Ngày 06/10/2023, tầu chở hàng đầu tiên xuất phát từ Thượng Hải, đi theo « Tuyến đường biển phương Bắc » (NSR) nối châu Á với châu Âu qua Bắc Cực, đã cập cảng ở vùng Kaliningrad của Nga, nằm ngay cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu (EU). Điểm cuối của tầu là Saint-Petersburg. Các công ty vận tải biển hy vọng sử dụng tuyến đường này thường xuyên hơn trong bối cảnh Nga bị các nước phương Tây trừng phạt vì gây chiến ở Ukraina.
Đăng ngày: 07/10/2023
Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva tường trình :
« Thống đốc vùng Kaliningrad là người công bố thông tin trên kênh Telegram. Ông Anton Alikhanov nêu rõ là con tầu xuất phát từ Thượng Hải, đi qua Arkhangelsk ở vùng phía bắc Nga, sau đó cập cảng Baltiysk.
Không rõ có gì bên trong con tầu mang cờ Trung Quốc, đến từ tuyến đường sắp phải đóng cửa vì băng. Điều này dĩ nhiên còn tùy thuộc vào thời tiết, nhưng giao thương trên tuyến đường này thường bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 11. Trong suốt mùa đông dài ở Bắc Cực, ưu thế vẫn thuộc về các tầu phá băng hạt nhân Nga.
Nga đã triển khai đóng loại tầu này, cũng như xây nhiều hải cảng. Matxcơva hy vọng là với tình trạng biến đổi khí hậu có thể sử dụng tuyến đường này nhiều hơn. Thống đốc Kaliningrad ca ngợi tuyến đường này « rẻ hơn và nhanh hơn so với phải đi qua kênh đào Suez ».
Vấn đề này trở thành ưu tiên đối với một nước Nga đang xung đột với châu Âu, và từ giờ muốn xoay trục sang châu Á. Chiến lược được tổng thống Vladimir Putin nhắc đến rất nhiều và nhất là tìm ra những tuyến đường xuất khẩu mới cho nhiên liệu của Nga ».
Hạn chế của « Tuyến đường biển phương Bắc »
Tuy nhiên, vượt Bắc Cực trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt là một thách thức vô cùng lớn. « Tuyến đường biển phương Bắc » khó có thể thay thế tuyến đường đi qua kênh đào Suez. Trả lời RFI ngày 06/10, nhà nghiên cứu Alexandre Thaite, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, phân tích :
« Phát triển vùng Viễn Bắc là một ưu tiên chiến lược đối với Nga. Thực vậy, từ đầu những năm 2010, « tuyến đường biển phương Bắc » này đã gây tò mò rất nhiều vì nó được coi là một giải pháp thay thế những tuyến đường truyền thống, trong đó có tuyến đi qua Đông Nam Á thông qua eo biển Malacca, đến Ấn Độ Dương, vượt kênh đào Suez và tới châu Âu.
Nhưng thực ra, hoạt động trên « tuyến đường biển phương Bắc » vẫn còn khá yếu. Có khoảng 30 tầu sử dụng tuyến đường này trong những năm vừa qua, trong khi có đến 120.000 tầu đi qua eo biển Malacca hàng năm.
Nga vẫn cố biến « tuyến đường biển phương Bắc » trở nên hấp dẫn hơn, nhưng các nước liên quan vẫn rất thận trọng. Những tuyến vận tải qua các cực không thuận lợi cho các tầu chở hàng lớn vì xu hướng hiện giờ là các tầu dài tới 300 mét, thậm chí là 400 mét, nhưng những tầu này không thể đi qua « tuyến đường biển phương Bắc », trong khi những con tầu lớn lại là xu hướng của thương mại biển hiện nay ».