Trong hai ngày 25 và 26/09/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại đón tiếp lãnh đạo các quốc đảo ở miền nam Thái Bình Dương, tề tựu về Washington tham gia hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương lần thứ hai, đúng một năm sau thượng đỉnh đầu tiên, cũng được tổ chức tại thủ đô nước Mỹ.
Đăng ngày: 25/09/2023
Theo các thông báo chính thức, hội nghị dự kiến tập trung vào vấn đề đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhưng theo giới quan sát, một trong những mục tiêu quan trọng của Hoa Kỳ vẫn là tiếp tục “chiêu dụ” các quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, một số quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã tiết lộ rằng nhân thượng đỉnh lần này, tổng thống Biden sẽ công bố một lập trường quyết đoán hơn của Hoa Kỳ trong khu vực Nam Thái Bình Dương, kế hoạch tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong vùng và tăng cường hợp tác trên biển, đặc biệt là chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng xin giấu tên, đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc khi khẳng định rằng: “Sự quyết đoán và ảnh hưởng của Trung Quốc, kể cả trong khu vực (Thái Bình Dương) này, là nhân tố đòi hỏi chúng tôi phải duy trì trọng tâm chiến lược của mình”.
Khối nước mang tên Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương tập hợp 18 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm rải rác trên Thái Bình Dương, từ Úc, nước lớn nhất cho đến các quốc đảo nhỏ bé, với cư dân thưa thớt. 18 thành viên của Diễn Đàn bao gồm: Úc, Quần Đảo Cook, Micronesia, Fiji, Polynésie thuộc Pháp, Kiribati, Nauru, Nouvelle Calédonie, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Cộng Hòa Quần Đảo Marshall, Samoa, Quần Đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.
Nhà Trắng cho biết hầu hết các thành viên của diễn đàn gồm 18 thành viên đều cử lãnh đạo dân cử cao cấp nhất hoặc ngoại trưởng tới hội nghị thượng đỉnh, nhưng AFP ghi nhận sự vắng mặt của thủ tướng Quần Đảo Solomon, hiện có quan hệ rất chặt chẽ với Bắc Kinh, người đã từ chối lời mời tham dự thượng đỉnh của Mỹ mặc dù vào tuần trước, ông đã đến New York tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Hãng tin Anh Reuters cũng ghi nhận sự vắng mặt của thủ tướng Vanuatu Sato Kilman, vừa lên thay người tiền nhiệm Ishmael Kalsakau bị bỏ phiếu bất tín nhiệm vì nhiều vấn đề, trong đó có việc ký kết một hiệp ước an ninh với Úc, một đồng minh của Mỹ. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Vanuatu, và mới tháng 8 vừa qua, đã tiếp đón chuyên gia cảnh sát Trung Quốc đến làm việc, đồng thời ký kết một thỏa thuận cảnh sát với Bắc Kinh.
Theo các quan chức chính quyền, Hoa Kỳ sẽ loan báo việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần Đảo Cook và Niue, một lãnh thổ nhỏ bé với không đầy 2.000 cư dân. Washington cũng sẽ công bố hàng triệu đô la viện trợ cho lãnh vực cơ sở hạ tầng trong vùng.
Cuối cùng, theo AFP, Nhà Trắng dự định đề nghị các quốc đảo Thái Bình Dương hợp tác với “Bộ Tứ”, quy tụ Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản để tham gia giám sát hàng hải, đặc biệt là truy tìm các tàu đánh cá bất hợp pháp.