Quân đội Nga sẽ lập căn cứ hải quân ở Abkhazie, một vùng ly khai thân Nga ở Gruzia. Thông tin được một lãnh đạo vùng này thông báo hôm 05/10/2023, xác nhận « cuộc hành hương quân sự » của Hạm Đội Biển Đen, mà một số báo Mỹ, cũng như cơ quan truyền thông độc lập Nga The Bell đưa tin trước đó.
Đăng ngày: 06/10/2023
Tầu chiến Nga rút khỏi Sebastopol : « Nỗi nhục lớn » đối với Putin
Đối với một số nhà phân tích, cuộc « trốn chạy » này là một « nỗi sỉ nhục lớn » đối với tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyên gia Ruth Deyermond, trường King’s College tại Luân Đôn, nhận định trên mạng X (tiền thân là Twitter) : « Việc duy trì căn cứ chính ở Crimée cho Hạm Đội Biển Đen là một mục tiêu – hoặc có thể là mục tiêu chính – của Nga tại Ukraina từ năm 1991 đến năm 2014 ». Đây là lý do chiến lược để nguyên thủ Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 nhằm khống chế biển Azov và kiểm soát hoàn toàn Biển Đen.
Cảng Sebastopol trở thành căn cứ chính của Hạm Đội Biển Đen với đội tầu hùng hậu. Rời hải cảng đầy tính biểu tượng này để đến một số cảng được cho là an toàn hơn vẫn trên bán đảo Crimée (cảng Feodossia) hoặc xa hơn ở vùng Biển Đen (cảng Novorssisk, phía nam Nga hoặc Abkhazie (Gruzia) là lời thú nhận bất lực trước các cuộc tấn công không ngừng của Ukraina từ nhiều tháng qua.
Đối với Kiev, đây là một thắng lợi « phi thường », theo nhà nghiên cứu Ruth Deyermond, vì một nước không có lực lượng hải quân hùng hậu như Ukraina « đã đuổi được một phần lớn Hạm Đội Biển Đen » và buộc một cường quốc quân sự như Nga phải « chuyển sang thế thủ », theo nhận định của nhật báo Mỹ Wall Street Journal hôm 20/09, đồng thời « vô hiệu hóa các chiến dịch tầu đổ bộ », theo ghi nhận của tuần báo Newsweek.
Thực vậy, từ đầu tháng 08/2023, hải quân Nga không ngừng hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng trên bán đảo Crimée : chiến hạm Olenegorsky Gornyak của Nga bị hư hại nặng sau vụ tấn công bằng xuồng không người lái ngày 04/08 ; vụ tấn công xưởng đóng tầu tại Sebastopol bằng tên lửa Storm Shadow ngày 13/09 đã làm hư hại tầu đổ bộ Minsk lớp Robucha và tầu ngầm Rostov na Donou lớp Kilo đang được tu sửa. Không chỉ gây gián đoạn cho hoạt động bảo trì tầu chiến mà Nga cần, quân đội Ukraina còn khiến các kế hoạch tấn công của Nga bị bế tắc.
Nga lo mất bán đảo Crimée ?
Ngoài ra, tuần báo Newsweek cũng lưu ý đến việc Nga đặt « răng rồng » ở phía đông bán đảo Crimée, cách rất xa mặt trận, dường như cho thấy là Matxcơva thực sự sợ mất toàn bộ bán đảo. Liệu viễn cảnh này có thể trở thành hiện thực trong khi các tầu chiến hạng nặng của Nga lần lượt rời khỏi Sebastopol để bảo toàn lực lượng ? Theo tuần báo Mỹ, « các tầu hộ tống chống tầu ngầm Amiral Essen và Amiral Makarov, ba tầu ngầm chạy diesel, năm tầu đổ bộ và nhiều tầu phóng tên lửa nhỏ, một sà lan đổ bộ, nhiều tầu phóng mìn và một số loại tầu khác đã rời khỏi Sebastopol ».
Dĩ nhiên, Nga vẫn hoàn toàn có thể tấn công Ukraina từ những căn cứ mới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua ngả Biển Đen sẽ phần nào bớt bị tầu của Nga sách nhiễu. Ngoài ra, theo giới chuyên gia, cho dù chuyển sang các căn cứ xa hơn, đội tầu của Nga chưa hẳn đã tránh được các đợt tấn công mới của Ukraina nhờ vào nhiều loại tên lửa được đồng minh phương Tây cung cấp như tên lửa Storm Shadow của Anh, SCAP-EG của Pháp. Ngoài ra, Hoa Kỳ vừa mới thông báo gửi cho Kiev tên lửa tầm xa ATACMS, có thể phóng từ mặt đất và hệ thống Himars. Còn theo thông tin ngày 20/09 của nhật báo Pháp Le Figaro, Đức cũng sắp chuyển tên lửa TAURUS cho quân đội Ukraina.
Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công Nghệ Nga (Center for Analysis of Strategies and Technologies, CAST) giảm thiểu tầm quan trọng của đợt rút lui khỏi cảng Sebastopol với giải thích đó là « các đợt luân chuyển thông thường ». Dù vậy, càng lùi xa hơn khỏi Biển Đen, Nga có nguy cơ mất quyền kiểm soát khu vực, cũng như bán đảo Crimée.