AFP dẫn các nguồn thạo tin ngày 02/10/2023 cho biết, Ukraina đã ký với nhiều tập đoàn công nghiệp Pháp một loạt hợp đồng cung cấp vũ khí nhân diễn đàn công nghiệp quốc phòng được tổ chức tại Kiev trong tuần qua. Đã có 15 hợp đồng được ký, phần lớn là những thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraina.
Đăng ngày: 03/10/2023
Theo nguồn tin bộ Quân Lực Pháp, tập đoàn Nexter, đại diện Pháp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp-Đức (KNDS) sẽ cung cấp thêm 6 đại bác loại Caesar (loại pháo cơ động 155 ly tầm bắn 40 km), ngoài 30 khẩu Caesar đã được giao và 19 khẩu khác đã chuyển từ Đan Mạch cho Ukraina.
Để đáp ứng nhu cầu, công ty Nexter đã phải tăng tốc sản xuất khẩu pháo Caesar, rút ngắn thời gian sản xuất từ 3 năm xuống 18 tháng, tăng sản lượng mỗi tháng từ 2 lên 6 khẩu.
Nexter đã ký hợp đồng với một công ty của Ukraina trong việc bảo trì pháo Caesar và xe bọc thép AMX-10, cũng như chế tạo tại chỗ một số phụ tùng. Bên cạnh đó còn có hợp đồng lắp đặt vũ khí trên các loại xe quân sự của Ukraina.
Công ty Pháp CEFA cũng ký hợp đồng cung cấp 8 robot rà phá mìn và 8 hệ thống xà lan cơ động để chuyên chở các chiến xa hạng nặng qua sông hồ. Các hệ thống này có thể dùng để lắp ráp thành cầu phao khi cần thiết.
Trước đó, hồi mùa hè công ty Delair đã ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Ukraina 150 drone trinh sát và lần này công ty nhận thêm đơn hàng 150 chiếc khác. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác của Pháp như Thales, Turgis & Gaillard cũng đã ký thỏa thuận với nhiều hãng Ukraina để cùng chế tạo các drone.
Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu hôm 28/09 đã đến thăm Kiev và dự diễn đàn của các nhà công nghiệp quốc phòng, lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Ukraina. Tháp tùng ông có khoảng hai chục đại diện các hãng công nghiệp Pháp. Mục đích chuyến đi là thảo luận phương thức hỗ trợ quân sự của Pháp cho Ukraina trong tương lai. Tổng số có 15 hợp đồng của các hãng công nghiệp pháp, một thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) đã được ký với phía Ukraina, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quân Lực Pháp.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin liên quan đến cách thức chi phí cho các hợp đồng nói trên.
Trên RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc phân tích về chủ trương của Paris hỗ trợ Kiev sản xuất vũ khí tại chỗ :
« Tôi cho rằng chiến lược này đáp ứng viễn cảnh một cuộc chiến tranh lâu dài mà Ukraina và các nước châu Âu đang đối mặt. Các nước xây dựng chủ trương hậu cần để giúp thúc đẩy cung cấp các khí tài phù hợp cho quân đội Ukraina. Chiến lược mang tính sống còn cho Ukraina và các nước châu Âu. Cần phải tăng năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự. Trước tiên là để rút ngắn đường vận chuyển bằng cách sản xuất tại Ukraina, đồng thời cũng là để hỗ trợ hiệu quả hơn cho Ukraina. Trái lại có điểm khá nhạy cảm là các điểm sản xuất sắp được đặt tại Ukraina có thể trở thành mục tiêu của các tên lửa Nga. Vì thế mà tổng thống Zelensky đã đề nghị nỗ lực đặc biệt vào hệ thống phòng không. »