Bộ Quốc phòng Anh xác nhận họ sẽ hỗ trợ Cảnh sát Đô thành London (Met Police) sau khi nhiều thành viên đơn vị cảnh sát vũ trang từ chối mang súng ra phố vì vụ Chris Kaba.
Họ nêu ra rủi ro và các vấn đề liên đới khi đội đặc nhiệm thực hiện công việc tuần tra, bắt, và đôi khi phải nổ súng sau khi một đồng nghiệp bị khởi tối với tội danh “sát nhân”.
Cảnh sát viên nọ, hiện đã bị ra tòa phiên sơ thẩm, đã bắn xuyên kính trước xe hơi trong một cuộc truy bắt tại Nam London, giết chết người da đen tên là Chris Kaba vào năm ngoái.
Trong số vài nghìn thành viên đội đặc nhiệm của sở cảnh sát London, đến sáng ngày 25/09 mới chỉ có hơn 100 người từ chối đi làm hoặc không mang súng – tức là từ chối thi hành công vụ.
Nhưng sau giờ trưa cùng ngày, con số này lên tới gần 300, theo BBC News.
Những ngày qua, họ đã lần lượt trả lại tấm thẻ màu xanh dương, còn gọi là ‘permitting ticket’, hay quyền nổ súng.
Họ cho rằng các cấp chỉ huy đã không tỏ ra ủng hộ hết mình với đồng nghiệp bị ra tòa vì tội sát nhân, tội nặng nhất trong các hình phạt hình sự dù ông ta “chỉ thi hành nhiệm vụ”.
Một cựu thành viên đơn vị phản ứng nhanh của cảnh sát London, ông Harry Tangye nói với đài BBC rằng “nếu còn làm việc, tôi thà rằng trả lại súng còn hơn đi làm”.
Cùng lúc, cảnh sát Anh chịu sức ép lớn từ dư luận, nhất là cộng đồng người da đen, sau vụ Chris Kaba bị bắn chết năm 24 tuổi.
Chiếc xe mà Chris Kaba lái có liên quan đến một vụ dùng súng trước đó tại thủ đô Anh nhưng nạn nhân bị bắn chết khi đang lái xe và không mang vũ khí trong người.
Theo điều lệ, cảnh sát vũ trang được quyền nổ súng trong các vụ bắt khủng bố hoặc ngăn chặn nghi phạm có vũ khí. Họ cũng có quyền nổ súng tự vệ khi băng đảng bắn hoặc dùng vũ khí thô sơ đe dọa tính mạng của chính họ hoặc bên thứ ba.
Những điều không rõ trong vụ Chris Kaba bị bắn chết khiến các cuộc biểu tình “đòi công lý”, ủng hộ gia đình của Chris đã nổ ra ở một số khu phố London.
Cảnh sát cũng bị chỉ trích đã ‘nhận diện để giữ, khám xe’ nhiều hơn bình thường với một số nhóm sắc tộc tại Anh, nhất là trong thanh thiếu niên nam da đen.
Cảnh sát vũ trang bảo vệ thủ đô
Toàn bộ Cảnh sát Đô thành London có tới 30 nghìn nhân viên nhưng chỉ một đơn vị trên 2.500 quân (armed police unit) có quyền mang súng và được phép nổ súng nơi công cộng.
Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm cả một số đơn vị nhỏ chuyên bảo vệ Hoàng gia, Phủ Thủ tướng Anh và các dinh thực quan trọng như Quốc hội. Được biết không ai trong số thành viên các đơn vị này “nộp súng”, từ chối đi làm.
Số cảnh sát bình thường ở London và trên toàn nước Anh chỉ mang dùi cui, còng tay và súng bắn điện.
Việc từ chối dùng súng khi truy bắt nghi phạm của hơn 100 sĩ quan, hạ sĩ quan và cảnh sát viên đã đẩy Cảnh sát Đô thành London vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.
Ngay lập tức Bộ Nội vụ Anh đã ra lệnh mở cuộc tham vấn và đánh giá lại các quy định về mang súng và dùng súng khi thi hành công vụ.
Cảnh sát trưởng của Met Police, Sir Mark Rowley hoan nghênh thủ tục này của Bộ Nội vụ.
Ông cũng đã họp với đội cảnh sát vũ trang để hỗ trợ họ.
Một người tiền nhiệm của ông, nay đã nghỉ, Sir Peter Fahy cho rằng bản đánh giá công việc của đội đặc nhiệm vũ trang có phạm vi quá hẹp vì chỉ nhìn vào thủ tục nổ súng.
Theo ông, cần nhìn vào cả nhu cầu thu thập tin tức của các nhóm trinh sát, nhằm ngăn chặn nạn tội phạm dùng súng.
Ngoài ra là vấn đề tinh thần của các nhân viên cảnh sát, vì sao họ bất mãn với cách nhìn nhận công việc của họ từ phía Bộ Nội vụ, Sir Peter nói trên đài BBC.
Mặt khác, báo chí Anh nói việc dân chết vì súng của cảnh sát tăng lên.
Theo Ủy ban Thanh tra Cảnh sát Độc lập (IPCC), từ tháng Tư 2016 đến tháng Ba năm 2017, đã có sáu vụ cảnh sát nổ súng làm chết người tại Anh, tăng thêm ba vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số người chết trên đường rượt đuổi cũng tăng từ 11 lên 32, nhiều nhất từ 2009 đến 2017.