Vì sao Hamas liều lĩnh thách thức Israel trên chính lãnh thổ nước này ?

Phong trào Hồi giáo Hamas, thống trị trên dải Gaza từ 15 năm qua, đã thách thức mọi dự đoán khi mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có chống lại Nhà nước Do Thái. Một quyết định rủi ro đáp ứng nhiều mục tiêu chiến lược. 

Đăng ngày: 09/10/2023

Thành viên của phong trào Hamas diễu hành nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập tại trại tị nạn Jebaliya, Dải Gaza, ngày 01/12/2012.
Thành viên của phong trào Hamas diễu hành nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập tại trại tị nạn Jebaliya, Dải Gaza, ngày 01/12/2012. AP – Hatem Moussa

Minh Anh

Ngày 07/10/2023, Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên « Hồng thủy Al Aqsa », thâm nhập lãnh thổ Israel từ trên bộ, biển và từ trên không với sự yểm trợ của pháo binh khi nã hơn 5.000 quả pháo rốc-kết, khiến chính quyền và quân đội Israel bất ngờ không kịp trở tay. Hàng trăm người Israel bị giết chết và bị bắt cóc.   

Đương nhiên trong cuộc tấn công này của Hamas, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan tình báo Israel. Sự việc làm nổi rõ những đánh giá sai lầm của Israel và một chừng mực nào đó là phương Tây về phong trào Hồi giáo Hamas khi vẫn đơn giản xem đấy như là một tổ chức đấu tranh, một phong trào chính trị hay trung tâm xã hội – tinh thần.   

Nhà địa chính trị học Frédéric Encel, trả lời phỏng vấn Journal du Dimanche (08/10/2023) lưu ý Hamas còn là một bộ tham mưu quân sự đáng gờm, một chế độ chính trị cuồng tín và cực kỳ quyết tâm. Nhận xét này cũng được ông Thomas Vescovi, một nhà nghiên cứu độc lập cùng chia sẻ trên nhật báo công giáo La Croix khi nhìn nhận rằng « Hamas có một kho vũ khí và kỹ thuật chiến đấu rất tinh nhuệ ».  

Những mục tiêu chiến lược  

Vì sao Hamas lại tiến hành chiến dịch quân sự quy mô đó vào lúc này trong khi đợt leo thang căng thẳng gần đây giữa Israel và dải Gaza hồi tháng 5/2023, phong trào Hồi giáo vũ trang này đã vắng bóng ? Giải cứu hàng ngàn tù nhân Palestine bị Israel giam giữ có lẽ sẽ là mục tiêu hàng đầu. Hơn một trăm con tin Israel bị bắt đi trong cuộc tấn công sẽ là « món hàng mặc cả » có giá trị cho phép Hamas đàm phán với Israel trong thế thượng phong.   

Theo La Croix, sở dĩ Mohammed Deif, thủ lĩnh nhánh quân sự của Hamas có thể tiến hành một chiến dịch tầm cỡ như vậy, một phần nhờ vào địa thế, có đường biên giới chung với Ai Cập, dễ đi lại, tiếp nhận vũ khí, trang thiết bị. Nhưng mặt khác, đó cũng còn nhờ vào nguồn hậu thuẫn hậu cần, tài chính và chính trị từ Iran, và trong một chừng mực nào đó là Qatar.   

David Khalfa, đồng giám đốc Đài Quan sát Bắc Phi và Trung Đông, Quỹ Jean – Jaurès, giải thích rằng « Hamas đã có được kỹ nghệ với sự hậu thuẫn của Vệ Binh Cách Mạng (ở Iran), nhờ vào các kỹ sư nghiên cứu về drone và nhờ vào các cơ sở nghiên cứu bí mật cho phép Hamas nâng cấp năng lực khi sử dụng các công nghệ dân sự chuyển đổi cho mục tiêu quân sự ».   

Nỗi bất an về chính trị – xã hội trên dải Gaza sau 20 năm bị Israel phong tỏa là một « miền đất mầu mỡ » cho Hamas khai thác, từ việc Israel tiếp tục mở rộng khu chiếm đóng ở Cisjordanie, ngoại giao bế tắc, cho đến sự bất tín nhiệm của chính quyền Palestin và tổng thống Mahmoud Abbas, theo như quan sát của chuyên gia Thomas Vescovi.  

Sự cạnh tranh về chính trị giữa Hamas và Thánh chiến Hồi giáo cũng có thể là một nguyên nhân. Khi cho rằng đã bị nhóm Hồi giáo Djihad « qua mặt », phong trào Hamas cần đánh bóng lại hình ảnh. Theo ông David Khalfa, không giống như đối thủ, Hamas không chỉ đơn thuần là một nhóm thánh chiến vũ trang, mà đây còn là « một tổ chức rất linh hoạt, điều hành cả dải Gaza như một dạng Nhà nước sơ khai từ năm 2007. Việc nắm quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào dân tộc Palestine là một phần chiến lược hậu Abbas. »  

Thế nan giải  

Cuộc tấn công này cũng xảy ra vào lúc Mỹ – Israel – Ả Rập Xê Út có những cuộc đàm phán nhắm đến bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Tel Aviv và Riyad. Nhà địa chính trị Frédéric Encel lưu ý, Hamas là một nhánh Hồi giáo Palestine hệ phái Sunni cực đoan, chính trị – quân sự của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.  

Nếu Ả Rập Xê Út, là một nhà nước có quan điểm Hồi giáo Sunni « bất di bất dịch », là người bảo vệ các thánh địa La Mecca và Medine, có một nguồn tài chính và nền ngoại giao mạnh nhất trong thế giới Hồi giáo Sunni hòa giải với Israel, thì tính chính đáng về mặt thần học và tôn giáo của Hamas sẽ còn lại gì khi tổ chức này luôn có những phát biểu cứng rắn dựa trên lòng thù hận đối với Israel và người Do Thái ?  

Khi khởi động cuộc tấn công, các chiến lược gia của Hamas buộc thế giới Hồi giáo trong thế khó xử : Tiếp tục hậu thuẫn người Palestine mà Hamas muốn là hiện thân hay vẫn đi theo hướng xích lại gần với Israel !  

Bài Liên Quan

Leave a Comment