Mối quan hệ Nga-Trung luôn là chủ đề được giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu quan tâm. Giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều người đặt câu hỏi về tầm ảnh hưởng thực sự của mối quan hệ này. Báo Pháp Le Figaro, hôm 21/09/2023, đăng bài phỏng vấn ông Pierre Andrieu, nguyên đại sứ Pháp tại Tadjikistan và Moldova, nhận định về mối quan hệ Nga-Trung. RFI xin giới thiệu.
Đăng ngày: 27/09/2023
Quan hệ Nga-Trung, đặc biệt kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, đã làm tốn kém rất nhiều giấy mực. Ông nhận định như thế nào về mối quan hệ này ?
Pierre Andrieu : Quan hệ Nga-Trung thực sự đang là chủ đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Có nhiều yếu tố liên kết hai quốc gia này : đường biên giới chung dài – tạo thành hậu phương an toàn cho Trung Quốc vào thời điểm mà Bắc Kinh đang tập trung vào « mặt trận » Đài Loan, tầm quan trọng của trao đổi kinh tế khi Nga cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng cho Trung Quốc và đổi lại nhận được những sản phẩm có giá trị gia tăng. Sự đoàn kết về mặt ý thức hệ và chính trị giữa hai nhà lãnh đạo, họ đã gặp nhau khoảng 40 lần kể từ năm 2013, và giữa hai chế độ chuyên quyền, thống nhất về mối căm thù chung đối với Hoa Kỳ và các giá trị phương Tây. Những yếu tố này đã gia tăng mạnh mẽ kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina.
Nhưng mối quan hệ này hoàn toàn không phải là một liên minh tuân theo một thỏa thuận chính thức, đặc biệt hai nước không có nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau trong trường hợp bị xâm lược, giống như Điều 5 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trung Quốc không có ký ức tốt đẹp về hiệp định hữu nghị được ký kết giữa Stalin và Mao Trạch Đông vào năm 1950, hiệp định mà Liên Xô cung cấp sự hỗ trợ không nhỏ cho CHND Trung Hoa non trẻ, nhưng đổi lại thì có được những mối lợi kinh tế và chiến lược to lớn so với những gì Bắc Kinh được hưởng. Nước Trung Quốc yếu đuối vào thời điểm đó đã buộc phải liên kết với Liên Xô hùng mạnh. Thời đại đó đã trôi qua và thỏa thuận được ký vào năm 2001 không quy định bất kỳ điều gì tương tự như hiệp định ký vào năm 1950. Trên thực tế, mối quan hệ Nga-Trung ngày nay không phải là một liên minh chiến lược mà chỉ là một « trục hữu dụng » mà nhà nghiên cứu người Úc gốc Trung Quốc Bobo Lo đã từng đề cập đến. Cụm từ được sử dụng là « Quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược, trong thời đại mới », chỉ là « hữu danh vô thực ». Nhưng nó phản ánh một mối quan hệ linh hoạt để thích ứng với tình hình bất ổn của quan hệ quốc tế hiện nay, cho phép hình thành « các liên minh theo lựa chọn » đồng thời cho phép các bên tự do hành động.
Ông nói rằng mối quan hệ Nga-Trung luôn rất phức tạp.
Pierre Andrieu : Mối quan hệ Nga-Trung mang dấu ấn lịch sử biến động chủ yếu được thể hiện qua các cuộc sáp nhập lãnh thổ (Nga sáp nhập gần 2 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) sau khi các cường quốc phương Tây và Nga áp đặt với đế chế nhà Thanh đang hấp hối những « hiệp ước bất bình đẳng ». Do đó, mối quan hệ này bị chi phối bởi một sự ngờ vực rất lớn. Chính phủ Liên Xô, trong khi muốn thúc đẩy cách mạng Trung Quốc từ năm 1920 đến năm 1940, luôn có thái độ mập mờ đối với đảng Cộng Sản của Mao và những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc Dân đảng, qua việc khuyến khích thành lập một mặt trận thống nhất chống Nhật Bản. Đồng thời, mặc dù tố cáo những « hiệp ước bất bình đẳng » này, song Matxcơva chưa bao giờ trả lại các vùng lãnh thổ đã sáp nhập cho Trung Quốc. Do đó, nội tại quan hệ giữa hai nước hàm chứa ngờ vực và mập mờ.
Phải chăng Bắc Kinh vẫn muốn lấy lại một số thành phố của Nga mà họ coi là của Trung Quốc như Vladivostok hay Khabarovsk, những thành phố mà họ cũng đã đặt tên tiếng Trung trong một chỉ thị hành chính ?
Pierre Andrieu : Các thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Trung Quốc về phân định lãnh thổ, sau cái chết của Mao, người đã tố cáo các « hiệp ước bất bình đẳng », đã phê chuẩn việc Nga sáp nhập các thành phố đó. Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm, vốn thực dụng và ưu tiên phát triển kinh tế, đã đặt vấn đề lãnh thổ xuống hàng « thứ yếu », nhưng cũng không loại trừ khả năng đưa vấn đề này trở lại bàn đàm phán khi thời cơ đến. Tập Cận Bình, đang bận tâm với « mặt trận phía Nam », quá cần đồng minh Nga vào thời điểm này, nhưng Bắc Kinh vẫn « nhắc khéo » Matxcơva để chứng tỏ rằng Trung Quốc không quên những vụ chiếm đoạt lịch sử này. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh xuất bản các bản đồ hoặc tài liệu hành chính mà các thị trấn và vùng biên giới của Nga được viết cả bằng tên gốc tiếng Trung (Vladivostok/Hải Tham Uy – Haishenwai).
Ông đề cập đến khuynh hướng ngả sang châu Á của Putin về mặt tư tưởng và kinh tế. Nhưng sự chuyển hướng sang châu Á này của Nga liệu có phải là một bước ngoặt mặc định, qua việc xác định vị trí của mình so với phương Tây trong khi Matxcơva vừa ghen ghét vừa « ngưỡng mộ » phương Tây ?
Pierre Andrieu : Nước Nga trải dài trên hai châu lục và luôn hướng về cả châu Âu lẫn châu Á, giống như con đại bàng hai đầu hướng về phía Tây và phía Đông, như được thể hiện trên quốc huy mà Liên Bang Nga dùng từ thời đế quốc – và được lấy từ Byzantium. Ngay cả khi nền văn hóa và văn minh của Nga đậm chất châu Âu, xu hướng mở rộng về phía đông Siberia của Matxcơva vẫn không thay đổi. Điều này được thúc đẩy bởi sự thù địch của châu Âu đối với Putin và chính sách trừng phạt của phương Tây, đặc biệt kể từ khi Kremlin xâm lược Ukraina (bán đảo Crimée) vào năm 2014. Trung Quốc nhận thức được tình hình này và có xu hướng áp đặt ngày càng nhiều điều kiện đối với Nga.
Liệu Nga có thay đổi đường hướng và quay trở lại với phương Tây nếu Putin sụp đổ ?
Pierre Andrieu : Việc nước Nga – về mặt văn hóa là châu Âu – « trở lại » châu Âu dường như rất đáng khích lệ. Nhưng đây là « một chặng đường còn rất dài ở phía trước » và sự sụp đổ của Putin không nhất thiết đồng nghĩa với sự kết thúc của chủ nghĩa Putin. Những kẻ đầu sỏ chính trị, các cơ quan an ninh, các hệ tư tưởng theo chủ nghĩa dân tộc phát xít và Giáo hội Chính thống phản động vốn hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nghĩa Putin và nhiều khả năng vẫn sẽ nắm quyền lực và duy trì chế độ này.
Ông cho rằng Trung Á đã trở thành khu vực cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh can thiệp vào an ninh khu vực, thay vì chỉ quan tâm đến kinh tế. Điều này liệu có khiến mối quan hệ song phương leo thang căng thẳng không ?
Pierre Andrieu : Ảnh hưởng của Nga ở Trung Á và vùng Kavkaz tương đối suy yếu, đặc biệt kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, ngay cả khi Matxcơva vẫn còn những điểm tựa kiên cố ở đó. Ngôn ngữ và văn hóa Nga vẫn còn phổ biến. Do đó, Trung Quốc lựa chiều vừa bảo vệ lợi ích của mình vừa tôn trọng niềm tự hào của Nga ở « sân sau » vì lý do chiến thuật và nhận thức được tư tưởng chống Bắc Kinh ở khu vực này. Trung Quốc hiển nhiên đã lập ra các cơ sở quân sự ở Tadjikistan và Kyrgyzstan, các quốc gia giáp Afghanistan và Tân Cương, những khu vực rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh, và thậm chí còn tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở đó, nhưng những hành động này dường như đã luôn được Matxcơva bật đèn xanh. Hiện tại, những sáng kiến này dường như không khiến Kremlin cảm thấy khó chịu.
Chiến tranh Ukraina sẽ có tác động gì tới quan hệ Nga-Trung ? Rõ ràng, Trung Quốc đã rất bất ngờ trước màn trình diễn không mấy ấn tượng của quân đội Nga. Liệu điều này thúc đẩy việc Matxcơva trở thành « đối tác cấp dưới » của Bắc Kinh không ?
Pierre Andrieu : Trung Quốc rất ngạc nhiên trước những thất bại không nhỏ của quân đội Nga ở Ukraina. Bắc Kinh vốn có quan hệ kinh tế tốt với Ukraina và đã mất đi một đối tác quan trọng sau khi nước này bị Nga xâm lược. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không ngần ngại đứng về phía Matxcơva vì những lý do nêu trên. « Lằn ranh đỏ » đối với Trung Quốc là sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột, do vậy, Bắc Kinh đã đề xuất « kế hoạch hòa bình » của riêng mình, vốn chỉ là một văn bản không có những nội dung thực tế có khả năng giúp lập trường của các bên xích lại gần nhau hơn. Trung Quốc không muốn chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của Nga, điều này sẽ tước đi một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh, và cũng không muốn chứng kiến một chiến thắng áp đảo của Nga, bởi điều này sẽ củng cố vị thế của Matxcơva đối với Bắc Kinh. Một nước Nga suy yếu là điều mà Trung Quốc mong chờ.
Trung Quốc có cung cấp vũ khí quan trọng cho quân đội Nga không ?
Pierre Andrieu : Dường như Trung Quốc không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, mặc dù một số linh kiện vẫn được đưa tới Matxcơva từ Hồng Kông hoặc Thâm Quyến. Trung Quốc sợ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt thêm của Mỹ. Việc Bắc Kinh áp đặt hạn chế xuất khẩu drone từ ngày 01/09 đã cản trở rất nhiều nỗ lực chiến tranh của Nga.
Mọi người nói rất nhiều về liên minh giữa Nga và Trung Quốc trong khuôn khổ nhóm BRICS, nhưng họ có thực sự có chung tầm nhìn về giải pháp thay thế cho « trật tự quốc tế phương Tây » mà họ tuyên bố sẽ thiết lập không ?
Pierre Andrieu : Mong muốn của Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các nước trong BRICS, nơi mà tiếng nói của họ có trọng lượng, là biến đổi trật tự thế giới theo quan niệm của Bắc Kinh và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, trong khi Nga, dường như không còn có ảnh hưởng lớn trong một nhóm rất không đồng nhất, thì muốn biến BRICS thành một tổ chức chủ yếu chống NATO. Hai nước có quan điểm rất khác nhau.
Tuy nhiên, mọi người có cần lo sợ trục Trung-Nga không ? Liệu Bắc Kinh có quyết định cung cấp vũ khí cho Matxcơva không ?
Pierre Andrieu : Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và Nga thực sự là những đồng minh giả tạo. Họ có những suy nghĩ rất khác nhau. Nga sẽ không trở thành một đất nước theo Nho giáo ! Cả hai đều căm ghét phương Tây, nhưng Trung Quốc lại muốn giữ các thị trường của mình (ở phương Tây). Họ cần một hậu phương ít nhiều ổn định là Nga và lo sợ sự sụp đổ của Matxcơva vì Bắc Kinh không muốn thấy vô số các thực thể vệ tinh có vũ khí hạt nhân ở biên giới của mình. Do đó, Trung Quốc muốn giúp chế độ Nga « ngoi đầu khỏi mặt nước » và chỉ ở mức này thôi. Tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh ủng hộ chủ nghĩa cực đoan của Putin, sẵn sàng đưa thế giới đến bờ vực thảm họa vì vinh quang và bảo toàn quyền lực của mình. Nga là một quốc gia ảo tưởng, còn Trung Quốc thì thực dụng.