Chính quyền ông Biden đang có các cuộc đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù, hãng tin Reuters loan tin.
Gói vũ khí có thể sẽ được chuyển giao trong năm tới, với việc mua bán các chiến đấu cơ F-16, theo Reuters.
Thỏa thuận, nếu được thực hiện, sẽ gạt Nga sang bên lề trong quan hệ mua bán vũ khí với Việt Nam. Moscow vốn là đối tác truyền thống của Hà Nội trong việc cung ứng các vũ khí của Nga sản xuất, có giá thành thấp hơn nhiều so với hàng Mỹ.
Thỏa thuận vũ khí lớn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng sẽ khiến cho Bắc Kinh khó chịu, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Biển Đông, và Hà Nội đang muốn tăng năng lực phòng thủ trên biển.
Hiện vẫn còn trong giai đoạn đàm phán sơ khởi ban đầu, chưa có nội dung chi tiết nào được đưa ra. Tuy nhiên, thỏa thuận mua bán vũ khí là một chủ đề then chốt trong các cuộc thảo luận chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua, Reuters nói.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội hôm 10-11/9 vừa qua, hai nước đã công bố nâng cấp quan hệ song phương từ mức ‘đối tác toàn diện’ lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Việc nâng cấp này khiến cho vị thế của Washington trong quan hệ với Việt Nam nay ngang bằng với quan hệ của Hà Nội với hai đồng minh lâu đời, Nga và Trung Quốc.
Đa dạng hóa kho vũ khí
Quân đội Việt Nam vốn chủ yếu dựa vào vũ khí, khí tài của Nga, nhưng các khoản chi để mua sắm hàng Nga đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), thời điểm Việt Nam nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất là năm 2014, với tổng trị giá 1 tỷ đô la. Đến 2021, con số này chỉ còn là 72 triệu đô la.
SIPRI nói từ năm 1995 đến 2021, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 9,07 tỷ USD vũ khí, trong đó Nga chiếm 7,4 tỷ USD (81,6%).
Lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam đã được gỡ bỏ vào năm 2016, tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào nước này kể từ đó vẫn bị giới hạn ở tàu tuần duyên, máy bay huấn luyện và công tác đào tạo sử dụng thiết bị, trong lúc Nga cung ứng tới khoảng 80% cho kho vũ khí đạn dược của Việt Nam.
Trong khoảng một thập niên qua, tổng chi phí của Việt Nam vào việc nhập khẩu vũ khí, thiết bị và đào tạo quân sự Hoa Kỳ đạt chưa tới 400 triệu đô la, Reuters nói.
Sau khi Nga mở cuộc chiến tại Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình ngoài Nga, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn rất tích cực đàm phán với Nga về một thỏa thuận cung ứng vũ khí mới.
Hồi trung tuần tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang tham dự hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11) và Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) tại Moscow.
Tại đây, Tướng Giang đã có cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga, và có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, truyền thông Việt Nam nói.
Tính tương thích trong vũ khí sẽ là một vấn đề lớn cho Việt Nam khi muốn theo đuổi chiến lược đa dạng hóa kho vũ khí của mình.
‘F-16, đứa con ra đời từ Cuộc chiến Việt Nam’
Theo bài blog của cây viết Sebastien Roblin đăng trên trang tin NationalInterest.org chuyên về an ninh, quốc phòng và ngoại giao Hoa Kỳ, chiến đấu cơ F-16 ra đời từ những trải nghiệm không mấy dễ chịu của các phi công Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
Thời đó, các chiến đấu cơ F-4 Phantom nặng nề với công nghệ tên lửa tầm xa chưa hoàn thiện và thiếu khả năng dịch chuyển linh hoạt trong phạm vi hẹp đã khá vất vả khi đương đầu với phi công Bắc Việt trong các cuộc không chiến. Điều này khiến Hoa Kỳ nhận ra rằng họ cần có một loại phi cơ nhẹ, giá thành rẻ để có thể tối ưu hóa năng lực chiến đấu trong các cuộc không chiến giáp lá cà.
Là một trong số ít các loại chiến đấu cơ hàng đầu thế giới về tính hiệu quả chi phí, F-16 rất nhanh nhẹn, linh hoạt so với các chiến đấu cơ động cơ kép kềnh càng hơn như F-15 Eagle, với mức chi phí chưa tới một nửa.
Vào năm 2017, giá thành một chiếc F-16 là khoảng 27 triệu đô la Mỹ, và cho đến nay nó vẫn là loại phi cơ được lựa chọn nhiều nhất cho việc hiện đại hóa quân sự.
Được chuẩn thuận từ 1976, trong số 4500 chiếc đã xuất xưởng tính đến năm 2021, có gần 2700 chiếc vẫn đang hoạt động ở khoảng 26 quốc gia khác nhau.