Bắc Kinh tìm cách can thiệp bầu cử Đài Loan

October 5, 2023

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức

Trung Quốc có thể sử dụng áp lực quân sự, ép buộc kinh tế hoặc tin giả để tạo ra sự lựa chọn sai lầm giữa “chiến tranh hay hòa bình” trong cuộc bầu cử, nhằm khiến cử tri sợ hãi.

Trung Quốc tung nhiều chiêu thức “đa dạng” để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan vào tháng 1 sang năm, từ áp lực quân sự đến phát tán tin tức giả, bao gồm cả việc thao túng các cuộc thăm dò dư luận, một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan cho biết ngày 4/10.

Trước cuộc bầu cử, Đài Loan thường xuyên cảnh báo nguy cơ bị Bắc Kinh can thiệp, nói rằng Trung Quốc tìm cách tác động có lợi cho các ứng cử viên có thể có thiện cảm hơn với Trung Quốc.

“Cách Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào bầu cử rất đa dạng”, Tổng Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan Tsai Ming-yen nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp ủy ban quốc hội.

Ông Tsai nói Trung Quốc có thể sử dụng áp lực quân sự, ép buộc kinh tế hoặc tin giả để tạo ra sự lựa chọn sai lầm giữa “chiến tranh hay hòa bình” trong cuộc bầu cử, nhằm khiến cử tri sợ hãi.

“Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc Cộng sản Trung Quốc hợp tác với các công ty thăm dò dư luận và các công ty quan hệ công chúng về khả năng thao túng các cuộc thăm dò dư luận và sử dụng chúng để can thiệp vào cuộc bầu cử”, ông nói thêm nhưng không nêu tên bất cứ công ty nào.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền, đảng ủng hộ bản sắc tách biệt của hòn đảo với Trung Quốc, là ứng cử viên được yêu thích làm tổng thống tiếp theo.

Trung Quốc coi Lại và đảng của ông là những kẻ ly khai và đã nhiều lần từ chối lời đề nghị đàm phán của họ. Ông Lại nói rằng ông không tìm cách thay đổi hiện trạng trên Eo biển Đài Loan mà chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.

Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan kể từ cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2020, đồng thời thường xuyên điều tàu chiến và máy bay chiến đấu tới các vùng biển và vùng trời gần hòn đảo này.

Tsai cho biết các cuộc tập trận gần đây nhất của Trung Quốc gần Đài Loan, bắt đầu vào tháng trước và được Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan mô tả là “bất thường”, gần như giống với các cuộc tập trận những năm trước về trọng tâm, chẳng hạn như các cuộc tập trận đổ bộ.

Tuy nhiên, lần này có nhiều máy bay và tàu tham gia hơn và Lực lượng Phi đạn của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLARF), lực lượng giám sát các phi đạn hạt nhân và phi đạn truyền thống của Trung Quốc, cũng tham gia nhiều cuộc tập trận hơn.

Vẫn theo lời ông, điều đó có thể liên quan đến việc Tập Cận Bình đang tìm cách kiểm soát PLARF, một nhánh của quân đội Trung Quốc đang bị chú ý sau khi hai lãnh đạo cấp cao nhất của lực lượng này bất ngờ bị thay thế vào cuối tháng 7 bằng các chỉ huy bên ngoài.

Bài Liên Quan

Leave a Comment