Ủy Ban Châu Âu dự kiến hôm 03/10/2023 công bố danh sách các công nghệ quan trọng cần được giám sát và bảo vệ tốt hơn trước các quốc gia đối thủ, chẳng hạn Trung Quốc.
Đăng ngày: 03/10/2023
Theo AFP, danh sách các công nghệ quan trọng cần được Liên Âu giám sát và bảo vệ tốt hơn có thể bao gồm trí thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử hoặc chất bán dẫn. Danh sách chính thức sẽ được công bố vào chiều nay. Một cuộc họp báo theo dự kiến diễn ra vào 15h30, giờ châu Âu.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh trong tháng 09/2023, Liên Âu đã mở một cuộc điều tra vì nghi ngờ Bắc Kinh tài trợ cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, làm dấy lên căng thẳng với Trung Quốc. Về mặt chính thức, các phương thức kể trên không nhắm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế, vừa là đối tác vừa là đối thủ chiến lược của châu Âu, Trung Quốc đang bị nhắc đến nhiều.
Ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường nội địa, Thierry Breton, tuyên bố là Bruxelles « giữ lời hứa giảm thiểu các nguy cơ cho kinh tế châu Âu (…) Đây là một bước quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi » của Liên Âu. Ông Thierry Breton nói thêm : « Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các công nghệ quan trọng của mình, đánh giá nguy cơ rủi ro và nếu cần thì có biện pháp để bảo vệ các lợi ích chiến lược và an ninh của mình. Châu Âu thích nghi với thực tế địa chính trị mới, chấm dứt kỷ nguyên ngây thơ và giờ đây hành động như một cường quốc địa chính trị thực thụ ».
Để bảo đảm an ninh về các công nghệ then chốt, Liên Âu phải xác định nhiều kiểu biện pháp mà họ có thể dùng đến : thiết lập các quan hệ đối tác quốc tế, hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghệ then chốt của châu Âu, áp dụng các công cụ đáp trả mới như các kiểm soát xuất khẩu hoặc kiểm soát đầu tư, phong tỏa khả năng tiếp cận thị trường công của khối, chặn cấp phép đưa vào thị trường Liên Âu một số sản phẩm nước ngoài…
Cũng vào chiều nay, theo dự kiến, Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis điều trần trước Nghị Viện Châu Âu về quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Liên Âu với Trung Quốc năm 2022 lên tới gần 400 tỷ euro.