RFA
2023.10.09
Người Việt tìm quy chế tị nạn, ở Thái Lan kêu gọi UNHCR giải quyết hồ sơ bị hủy bỏ của họ. Hình chụp ngày 15/06/18.
RFA
Hai người thiểu số Ede đang tìm quy chế tỵ nạn tại Thái Lan vào tuần qua bị Cảnh sát Hoàng gia xứ này bắt giữ với lý do không có giấy tờ hợp lệ.
Biện pháp này khiến hàng trăm người Thượng đang tìm quy chế tị nạn ở Thái Lan vô cùng lo lắn.
Vào ngày 4/10, cảnh sát ở tỉnh Nonthabury đã bắt giữ hai anh em trai Y Denat Niê (sinh năm 1993) và Y Sơlơ Niê (sinh năm 1995) vì họ chưa được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok.
Hai người đến Thái Lan từ Malysia hợp lệ bằng hộ chiếu Việt Nam cuối tháng 2 năm nay, và đã ở quá thời hạn visa một tháng. Họ đã nộp hồ sơ xin tị nạn cho Văn phòng UNHCR vào đầu tháng ba nhưng vẫn chưa được phỏng vấn.
Ông Ksor Sưn, cha của hai người bị bắt, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 09/10:
“Cảnh sát Thái thấy hai đứa con trai tôi là bắt ngay nhưng mà vợ tôi ở nhà lúc đó không bị bắt vì có thẻ UN (thẻ công nhận quy chế tị nạn, cấp bởi UNHCR- PV). Họ đang bị giam giữ ở nhà tạm giam của đồn cảnh sát Bang Khen (thuộc Bangkok- PV).”
Cô H ‘ Zia Niê, con gái của ông Ksor Sưn, cho RFA biết gia đình đã gọi trợ giúp từ Văn phòng CAP (Center for Asylum Protection) ở thủ đô Bangkok và luật sư của văn phòng khuyên gia đình nên gọi cho UNHCR để được can thiệp, tuy nhiên, khi gia đình gọi cho cơ quan này thì không có ai nghe máy.
“Tôi qua văn phòng UN và nói ‘bây giờ hai anh trai của tôi bị bắt rồi. Họ nói là phải gọi cho số khẩn cấp đi.’ Tôi gọi cho số khẩn cấp mà không có ai bắt máy,” cô nói.
Phóng viên có gửi email cho Văn phòng UNHCR ở Bangkok để kiểm chứng thông tin mà gia đình ông Ksor Sưn cung cấp nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Phóng viên cũng gọi điện cho Cảnh sát Hoàng gia tỉnh Nonthabury nhưng người trực điện thoại không trả lời.
Cô H ‘ Zia Niê nói hai anh ruột cô ra toà ngày 05/10 và phải nộp 5.000 bạt tiền phí, nhưng gia đình cô không có tiền để nộp.
“Họ phạt 5000 bạt là tiền ra tòa. Họ nói là nếu mà mình không có nộp 5.000 bạt tiền ra tòa thì họ sẽ đưa về Việt Nam, 5 ngày là họ đưa về Việt Nam ngay lập tức.”
Cô cho biết ngày 08/10, anh ruột của cô mượn được điện thoại gọi về cho gia đình nói vẫn đang bị giam ở Bang Khen và cần gia đình gửi cho chăn, quần áo và đồ dùng cá nhân vì ở đó “không có cái gì, lạnh lắm vì không có chăn.”
Tuy nhiên, chiều ngày thứ hai, ông Ksor Sưn lên Trại tạm giam Bang Khen thì con trai ông đã bị chuyển đi rồi, và điểm đến có thể là Trung tâm giam giữ dân nhập cư bất hợp pháp (IDC) ở thủ đô Băngkok.
Ông Ksor Sưn là hội phó của nhóm tôn giáo Tin lành Đấng Christ Việt Nam, một nhóm tôn giáo độc lập ở tỉnh Đắk Lắk. Năm 2001, ông bị kết án năm năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng” vì tham gia biểu tình đòi tự do tôn giáo và quyền đất đai.
Do các hoạt động về tự do tôn giáo, gia đình ông liên tục bị sách nhiễu bởi nhà chức trách địa phương, do vậy, vào năm 2020, vợ chồng ông đã sang tị nạn ở Thái Lan và đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn.
Trước đó, hai con trai ông đã đi lao động xuất khẩu ở Malaysia, và sau khi hết hạn hợp đồng thì sang Thái Lan với bố mẹ.
Ông Ksor Sưn cho biết nếu hai con trai của ông mà bị trục xuất về Việt Nam thì họ có thể sẽ bị bắt vì “công an Việt Nam nói không bắt được bố thì bắt con.”
Một luật sư, trưởng một văn phòng trợ giúp người tị nạn ở Bangkok, nói với RFA trong điều kiện không muốn nêu danh tính, cho biết Thái Lan thường không trục xuất người đang tìm kiếm quy chế tị nạn về quốc gia của họ nhưng họ sẽ giam ở IDC cho đến khi có sự can thiệp của UNHCR còn gia đình hoặc tổ chức dân sự nào đó nộp tiền bảo lãnh.
Trong trường hợp của hai anh em người Ede mới bị bắt, chỉ có UNHCR mới có thể can thiệp được bằng việc chấp nhận việc ghi danh vào danh sách người tìm quy chế tị nạn hoặc cấp quy chế tị nạn cho họ, vị luật sư này bổ sung.
Hàng trăm người Thượng lo lắng
Cựu tù nhân lương tâm Y Byun, người đang tìm quy chế tị nạn và đang trọ ở tỉnh Nonthabury cho biết ông và hàng trăm người Thượng khác chưa được cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan đang sống trong lo lắng vì nguy cơ bị Cảnh sát Thái bắt giữ bất cứ lúc nào.
Ông nói với RFA vào ngày 09/10:
“Ở đây chúng tôi rất lo lắng sợ hãi, mọi người đang ấn nấp trong phòng không dám ra ngoài bởi vì Cảnh sát Thái Lan truy quét rất là căng, tìm những người mà chưa có thẻ UN (thẻ cấp bởi UNHCR cho người được công nhận quy chế tị nạn- PV).”
Ông cho biết hiện có khoảng 400 người Thượng chưa được cấp quy chế tị nạn, trong đó có nhóm 12 người của ông đi từ Campuchia sang Thái Lan đầu năm nay.
Ông Y Byun từng bị kết án chín năm tù giam về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự 1999. Sau khi ra tù năm 2013, ông buộc phải đi lưu vong ở Campuchia và mới chuyển sang Thái Lan.
Hiện cuộc sống của ông và những người Thượng chưa có quy chế tị nạn rất khó khăn. Họ không được đi làm và chỉ có thể đi mua thức ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh gặp sự truy đuổi của Cảnh sát Thái.
Ông cho biết thêm vợ con ông ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai liên tục bị công an địa phương sách nhiễu, thường xuyên đến nhà để tra hỏi về ông cho dù ông đã rời Gia Lai từ năm 2014 và tị nạn tám năm ở Campuchia trước khi chuyển sang Thái Lan đầu năm nay.