Thế giới sẽ ra sao nếu nhiên liệu hóa thạch biến mất?

Saigon Nhỏ

Thế giới không thể ngưng nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức (ảnh: John Paraskevas/Newsday via Getty Images)

Hầu như mỗi năm thế giới đều sản xuất ra số lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kinh ngạc, khoảng 36.5 tỷ thùng dầu thô và hơn 8 tỷ tấn than! Chỉ riêng Hoa Kỳ đã khai thác và tiêu thụ hơn 100 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.

Khi những nhiên liệu hóa thạch đó bị đốt cháy, chúng sẽ thải ra các khí làm nóng lên Trái đất. Than, dầu và khí đốt là lý do khiến Tháng Chín 2023 là tháng có nhiệt độ cao kỷ lục và thế giới có nguy cơ sẽ sớm vượt qua làn ranh đỏ 1.5 độ C (giới hạn cuối cùng của tăng nhiệt độ). Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn dầu, khí đốt và than đá không hề là việc dễ dàng, thậm chí không thể được!

Ngưng lập tức là… tự sát

Khi các nhà hoạt động vì khí hậu tuần hành, hô vang những ngôn từ chống đối hoặc biểu tình ngồi, họ thường kêu gọi hãy chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức từ bây giờ. Đầu tháng Tám tại Tuần lễ Khí hậu (Climate Week) ở New York, những người biểu tình còn đưa ra “tối hậu thư” với các nhà lãnh đạo thế giới “hãy chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức!”.

Họ gửi thư cho Tổng thống Biden, đề nghị ông cam kết loại bỏ nhanh hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Hoa Kỳ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres khi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, ông chỉ mời những quốc gia sẵn sàng cam kết “no new coal, oil and gas”.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới đột nhiên ngừng toàn bộ khai thác nhiên liệu hóa thạch? Và động thái này có ý nghĩa gì đối với những sản phẩm mà nhân loại đã phụ thuộc trong nhiều thế kỷ qua? Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý, việc ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch đột ngột (Hoa Kỳ, Ả-rập Saudi và mọi nhà sản xuất lớn khác cùng lúc đóng cửa các giếng dầu của họ) sẽ là một thảm họa. “Oh, dear God! – Samantha Gross, giám đốc sáng kiến khí hậu và an ninh năng lượng tại Viện Brookings nói – Thậm chí, lúc đó tôi còn không biết bắt đầu từ đâu!”.

Cuộc biểu tình chống nhiêu liệu hóa thạch tại Climate Ambition Summit ở New York City ngày 19 Tháng Chín 2023 (ảnh: Erik McGregor/LightRocket via Getty Images)

Nếu việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch bị ngừng vào ngày mai, mọi hoạt động trên thế giới sẽ nhanh chóng đình trệ. Vào thời điểm này, ngay cả ở những khu vực phần lớn nguồn điện đến từ năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu hóa thạch vẫn được sử dụng để cung cấp nguồn điện “cố định” và ổn định. Nếu không có nguồn điện đó, lưới điện sẽ bị mất điện trên diện rộng. Trong vòng vài tuần, việc thiếu xăng dầu (nhiên liệu chính được sử dụng cho vận tải đường bộ và vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới) sẽ làm đình trệ hoạt động vận chuyển lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.

Samantha Gross giải thích: “Ngay cả khi tôi có thể đi bộ đến cửa hàng tạp hóa thì lúc đó cũng sẽ không còn thức ăn! Các chính phủ sẽ phân bổ hạn chế các kho nhiên liệu hóa thạch còn lại. Nhưng những nguồn dự trữ đó cũng chẳng tồn tại được lâu”.

Kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Hoa Kỳ hiện chứa khoảng 347 triệu thùng dầu nhưng chỉ đủ dùng 17 ngày với mức độ sử dụng như hiện nay. Còn dùng cho thế giới chỉ 3 ngày rưỡi là hết.

Tất nhiên, việc loại bỏ nhiên liệu hoá thách đột ngột không phải là điều mà các nhà hoạt động thực sự yêu cầu. Kelly Trout, đồng giám đốc nghiên cứu tại Oil Change International lưu ý: “Mục tiêu đặt ra không phải là dừng toàn bộ hoạt động khai thác trên thế giới”. Nhiều nhóm đang tập trung vào việc ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí mới để không phá vỡ cột mốc 1.5 độ C.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency-IEA) khi lập mô hình chuyển đổi năng lượng theo hướng không phát thải carbon cũng nêu rõ: “ Chúng ta không mở các mỏ than mới hoặc phát triển các dự án dầu khí mới nhưng vẫn cần tiếp tục đầu tư vào các mỏ và dự án dầu khí hiện có hay đã được phê duyệt”, dẫn lại từ The Washington Post.

Olivier Bois von Kursk, nhà phân tích chính sách tại Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (International Institute for Sustainable Development) giải thích:

“Tính bình quân, các mỏ dầu và khí đốt mất khoảng 4% sản lượng mỗi năm. Con số này gần với mức giảm khoảng 3% mỗi năm mà IEA ước tính trong kịch bản cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể giữ lại các mỏ đang hoạt động”.

Một trong những giải pháp “đẹp” nhất là năng lượng gió. Nhưng muốn đạt được điều đó thì phải xây dựng một lượng lớn và nhanh chóng các “đồn điền gió”. Năng lượng mặt trời, pin cũng thế. IEA dự đoán thế giới sẽ phải tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trong 7 năm mới cắt giảm được 20% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia cũng sẽ cần thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng xe tải điện và phát triển hơn nữa các công nghệ mới như thu hồi carbon và hydro.

Cuộc biểu tình phản đối dự án khai thác mỏ dầu Rosebank tại London ngày 30 Tháng Chín 2023 (ảnh: Vuk Valcic/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Thực tế rất khác

Các giếng dầu và khí đốt mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới. Theo một báo cáo gần đây của Oil Change International, Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 kế hoạch mở rộng nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2050. Ngày 29 Tháng Chín, chính quyền Biden đã công bố kế hoạch cho phép thuê nhiều mỏ dầu khí ngoài khơi hơn ở vùng Vịnh Mexico trong năm năm tới đi kèm với các hợp đồng thuê mặt bằng gió ngoài khơi mới.

Các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu tiếp tục tranh luận về việc liệu các nước phát triển có nên ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch để làm gương không (những nước đã thải ra nhiều lượng khí thải carbon nhất cho đến nay) hoặc vẫn tiếp tục sản xuất để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch ổn định cho phần còn lại của thế giới. Khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, mức năng lượng tái tạo mới bổ sung phải bằng mức giảm nhiên liệu hóa thạch. Thấp hơn sẽ thiếu năng lượng.

“Nói dễ hơn làm”. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol (một trong những người đi tiên phong trong nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới vào năm 2050) cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây:

“Tôi lo lắng là nếu chuyển đổi quá nhanh sẽ khiến công nhân than, dầu và khí đốt thất nghiệp hàng loạt. Nỗi lo lớn nhất của tôi là: Những tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đối với một số bộ phận dân cư bị ảnh hưởng nặng nề là gì? Nếu quá trình chuyển đổi không được lên kế hoạch tốt và thực hiện bài bản, chắc chắn sẽ gặp phản ứng dữ dội và gây ra những tác động chính trị xấu.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment