Gần đây, truyền thông thế giới xôn xao thông tin rằng một tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc đã gặp nạn vào cuối tháng 8. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đó là “tin đồn”. Ngày 3/10, truyền thông Anh đưa tin sau khi tàu ngầm gặp nạn ở Hoàng Hải vào ngày 21/8, thiết bị lưu thông không khí của tàu gặp trục trặc khiến 55 sĩ quan và binh sĩ thiệt mạng. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thừa nhận tai nạn này. Tàu ngầm Type 093 được coi là một trong những con át chủ bài của Hải quân Trung Quốc. Nếu quả thực vụ tai nạn này xảy ra thì nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cả 2 mẫu tàu ngầm Type 093 và 094 đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm Type 093 (A) chủ yếu được sử dụng cho tác chiến hải quân, sử dụng ngư lôi và tên lửa chống hạm để tấn công tàu địch, còn được gọi là tàu ngầm tấn công. Nó cũng có thể tấn công mặt đất. Tàu ngầm Type 094 được trang bị tên lửa chiến lược tầm xa, là một trong những phương tiện răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Dù nó không tham gia hải chiến nhưng vẫn được trang bị ngư lôi để tự vệ.
Có tin đồn rằng tàu ngầm Type 093 gặp nạn là tàu ngầm tấn công mang số hiệu 417. Có tin đồn rằng chiếc tàu ngầm bị chìm nằm trong lô mới nhất được đưa vào sử dụng. Nó cũng là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân chủ lực của Hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang vận hành nhiều loại tàu ngầm khác nhau, bao gồm: Tàu ngầm hạt nhân tấn công với Type 093 và Type 093G cải tiến. Tàu ngầm diesel điện 877EKM lớp Kilo, Type 039 lớp Tống và Type 041 lớp Nguyên. Chính phủ Trung Quốc không tiết lộ rõ ràng về số lượng tàu ngầm của họ. Tuy nhiên, ước tính hạm đội tàu ngầm Trung Quốc hiện đại bao gồm từ 50-70 tàu ngầm.
Một điểm đáng chú ý là Trung Quốc hiện có hàng chục tàu ngầm chạy bằng diesel điện, có năng lực hạn chế bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất và dễ dàng bị phát hiện. Bởi vậy, khi xây dựng đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, rõ ràng là Bắc Kinh muốn đột phá ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất để chống lại hạm đội Hoa Kỳ.
Dù chạy bằng năng lượng hạt nhân song tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc đã nhiều lần bị các nước phát hiện ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Mỹ, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Đài Loan… đều từng báo cáo về những vụ việc như vậy. Lần này, có tin đồn Tàu ngầm Type 093 đã gặp tai nạn ở Hoàng Hải, địa điểm này có phần khiến giới chuyên gia khó hiểu.
Đầu tháng 9 năm nay, Mỹ, Hàn Quốc và Canada đã tổ chức tập trận quân sự chung ở Hoàng Hải để kỷ niệm 73 năm Trận Inchon trong Chiến tranh Triều Tiên và kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn. Quân đội Mỹ đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America tham gia tập trận.
Tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc hoạt động ở Hoàng Hải có thể là đang cố gắng do thám cuộc tập trận này. Thậm chí nó đã được triển khai trước để ẩn náu ở Hoàng Hải vào cuối tháng 8. Ngày 3/10, truyền thông Anh dẫn thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc đã tông vào các chướng ngại vật là dây xích và neo mà Hải quân Trung Quốc sử dụng để cản trở các tàu ngầm Mỹ và đồng minh ở Hoàng Hải. Ngày 21/8, tàu ngầm bị chìm, hệ thống cung cấp oxy gặp sự cố nghiêm trọng do không có hệ thống dự phòng, 55 thuyền viên trên tàu đã chết vì thiếu oxy. Đây đúng là một lần “gậy ông lại đập lưng ông” vậy.
Lộ trình thông thường của Tàu ngầm Type 093, bắt đầu từ căn cứ Thanh Đảo, sẽ đi về phía nam dọc theo bờ biển, nhanh chóng đi qua Hoàng Hải, tiến vào Biển Hoa Đông, rồi vào Thái Bình Dương qua eo biển Miyako. Lần này nó có thể đi về phía đông, hướng tới Seoul, Hàn Quốc, rõ ràng đây không phải là một tuyến đường quen thuộc.
Cả Hoàng Hải và biển Hoa Đông đều là những vùng biển nông, với phương pháp chống ngầm của quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh, Tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc khó có thể ẩn nấp. Hiện tại người ta đã phát hiện một số chi tiết của vật thể lạ dưới nước nhưng cũng chưa thể xác minh được. Dù sao thì điều đó cũng làm tăng tính xác thực của vụ tai nạn này.
Ngày 22/8, chuyên gia về tàu ngầm quân sự Mỹ Sutton là người đầu tiên tung tin một tàu ngầm của Trung Quốc gặp tai nạn, khi đó ông tiết lộ địa điểm này gần eo biển Đài Loan nhưng cho biết “chưa thể xác nhận thông tin”.
Ông Tập Cận Bình tới Nam Phi dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 21/8 và bất ngờ vắng mặt tại Diễn đàn doanh nghiệp ngày 22/8. Có suy đoán cho rằng Tập Cận Bình đã tạm thời thay đổi lịch trình sau khi nhận được báo cáo về vụ tai nạn tàu ngầm.
Có một điều đáng chú ý là, cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Trung Quốc cũng liên tục thực hiện các hoạt động tập trận bắn đạn thật ở vùng biển này. Rồi vào ngày 29/8, ông Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bắt đầu biến mất, cho đến nay chưa thấy tăm hơi. Vào ngày 29/8, ông Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, tham dự một cuộc họp về chất lượng thiết bị quân sự. Tại đây, ông Trương nói rằng phải “có trách nhiệm với tính mạng của sĩ quan và binh lính”, dường như ám chỉ đến vụ tai nạn Tàu ngầm Type 093. Cũng có tin nói rằng gia đình các thuỷ thủ không đợi được nên đã đi hỏi thông tin về người thân của mình khắp nơi. Đây được coi là một trong những bằng chứng xác thực về vụ tai nạn tàu ngầm.
Các bài báo trực tuyến cũng cho rằng vụ trục trặc tàu ngầm hạt nhân đã khiến chỉ huy hải quân mới được thăng chức là ông Vương Đại Trung (Wang Dazhong) bị chỉ trích nặng nề về quản lý huấn luyện yếu kém. Tuy nhiên, ông Vương được cho là đã đổ lỗi sự cố này là do thiết kế kém và các vấn đề cơ học của chiếc tàu ngầm, quy trách nhiệm cho Bộ Phát triển Trang bị của Quân uỷ trung ương Trung Quốc.
Như vậy là chúng ta có thể thấy, tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc đã đi một tuyến đường xa lạ để theo dõi các cuộc tập trận của Mỹ và liên quân. Điều này là tối kỵ với hoạt động của tàu ngầm. Tiến vào một vùng biển xa lạ, đầy chướng ngại vật là một quyết định có thể giết chết toàn bộ thuỷ thủ đoàn. Quyết định mạo hiểm và tắc trách này có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn chứ không phải do chất lượng con tàu.
Năm 1958, Trung Quốc khởi động một dự án tàu ngầm hạt nhân, nhưng Liên Xô khi ấy từ chối chuyển giao công nghệ, dẫn đến việc dự án bị đình trệ một thời gian dài. Cho đến năm 1974, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 091 đầu tiên của Trung Quốc mới được đưa vào sử dụng, nhưng nó tương đối lạc hậu vì rất ồn ào và không thể phóng tên lửa khi đang lặn.
Vào những năm 1980, Trung Quốc khởi động dự án tàu ngầm hạt nhân Type 093, nhưng gặp phải nhiều khó khăn về kỹ thuật và một lần nữa kế hoạch bị gác lại. Sau khi Liên Xô tan rã, những kỹ sư thiết kế của Nga đã tham gia vào dự án tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vào giữa những năm 1990. Trung Quốc cũng tuyển dụng một số chuyên gia từ Liên Xô và Tàu ngầm Type 093 đã đạt được nhiều tiến bộ hơn hẳn.
Quân đội Mỹ đánh giá rằng mức độ yên tĩnh của Tàu ngầm Type 093 chỉ gần tương đương với tàu ngầm Victor III của Liên Xô. Nhưng trang bị điện tử của nó đã đạt tới trình độ của tàu ngầm lớp Los Angeles cỡ trung của Mỹ. Còn Trung Quốc thì tự hào tuyên bố rằng công nghệ của Tàu ngầm Type 093 gần giống với các tàu ngầm lớp Akula thế hệ thứ ba của Nga hoặc các mẫu tàu ngầm lớp Virginia đời đầu của Mỹ.
Tàu ngầm Type 093 có lượng giãn nước dưới nước khoảng 7.000 tấn, tương tự tàu ngầm lớp Victor thế hệ thứ hai của Liên Xô cũ. Các tàu ngầm lớp Akula thế hệ thứ ba mà Nga tiếp tục sản xuất có lượng giãn nước dưới nước hơn 8.000 tấn, các mẫu sau này được nâng cấp lên trên 12.000 tấn và 13.000 tấn.
Tàu ngầm lớp Los Angeles của quân đội Mỹ có lượng giãn nước dưới nước khoảng 6.900 tấn. Chiếc tàu ngầm lớp Seawolf đầu tiên và thứ hai có lượng giãn nước vượt quá 9.000 tấn, còn chiếc thứ ba vượt quá 12.000 tấn. Lớp Virginia theo sau ban đầu có lượng giãn nước 7.900 tấn, các mẫu sau này lên tới hơn 10.000 tấn. Vì vậy có thể thấy Tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc không đủ lớn, không thể mang theo nhiều thiết bị và vũ khí, chỉ có thể mang ngư lôi và tên lửa chống hạm. Không biết có phải vì lý do này mà thiết bị dự phòng oxy cũng bị bỏ qua hay không.
Tàu ngầm Type 093 đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào sử dụng năm 2006, trong đó có 3 tàu ngầm thuộc Hạm đội Đông Hải, 6 tàu ngầm Type 093A đi vào hoạt động năm 2014 đều thuộc Hạm đội Bắc Hải, trong đó có tàu ngầm số hiệu 417 có thể đã bị chìm. Hai tàu ngầm Type 093B tiếp theo đang được chế tạo.
Năm 2015, tàu ngầm Type 093B của Trung Quốc được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18, được coi là bản sao của tên lửa chống hạm Nga và được cho là có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ. Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm Type 095 thế hệ thứ ba, chiếc đầu tiên đã được chuyển giao, có lượng giãn nước dưới nước khoảng 7.900 tấn và có thể mang theo ngư lôi, tên lửa chống ngầm, tên lửa tấn công mặt đất và tên lửa phòng không tầm ngắn.
Nguyên mẫu tàu ngầm thô sơ đầu tiên xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ 15 và 16. Trong chiến tranh Cách mạng Mỹ năm 1776, một tàu ngầm mini của Mỹ đã cố gắng tấn công một tàu hải quân Anh nhưng không thành công. Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ năm 1864, tàu ngầm USS Hanley đã phóng một lượng thuốc nổ và đánh chìm một tàu khu trục của Liên minh miền nam, dòng xoáy do vụ nổ tạo ra cũng khiến chính tàu USS Hanley bị chìm.
Pháp, Anh, Đức cũng không ngừng cố gắng. Năm 1905, Đức chế tạo tàu ngầm lớp U-1, sử dụng cấu trúc thân đôi, động cơ dầu hỏa và được trang bị ống phóng ngư lôi. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Đức có 29 tàu ngầm đang hoạt động. Năm 1914, tàu ngầm Đức đã đánh chìm ba tàu tuần dương bọc thép của Anh trong một giờ, mỗi chiếc có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn. Trong Thế chiến thứ nhất, tàu U-boat của Đức đã đánh chìm hàng triệu tấn tàu thuyền đủ loại tàu Đồng minh.
Khi Thế chiến thứ hai nổ ra vào năm 1939, Đức không thể cạnh tranh được với hạm đội mặt nước hùng mạnh của Anh nên dành toàn bộ sức lực để phát triển tàu ngầm, đóng tổng cộng hơn 1.150 tàu ngầm. Từ năm 1939 đến 1943, tàu U-boat của Đức đã đánh chìm hơn 8 triệu tấn tàu vận tải của Mỹ và Anh. Khi hạm đội hộ tống chống tàu ngầm của Đồng minh tăng lên và công nghệ chống tàu ngầm được cải thiện, các tàu ngầm Đức bắt đầu chịu tổn thất nghiêm trọng, và tổn thất của Đồng minh giảm dần.
Tàu ngầm đạt được kết quả lớn hơn ở Mặt trận Thái Bình Dương. Sau trận Midway năm 1942, quân đội Mỹ vội vã kéo về tàu sân bay Yorktown bị hư hỏng nặng, tàu ngầm Nhật Bản phóng ngư lôi đánh chìm tàu Yorktown. Cùng năm đó, một tàu ngầm Nhật Bản đã phóng ngư lôi vào tàu sân bay USS Wasp ở biển Solomon, làm nổ kho dầu của tàu. Quân đội Hoa Kỳ cuối cùng đã không thể kiểm soát được ngọn lửa và buộc phải bỏ tàu, họ đã tự mình phóng một quả ngư lôi và đánh chìm tàu ”Wasp”.
Hải quân Nhật Bản đã biên chế tổng cộng 184 tàu ngầm trong Chiến tranh Thái Bình Dương, giai đoạn sau chúng chủ yếu được sử dụng để vận chuyển. Nhật đã đánh chìm tổng cộng khoảng 170 tàu các loại, với tổng trọng tải khoảng 1 triệu tấn.
Tàu ngầm Mỹ có thành quả chiến đấu ấn tượng hơn nhiều, đánh chìm tổng cộng 51% số tàu Nhật bị mất. Trong Thế chiến thứ hai, Hải quân Mỹ có tổng cộng 314 tàu ngầm hoạt động và đã đánh chìm 1.560 tàu địch các loại với tổng trọng tải 5,3 triệu tấn, trong đó có 8 tàu sân bay và hơn 200 tàu chiến. Quân đội Mỹ đã hình thành hệ thống chiến thuật và công nghệ tàu ngầm trong Chiến tranh Hải quân Thái Bình Dương, đồng thời làm chủ công nghệ và chiến thuật chống ngầm tiên tiến trong thực chiến ở Đại Tây Dương.
Tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến thứ hai, nhưng chúng cũng bộc lộ nhược điểm của tàu ngầm diesel-điện, sau khi cạn kiệt năng lượng, phải nổi lên và bật động cơ diesel để tiếp tục ra khơi hoặc nạp năng lượng, tốc độ cũng chậm.
Năm 1954, Hoa Kỳ đưa vào hoạt động tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới, USS Nautilus, trong đó nêu bật ưu điểm của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong việc di chuyển đường dài. Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phát động một cuộc chạy đua vũ trang và đưa một số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân vào sử dụng, thay đổi luật chơi răn đe hạt nhân và chiến tranh hải quân.
Sau Chiến tranh Lạnh, Nga không thể tiếp tục cuộc đua tàu ngầm hạt nhân nhưng vẫn cố gắng duy trì lực lượng răn đe hạt nhân ngang bằng với Mỹ và tiếp tục phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công nhưng tiến độ tương đối chậm. Hải quân Nga đang sa sút, số lượng tàu ngầm hạt nhân vẫn đứng thứ hai thế giới nhưng hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế .
Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ về cơ bản đại diện cho cấp độ cao nhất của tàu ngầm hạt nhân hiện đại, Anh và Pháp theo sát phía sau, còn Ấn Độ đang cố gắng bắt kịp. Các tàu ngầm thông thường của Đức và Nhật Bản vẫn ở mức hạng nhất, Hàn Quốc cũng đang bắt kịp. Quân đội Mỹ và các đồng minh thường tiến hành các cuộc tập trận chung.
9 tàu ngầm hạt nhân Type 093(A) đang hoạt động của Trung Quốc có thể đã giảm xuống còn 8 chiếc, nhưng mối đe dọa đối với các quốc gia khác nhau vẫn còn đó và xu hướng kiềm chế Trung Quốc sẽ không thay đổi. Dù vậy vẫn còn khoảng cách lớn giữa công nghệ tàu ngầm và trình độ sản xuất của Trung Quốc, đồng thời cũng có thể có những vấn đề lớn trong việc đào tạo.
Trung Quốc đang quyết tâm chạy đua vũ trang, nhưng có thể không đạt được sức mạnh đỉnh cao như Liên Xô cũ, thay vào đó có khả năng sẽ theo chân Liên Xô cũ và nhanh chóng tan rã. Nếu vụ tai nạn tàu ngầm của Trung Quốc được xác nhận, nó sẽ là một dấu hiệu khác cho thấy sự suy tàn của Trung Quốc.
Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch