- Tác giả,Bảo Vũ, cựu ký giả BBC Tiếng Việt
- Vai trò,Gửi tới BBC từ Melbourne, Australia
Hôm 27/9/2023 cảnh sát Pháp đã chặn một xe tải chở sáu phụ nữ, trong đó có 4 người Việt và 2 người Iraq, nghi là người nhập cư bất hợp pháp trên một đường cao tốc ở Pháp.
Đây không phải là một cuộc chặn bắt tình cờ và chính vì nó có những yếu tố ly kỳ khiến tin tức về vụ việc này ngay lập tức được truyền đi khắp thế giới và được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cũng như địa phương loan tải rộng rãi.
Lý do chính giúp cơ quan hữu trách Pháp thực hiện được vụ chặn bắt phát xuất từ BBC tiếng Việt ở Luân Đôn, Anh Quốc, chính xác là từ chị Bình Khuê, một nhân viên thuộc ban này.
Bình Khuê mô tả rất sinh động về nỗ lực giải cứu, được thực hiện ngay sau khi chị nhận được tin nhắn trên màn hình: “Chị ơi, có mấy bạn vượt biên đi từ Pháp sang Anh, đang trong xe thùng đông lạnh” và ngay sau đó là cú điện thoại trong đó người gọi hốt hoảng cầu cứu: “Chị ơi, có phải là chị ở châu Âu không? Chị giúp với. Gấp quá rồi”.
Tuy vậy kết thúc có hậu đã xảy ra và tất cả 6 người được cứu. Kết thúc này khác hẳn sự việc bi thảm xảy ra hôm 23/10/2019 khi 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh.
Câu nói “Chị giúp với. Gấp quá rồi” và “Lạnh lắm, nó [máy làm lạnh] cứ xả” của cô gái hôm 27/9/2023 có gì đó tương tự với lời nhắn bốn năm trước đấy của cô gái ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trước giờ chết: “Con chết vì không thở được. Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi con xin lỗi bố mẹ nhiều. Mẹ ơi con thương bố mẹ nhiều. Mẹ ơi.”
Khi đọc thông tin về việc này, một trong những câu hỏi đầu tiên chợt nảy sinh trong đầu tôi: tại sao những người hoảng loạn và đang bên bờ vực sinh tử lần này không gọi đến những nơi khác, chẳng hạn như, nếu không gọi được người thân quen thì gọi cho cảnh sát sở tại hoặc đại sứ quán hay lãnh sự quán của Việt Nam ở hai nước này, mà lại chọn BBC ban tiếng Việt?
Cứ tạm coi như họ không có người thân quen hoặc không gọi cho cảnh sát sở tại vì trở ngại ngôn ngữ. Nếu họ gọi cho cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Pháp hay Anh thì sao? Thì nhân viên của các cơ quan này của Việt Nam hẳn sẽ ngay lập tức thông báo cho các cơ quan hữu trách của Pháp, Anh để nhờ hỗ trợ vì theo trang web của Văn phòng Chính phủ, cơ sở và giới chức ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ “… bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài …” (trang web của Văn phòng Chính phủ Việt Nam về “Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao”).
Vậy tại sao những người này lại gọi cho BBC, cơ quan truyền thông có nhiều lúc không được lòng chính quyền Việt Nam?
“Đài phản động hàng đầu”
Tờ Quân đội Nhân dân hôm 27/6/2022 đăng bài viết có nhan đề “Đừng nhân danh tự do để vi phạm tự do một cách trắng trợn” trong đó có đoạn:
“Từ lâu, một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhất là các trang tiếng Việt của những “ông lớn” như VOA, RFA, RFI, BBC… luôn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm một cách trắng trợn hoặc tinh vi, bóp méo sự thật khiến thông tin bị sai lệch, gây phương hại đến sự phát triển của quốc gia khác, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ quốc tế.”
Hôm 3/10/23, dưới tiêu đề “Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chống phá đòi “Tự do báo chí” Trang Thông tin Điện tử Công an tỉnh Sơn La viết:
“Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như: BBC, RFI, RFA, VOA… và các hội nhóm, các cá nhân phản động trên YouTube, Facebook mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. Với sự cổ súy, giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam…”
Nếu để ý, người đọc sẽ thấy BBC thường được ‘ưu ái’ xếp trong danh sách các đài phản động hàng đầu và nhiều khi phải chịu những lời công kích rất mạnh mẽ.
Nếu chịu khó tìm hiểu, độc giả cũng sẽ thấy không chỉ Việt Nam, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, BBC cũng thường bị nhà cầm quyền nước này ưu tiên ‘chiếu cố’. Về phần mình, BBC (tất cả các ban, từ tiếng Anh tới tiếng nước ngoài) đều hãnh diện là công việc truyền thông của mình dựa trên bốn trụ cột chính: chính xác, trung lập, độc lập, công bằng.
Cách nay gần 30 năm, ngày tôi mới vào BBC ban Việt Ngữ, trên chuyến taxi từ phi trường Heathrow về trụ sở của ban Thế Giới Vụ BBC, khi hai chúng tôi, bà Judy Stowe, trưởng ban Việt Ngữ, người đón tôi từ sân bay và tôi, nói chuyện với nhau về vụ lùm xùm vừa mới xảy ra có liên quan tới một đài ở Úc: đài này loan tin Nữ hoàng Anh Quốc Elizabeth II vừa từ trần. Sở dĩ có tin ‘dỏm’ như vậy là vì một phát thanh viên hôm đó nhận được tin từ một người quen ở Anh nói Nữ hoàng vừa qua đời.
Bà Judy cười rất ‘sảng khoái’ và nói, “Rồi anh sẽ thấy chuyện này không bao giờ có thể xảy ra ở BBC.”
Tôi bán tín bán nghi nói đây là lỗi lầm do con người (human error) và vì vậy nó có thể xảy ra ở một thời điểm nào đó hoặc bất cứ đâu hay với bất cứ ai chứ?
Bà trả lời tôi đại ý BBC đã thiết lập những cơ chế để các lỗi lầm như vậy không xảy ra được. Bài học đầu tiên tôi học được khi vừa đặt chân tới Anh Quốc: tính chính xác.
Sự việc gần đây là bài học tôi học được cho thấy tính ‘độc lập’ của phóng viên nước ngoài là khi tôi xem trực tiếp cuộc họp báo được truyền hình ở thủ đô Hà Nội hôm 10/9/23.
Ngay sau họp báo khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mang kẹp hồ sơ vào sau hậu trường, tiếng nói của nhiều phóng viên ồn ào “đuổi theo” ông để cố hỏi, nhưng ông không trả lời. Tôi nghe rõ câu cuối cùng là tiếng của một nữ phóng viên, giọng Mỹ, hỏi: “Ông có lo lắng về việc con trai ông bị truy tố không, thưa Tổng thống” (Are you worried about your son’s indictment, Mr President?)
Tôi không bàn những vấn đề khác về câu hỏi này. Tôi chỉ muốn nói là nếu người phóng viên này không được độc lập với vị tổng thống thì liệu cô có dám hỏi câu này hay không? Hẳn nhiều người sẽ rất ái ngại cho số phận của người hỏi nếu cả cô phóng viên lẫn vị tổng thống là người đồng hương thuộc một quốc gia thiếu cả tự do lẫn độc lập.
Tại BBC, trong quá trình làm việc và quan sát, ngoài ‘chính xác’, ‘trung lập’, ‘độc lập’ và ‘công bằng’ tôi còn học thêm được rất nhiều bài học khác.
Chính xác – Trung lập – Độc lập – Công bằng
Trong chuyến công tác trong cương vị phóng viên BBC tại Philippines hồi đầu năm 1996, sáng sớm hôm 14/2/1996 (nếu tôi nhớ không lầm) tôi đã có mặt ở gần phi trường Palawan, nơi chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa sẽ diễn ra cuộc hồi hương đầu tiên và duy nhất người tỵ nạn Việt Nam ở trại Palawan để về Việt Nam.
Khi tôi ‘đột ngột’ xuất hiện từ cánh đồng cỏ mênh mông (sau khi đã leo qua được hàng rào kẽm gai bao bọc phi trường và từng chút một tiến tới phi trường qua đám cỏ cao vút bằng các động tác khi đứng khi khom người sát đám cỏ để tránh bị phát hiện, thỉnh thoảng lại dừng lại để chụp ảnh ghi nhận) thì một cảnh tượng rất rõ nét có một không hai diễn ra: trước mắt tôi một đám rất đông người đang ùa ra để tìm cách tiến tới phi đạo hầu ‘giải cứu’ những người tỵ nạn bị bắt nhốt trước đó có lẽ cả tuần lễ và đang bị đưa lên máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đậu trên phi đạo.
Các nhóm quân nhân Philippines, có nhóm dàn hàng ngang, có nhóm đang rượt đuổi đánh người tỵ nạn để ngăn chặn họ tiến ra phi đạo. Vòi rồng vẫn đang quét rất dữ dội và quyết liệt lên đầu, lên thân những người Việt này.
Trong tình cảnh hỗn loạn là tiếng hô hoán, gào thét, chửi thề, la khóc vang trời của người Việt xen lẫn hò hét, chửi thề, ra lệnh bằng tiếng Anh và tiếng Tagalog (tôi đoán) của các quân nhân Philippines.
Sau khi thu thập một số dữ kiện và chụp hình, phỏng vấn… tôi chạy ‘vắt giò lên cổ’ ra hướng phi trường.
Từ chỗ đang ‘giao tranh’ gần trại tỵ nạn tới phi đạo khoảng cách có lẽ độ chừng hai cây số. Khi đã đặt chân lên phi đạo, tôi chạy ngay ra chỗ máy bay và trên đường đi thấy một số quân nhân Philippines đang đứng.
Lúc này tôi đã chạy lướt qua mặt những người này khoảng chục mét nhưng điều khiến tôi khựng lại là vì nghe thấy một tiếng nói có vẻ uy quyền, “Bằng mọi giá các anh phải đẩy trở lui tất cả những người đó” (push them back at any price).
Tò mò, tôi chạy ngược trở lại để xem người nói là ai. Tôi thấy người đó đang chỉ tay về phía vòi rồng xịt ở đàng xa. Nhìn lên cổ (ngực?) áo tôi thấy gắn 2 (3?) sao (Thiếu Tướng, Trung Tướng?). Tôi biết ngay đã gặp ‘trúng mối’. Được biết đó là tướng tư lệnh quân khu miền Tây Philippines, WestCom.
Tôi làm cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay tại chỗ. “Thưa ông, đây là chuyến hồi hương tự nguyện hay cưỡng bức?” Vị tướng trả lời ngay: “Tự nguyện. Hoàn toàn tự nguyện.” Ông nói tiếp: “Những người này đang muốn về Việt Nam” (tay ông chỉ về phía những người tỵ nạn đang bị đưa lên máy bay.
Họ đi giữa hai hàng lính Philippines đứng sát nhau. Ngoài ra còn có những người Việt bị ít nhất hai người Philippines kèm sát hoặc nắm chặt tay).
Ông tướng cho biết tiếp: “Còn có những người đang tìm cách ngăn chặn không cho người ta về Việt Nam. Họ kia kìa (tay ông chỉ về phía xa xa nơi người tỵ nạn đang ‘giao tranh’ với các quân nhân Philippines)”.
Sau đó, tôi gởi bài về Luân Đôn trong đó có nguyên văn lời “chuyến hồi hương hoàn toàn tự nguyện” của vị tướng và kèm theo đó là phần nhận định ngắn của tôi, đại để mặc dù vị tư lệnh quân khu miền Tây tuyên bố như vậy nhưng qua những gì tôi tận mắt chứng kiến trên phi đạo của phi trường Palawan hôm nay thì đây là một vụ cưỡng bách hồi hương.
Tôi ý thức rất rõ mình có thể gặp rắc rối với chính quyền vì lúc đó tôi đang đứng trên đất của họ và lại ‘dám’ nói ngược với vị đứng đầu cả một quân khu. Trong vụ này, tôi đã học được ít nhất hai điều: ‘trung lập, độc lập’ nếu không phải cả 4 điều (‘chính xác và công bằng’).
“Tối qua BBC nói gì?”
Nhân nói về BBC, cách nay khoảng hơn 30 năm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách, một cựu nhân viên ban Việt Ngữ BBC, viết một bài bằng tiếng Anh tựa đề (tôi không nhớ thật chính xác): What did BBC say last night? (Tối qua BBC nói gì?)
Trong số nhiều điều được đề cập trong bài, có một điều đáng để ý, đặc biệt cho các thế hệ sau này: ông Phách cho biết trong thời gian sau 1975 thường thì người dân miền Nam (Việt Nam?) đều cố gắng nghe BBC để mong biết tin tức bên ngoài. Vì thế nhiều người cố gắng ở tại nhà mình, hoặc nhà người nào đó, có radio bắt được đài BBC để vào đúng giờ phát thanh đón nghe một cách lén lút các chương trình phát từ Luân Đôn về Việt Nam.
Điều đó, theo ông Phách, đã trở thành thông lệ. Người dân khao khát thông tin đến nỗi nếu vì lý do gì đấy họ không nghe được chương trình tối hôm đó thì câu người này hỏi người kia vào ngày hôm sau thường sẽ là “tối qua BBC nói gì?”.
Như vậy, theo Giáo sư Phách, BBC ban Viêt Ngữ (cùng với VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ), RFI (Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp)… đã một thời được người dân coi là cửa sổ duy nhất để họ nhìn ra thế giới và biết được tình hình bên ngoài diễn tiến ra sao.
Người nằm trong số nhân vật nhiều quyền lực nhất thế giới cũng có lúc nhờ BBC
Quay trở lại việc các ’thùng nhân’ ở Pháp liên lạc với BBC tiếng Việt: nào chỉ những con người khốn khổ này, có thể nói ở nấc đáy cùng xã hội, mới liên hệ BBC để cầu cứu trong giờ phút cận kề cái chết?
Trong số những người nhờ BBC còn có một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới: Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Cách nay hơn 30 năm, khi cuộc đảo chính bùng nổ, bắt đầu hôm 19/8/1991, ông Gorbachov bị giam ở một dacha (nhà nghỉ mát) trong suốt 3 ngày sau đó bên bờ Biển Đen. Lúc đấy ông tưởng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài khi đường dây điện thoại và điện bị cắt, ông cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên khi vừa trở về lại thủ đô Moscow và sau này trong cuốn hồi ký.
Trong giờ phút sinh tử đó, sinh tử cho chính bản thân lẫn sự nghiệp chính trị, may mắn cho ông là nhờ nhóm cận vệ trung thành đã có thể lắp đặt một thiết bị ăng ten để thu các chương trình phát thanh nước ngoài, nên ông biết được tinh hình bên ngoài.
Trong suốt những ngày lịch sử đó, Gorbachev đã nghe các đài BBC, Đài phát thanh Tự do (Radio Liberty) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Ông phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi về lại thủ đô Moscow: “BBC nghe hay nhất” (“The BBC sounded the best”).
Tại sao lại ‘cầu cứu’ BBC?
Quay trở lại với Bình Khuê, chị nói trong cuộc phỏng vấn sau đó bằng tiếng Anh dành cho BBC Anh ngữ:
“Họ (những phụ nữ trong thùng xe đông lạnh) nghĩ tôi là người duy nhất có thể giúp họ vào thời điểm đó và họ không biết trông cậy vào ai.” Khi người phỏng vấn nói hẳn là bạn cảm thấy có tinh thần trách nhiệm to lớn vì bạn có quyền lực có thể cứu mạng họ, Bình Khuê nói: “Không. Tôi nghĩ tôi chẳng có quyền lực gì cả. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình.”
Có lẽ chị đã phát biểu thay cho nhiều người đã và đang làm việc tại BBC, dù là ban tiếng nước nào chăng nữa. Vì nếu cùng cất một tiếng nói tập thể, họ cũng sẽ phát biểu: ”Chúng tôi chẳng có quyền lực gì cả.”
Tuy nhiên, sở dĩ tiếng nói của mọi người làm truyền thông chân chính, không chỉ BBC mà thôi, có được sức mạnh và được lắng nghe, được khao khát chờ đợi trong những giờ phút sinh tử, từ các ‘thùng nhân’ khốn khổ năm 2023 tới người lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1991 hoặc những người dân bình thường ở Việt Nam sau năm 1975, là nhờ tiếng nói đó có được những yếu tố: chính xác, trung lập, độc lập và công bằng.
Có lẽ đó là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao lại cầu cứu BBC trong giờ phút thập tử nhất sinh?
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Bảo Vũ, cựu ký giả làm việc tại BBC Ban Tiếng Việt từ 1994 đến 1996. Hiện ông sống tại Melbourne, Australia.