Nga và Trung Quốc thủ lợi từ xung đột Israel-Palestine

Xung đột bùng phát trở lại giữa Israel và Palestine sẽ có lợi cho cả Nga lẫn Trung Quốc, vì tình hình này buộc Hoa Kỳ phải phân tán lực lượng, không thể can dự hoàn toàn vào cả ba mặt trận Trung Đông, Ukraina và Châu Á-Thái Bình Dương.

Đăng ngày: 10/10/2023

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Nga tại Jakarta Indonesia, ngày 13/07/2023.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Nga tại Jakarta Indonesia, ngày 13/07/2023. AP

Thanh Phương

Tuy bày tỏ “mối quan ngại to lớn” khi thấy bạo lực tái diễn tại Trung Đông, Matxcơva đã không hề lên án các tội ác của lực lượng Hamas đối với thường dân ở Israel, mà chỉ kêu gọi hai phía Israel và Palestine “ngưng bắn ngay lập tức”. Thật ra, theo nhận định của nhật báo Pháp Le Figaro hôm nay, 10/10/2023, giới lãnh đạo Nga quan tâm nhiều hơn đến tác động của xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đối với chiến sự Ukraina. 

Tờ báo trích dẫn phân tích mà Viện Nghiên cứu Chiến tranh ( ISW) ở Washington đưa ra ngay từ thứ Bảy, 07/10/2023, tức là khi các chiến binh Hamas bất ngờ vượt biên tấn công vào Israel: “Nga đã bắt đầu khai thác và rất có thể sẽ tiếp tục khai thác các vụ tấn công của Hamas ở Israel để làm suy giảm sự yểm trợ cũng như sự quan tâm của Hoa Kỳ và của phương Tây đối với Ukraina.

Thomas Friedman, cây bút thời luận của nhật báo Mỹ The New York Times, cũng đánh giá từ cuối tuần qua: “Leo thang xung đột Israel-Palestine chỉ có thể có lợi cho Matxcơva. Nếu Israel đánh chiếm Gaza và khởi động một cuộc chiến tranh kéo dài, Ukraina sẽ phải cạnh tranh với Israel để được nhận các tên lửa Patriot hay các đạn pháo 155 ly cùng các loại vũ khí khác mà Kiev đang rất cần để chống Nga.

Theo nhận xét của Le Figaro, điểm đáng chú ý là sự thay đổi giọng điệu của báo chí Nga từ 3 ngày qua. Sau khi tường thuật xung đột Israel-Hamas một cách tương đối trung lập, báo chí Nga kể từ Chủ nhật chủ yếu đả kích Hoa Kỳ, dựa theo tuyên bố của cựu tổng thống Dmitri Medvedev rằng Washington và các đồng minh lẽ ra nên tập trung giải quyết xung đột Israel-Palestine thay vì “xen vào chuyện nội bộ” của Nga và viện trợ quân sự cho Ukraina. Có lẽ Matxcơva đang hy vọng là tình hình tại Israel sẽ buộc Hoa Kỳ giảm bớt áp lực ở Ukraina và ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngay sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas, tổng thống Joe Biden đã khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển” đối với Israel, để bảo vệ uy tín của Hoa Kỳ đối với các đồng minh và để duy trì sự ủng hộ của giới cử tri gốc Do Thái. Chưa biết là sự yểm trợ của Washington cho Tel-Aviv sẽ kéo dài bao lâu, nhưng trước mắt rõ ràng là quân đội Mỹ sẽ không đủ khả năng để can dự hoàn toàn vào cả 3 mặt trận Trung Đông, Ukraina và Châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình này sẽ có lợi không chỉ cho Nga mà cho cả Trung Quốc. 

Xung đột bùng phát giữa Hamas và Israel còn là dịp để Trung Quốc cố chứng tỏ mình là một cường quốc vì hòa bình. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định chính phủ Bắc Kinh “lên án mọi hành động nhắm vào những thường dân”. Tuy vậy, trước đó tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã không thẳng thừng lên án cuộc tấn công của Hamas, tức là không muốn hoàn toàn ngả theo lập trường của Washington. 

Theo trang franceinfo của Pháp, đang viếng thăm Bắc Kinh, thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer đã tuyên bố với ngoại trưởng Trung Quốc : “ Tôi mong muốn ông và nhân dân Trung Quốc hãy sát cánh với nhân dân Israel và lên án các cuộc tấn công hèn hạ và tàn nhẫn. Tôi rất thất vọng vì những tuyên bố của ông không thể hiện một chút cảm thông nào đối với Israel trong giai đoạn khó khăn, đầy xáo trộn này”. Đáp lời thượng nghị sĩ Schumer, ngoại trưởng Vương Nghị nói thẳng: “Làm ơn tôn trọng khác biệt quan điểm giữa hai nước chúng ta”. 

Cho tới gần đây, Trung Quốc ít can dự vào hồ sơ Israel-Palestine, nhưng nay thường xuyên khẳng định muốn tham gia vào tiến trình hòa bình giữa hai bên, vốn đã gặp bế tắc kể từ năm 2014. Nói chung, nhân lúc xung đột tái diễn, Bắc Kinh cố tỏ cho thấy Hoa Kỳ là một cường quốc hiếu chiến, có thái độ thiên vị Israel, trong khi Trung Quốc mới là nhà trung gian hòa giải có uy tín, cụ thể là gần đây đã giúp Iran và Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau.

Bài Liên Quan

Leave a Comment