Pháp quyết định cung cấp thiết bị quân sự cho Armenia

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã đến thủ đô Armenia vào hôm qua, 03/10/2023 nhằm thể hiện hậu thuẫn của Paris đối với Erevan trong lãnh vực nhân đạo sau cuộc di tản của 100.000 người từ vùng Thượng Karabakh chạy sang Armenia. Nhân dịp này, lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp cũng loan báo một thỏa thuận theo đó Pháp đồng ý chuyển giao thiết bị quân sự cho Armenia để nước này có thể “đảm bảo khả năng phòng thủ của mình”.

Đăng ngày: 04/10/2023

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (T) và đồng nhiệm Armenia Ararat Mirzoyan tại Erevan, ngày 03/10/2023.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (T) và đồng nhiệm Armenia Ararat Mirzoyan tại Erevan, ngày 03/10/2023. via REUTERS – PHOTOLURE

Trọng Nghĩa

Từ nhiều tháng nay, chính quyền Erevan đã yêu cầu được giúp đỡ về mặt quân sự. Vào lúc mối lo ngại về một cuộc tấn công mới của Azerbaijan đang gia tăng, ngoại trưởng Colonna cho biết là nước Pháp luôn “cảnh giác về sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia”.

Ngoại trưởng Pháp không nêu rõ thiết bị nào sẽ được cung cấp, nhưng khẳng định rằng Paris sẽ hành động “trong lĩnh vực này với tinh thần trách nhiệm của cả hai bên và không có bất kỳ ý hướng leo thang nào”.

Ngay từ năm ngoái, khi xung đột tiếp tục tái diễn ở vùng biên giới với Azerbaijan, một phái đoàn của bộ Quân Lực Pháp đã đến thăm Armenia với mục tiêu được loan báo vào lúc đó là đánh giá tình hình tại chỗ và thảo luận về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Lần này, vào lúc mà rất ít người tin rằng Azerbaijan sẽ hài lòng với việc chiếm lại được vùng Thượng Karabakh, Armenia đang cần được bảo đảm an ninh hơn bao giờ hết.

Trong thời gian gần đây, nước này liên tục than phiền về tính chất vô hiệu quả của liên minh quốc phòng mà họ đã hình thành với Nga, vốn đã giữ thái độ bất động trong các cuộc tấn công trước đó.

Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng khiến Armenia thất vọng. Vì một số thành viên tránh làm phật ý Azerbaijan để bảo đảm nguồn cung ứng khí đốt của họ, Bruxelles đã từ chối không cho Armenia được hưởng lợi từ Quỹ Hỗ Trợ Hòa Bình Châu Âu FEP, một cơ chế của Liên Âu mà các nước như Ukraina, Moldova và Gruzia đang được hưởng.

Trong bối cảnh đó, Paris đã kêu gọi các đối tác châu Âu cho phép Erevan được hưởng lợi từ Quỹ FEP để nâng cao năng lực quốc phòng.

Theo bà Colonna, Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên cũng cần tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào chống lại Armenia đều sẽ dẫn đến “một phản ứng mạnh mẽ”.

Ngoại trưởng Pháp cũng cho biết là “đang nghiên cứu một giải pháp về sự hiện diện quốc tế lâu dài ở vùng Thượng Karabakh”.

Armenia gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế

Cũng liên quan đến Armenia, Quốc Hội nước này vào hôm qua 03/10/2023 đã phê chuẩn Quy Chế Roma về việc thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, một quyết định đặt nước này dưới thẩm quyền của tòa án tại La Haye, Hà Lan.

Theo một phát ngôn viên của Quốc Hội Armenia, đã có 60 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn Quy Chế Roma, và thông qua tuyên bố công nhận thẩm quyền hồi tố của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. 22 nghị sĩ đã bỏ phiếu chống.

Quyết định gia nhập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của Armenia dĩ nhiên đã bị Nga phản đối. Matxcơva vào hôm qua cho rằng Armenia đã không đóng vai trò là đối tác khi quyết định tuân theo thẩm quyền của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga coi Armenia là đồng minh, nhưng phải đặt ra những câu hỏi về giới lãnh đạo Armenia sau vụ này.

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin, bị cáo buộc trục xuất hàng trăm trẻ em khỏi Ukraina, điều mà điện Kremlin phủ nhận. Tư cách thành viên của Armenia có nghĩa là nước này sẽ có nghĩa vụ bắt giữ TT Putin nếu ông đến đó.

Armenia bảo đảm rằng quyết định này không nhắm vào Nga mà vào Azerbaijan, quốc gia bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong bối cảnh xung đột lãnh thổ kéo dài ở vùng Thượng Karabakh. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment