tức đã có phản ứng cứng rắn.

Đại sứ Ukraine ở Ba Lan bị triệu đến Bộ Ngoại giao nước chủ nhà để nghe lời phản đối sau phát biểu của Tổng thống Zelensky rằng “một số nước bạn của Ukraine ở châu Âu dựng ra vở diễn, phim hồi hộp về ngũ cốc Ukraine”.

Ông Zelensky cáo buộc họ “chỉ giả vờ” ủng hộ Ukraine, điều bị một số báo Ba Lan cho là “lời lẽ không bình thường” sau khi người Ba Lan mở rộng vòng tay đón hàng triệu người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine từ tháng 2/2023.

Ngay cả báo Ukraine, trang The Kyiv Post hôm 21/09 cũng ghi nhận “Ba Lan là nước hỗ trợ mạnh nhất, nhiều nhất cho Ukraine sau khi Nga xâm lăng 22/02/2022”.

Tuy không nêu tên ba nước nhưng lời của ông Zelensky được cho là nhắm vào Ba Lan, Hungary và Slovakia sau khi chính phủ cả ba nước nói họ sẽ vẫn đơn phương cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa.

“Khủng hoảng ngũ cốc” Ukraine, mà trên lý thuyết chỉ đi qua các nước Đông Âu để ra thị trường thế giới vì Nga chặn tuyến xuất khẩu của Ukraine ở Hắc Hải, đã âm ỉ từ lâu và nay bùng nổ.

Tối thứ Tư tuần này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trả lời phỏng vấn đài Polsat, nói nước ông “sẽ không chuyển giao vũ khí sang Ukraine nữa vì Ba Lan nay đang trong quá trình vũ trang cho chính mình bằng các loại vũ khí hiện đại”.

Căng thẳng ngoại giao và lời cáo buộc Ukraine “không biết ơn”

Ukraine cũng đã kiện Ba Lan, Slovakia và Hungary lên Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), cho là lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc “vi phạm các nguyên tắc của tổ chức này”.

Sau các diễn biến trên, Thủ tướng Morawiecki tỏ ra không khoan nhượng và nói chính phủ Ba Lan sẽ mở rộng danh sách cấm các mặt hàng khác từ Ukraine nếu Kyiv tăng độ nóng của cuộc tranh cãi.

A grain ship in the port of Chornomorsk on Ukraine's Black Sea coast
Chụp lại hình ảnh,Tàu chở ngũ cốc ở cảng Chornomorsk, Ukraine

Các chính trị gia Slovakia đã lên tiếng ủng hộ Ba Lan và phê phán ông Zelensky,

Chủ tịch Quốc hội Slovakia, Boris Kollar nói rằng Zelensky là kẻ “đưa cho một ngón tay thì muốn giật cả cánh tay”, hàm ý không tốt, theo trang Onet.pl. Còn cựu thủ tướng Slovakia, Igor Matovic, hiện lãnh đạo một đảng chính trị, thì yêu cầu ông Zelensky “dừng lại, cài số lùi và xin lỗi”.

Cho tới nay, Ba Lan đã gửi gần hết kho vũ khí hạng nặng của mình cho Ukraine: 320 xe tăng theo mẫu có từ thời Liên Xô, 14 chiếc MiG-29, và không còn gì để trao cho Ukraine, theo lời Thủ tướng Morawiecki.

Thế nhưng thời điểm ông nói ra điều này khiến toàn châu Âu chú ý, vì căng thẳng ngoại giao Ba Lan và Ukraine về vụ ngũ cốc trung chuyển nay “bùng nổ”.

Ukraine cũng đã triệu đại sứ Ba Lan tới Bộ Ngoại giao ở Kyiv trong tháng 8 để lên tiếng sau phát biểu của một bộ trưởng Ba Lan rằng sau vô số trợ giúp từ Ba Lan, Ukraine tỏ ra “không biết ơn”.

Ông Marcin Przydacz, bộ trưởng trong Phủ Tổng thống Ba Lan lên tiếng như vậy vì vụ tranh cãi “ngũ cốc”.

Ba nước Ba Lan, Hungary, Slovakia nói họ vẫn cho ngũ cốc Ukraine quá cảnh để ra thị trường thế giới nhưng không muốn ngũ cốc từ nguồn này “bị bán đổ bán tháo” trên lãnh thổ của họ, phá giá thị trường, gây thiệt hại cho nhà nông nước họ.

Ngay từ tháng 3 năm nay, các hiệp hội nhà nông ở Ba Lan cho biết lúa mì, ngô và cải dầu từ Ukraine “tràn vào thị trường Ba Lan” với giá rất rẻ vì không chịu thuế nhập khẩu, trang Agropolska.pl cho hay.

Nhà nông Ba Lan nói họ “không hề có vấn đề gì với chuyện ngũ cốc Ukraine qua Ba Lan, ra cảng Gdansk và chuyển sang châu Phi”. Nhưng trên thực tế, họ nói ngũ cốc Ukraine đã được bán ngay tại Ba Lan, phá giá thị trường.

Trang chuyên ngành nông nghiệp này cũng cho hay tính đến tháng 2/2023, chính phủ Ba Lan phải chi ra 2 tỷ zloty (459 triệu USD) trợ cấp cho nông dân nước này vì thua thiệt bởi ngũ cốc Ukraine.

Tuy thế, theo BBC News hôm 21/09, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Catherina Colonna nói ngày hôm trước rằng một nghiên cứu của EU cho thấy việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine không làm nhà nông EU “suy sụp” và bà coi vụ việc này là “rất đáng tiếc”.

Áp lực từ các nước láng giềng của Ukraine đã khiến khối EU gồm 27 thành viên hồi đầu năm nay đồng ý hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu của Ukraine vào Hungary, Ba Lan, Slovakia – cũng như Bulgaria và Romania – cho đến ngày 15/9.

Vào ngày hết hạn, Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của EU – quyết định không gia hạn lệnh cấm nhưng các chính phủ ở Budapest, Warsaw và Bratislava đã bất chấp động thái của EU và vẫn công bố những hạn chế của riêng họ.

Câu chuyện nay có vẻ không chỉ tác động tới ba nước Ba Lan, Hungary, Slovakia. Hai hôm trước, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic lên tiếng nói nước ông “sẽ chỉ cho ngũ cốc Ukraine quá cảnh, không hơn không kém”, trang Politico đưa tin.

Ông Plenkovc từ chối xác nhận Croatia có sẵn sàng cấm ngũ cốc Ukraine hay không nhưng nói “Croatia không phải là nước nhận ồ ạt ngũ cốc rẻ từ Ukraine khiến nông dân của chúng tôi gặp khó khăn”.

Biggest military aid donors to Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Danh sách các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine

Mặt khác, một số báo châu Âu, gồm cả báo Ba Lan cho rằng vụ việc này chỉ “có lợi cho Nga” và các nước EU cần hiểu Ukraine phải xuất khẩu ngũ cốc để có tiền duy trì cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nga.

Một số bình luận cũng cho rằng đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) ở Ba Lan đang nói mạnh về vấn đề ngũ cốc với Ukraine để thu hút cử tri vùng nông thôn.

Dù căng thẳng ngoại giao đã lộ rõ, có vẻ như một số vũ khí xuất khẩu từ Ba Lan sang Ukraine vẫn tiếp tục, ví dụ như 60 cỗ pháo cao xạ Krab của nhà máy PGZ tại Ba Lan sẽ được chuyển trong những tháng tới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment