Ngay từ hôm thứ Hai, 09/10/2023, tức là hai ngày sau khi lực lượng Hồi Giáo cực đoan Hamas từ dải Gaza của Palestine bất ngờ tấn công vào Israel, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ đã cảnh cáo một đồng minh của Hamas là Hezbollah không được mở một mặt trận thứ hai chống Israel ở biên giới Liban.
Đăng ngày: 11/10/2023
Để chứng tỏ với các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah rằng Hoa Kỳ quyết tâm bảo vệ Israel, Washington đã điều cụm tàu sân bay USS Gerald Ford, chiến hạm lớn nhất thế giới, đến khu vực đông Địa Trung Hải.
Quan chức Lầu Năm Góc đã cảnh cáo như trên là bởi vì vào năm 2006, giữa Israel với Hezbollah đã từng nổ ra chiến tranh, khiến hơn 1.200 người chết bên phía Liban, đại đa số là thường dân và 160 người chết bên phía Israel, chủ yếu là binh lính.
Nay mọi người đang lo ngại chiến sự giữa hai bên sẽ tái diễn sau khi hôm thứ Hai vừa qua, tổ chức Hezbollah thông báo đã oanh kích vào 2 doanh trại của quân đội Israel để trả thù cho cái chết của 3 thành viên của lực lượng Hồi Giáo cực đoan trong các vụ oanh kích của Israel ở miền nam Liban. Quân đội Israel thì khẳng định đã hạ sát nhiều nghi can vũ trang xâm nhập vào Israel từ Liban, nhưng Hezbollah nói họ không có liên quan gì đến các vụ xâm nhập đó. Và cuối cùng chính tổ chức Thánh chiến Hồi Giáo Palestine đã lên tiếng nhận trách nhiệm về hành động này.
Tuy vậy, không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ Hezbollah bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Palestine với Israel. Nhân đây chúng ta hãy tìm hiểu về lực lượng Hồi Giáo cực đoan này.
Ra đời sau Cách mạng Hồi Giáo Iran
Hezbollah, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đảng của Thượng Đế”, là một tổ chức bán quân sự và tổ chức chính trị theo hệ phái Hồi Giáo Shia, đặt cơ sở ở Liban và có quan hệ rất chặt chẽ với Iran. Lực lượng này đã đời sau Cách mạng Hồi Giáo năm 1979 ở Iran, cụ thể là được thành lập vào năm 1982, khi Israel can thiệp quân sự vào Liban trong thời gian nội chiến ở nước này ( 1975-1990 ).
Vào thập niên 1980, Hezbollah đã gây chấn động dư luận quốc tế với nhiều vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin phương Tây, trở thành lực lượng vũ trang chủ chốt chống Israel, bị Hoa Kỳ và các nước vùng Vịnh xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố. Hezbollah đồng thời là một trong những lực lượng vũ trang chủ chốt của chế độ Iran ở Trung Đông. Không chỉ là lực lượng dân quân duy nhất không chịu buông súng sau khi kết thúc nội chiến, Hezbollah còn có vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Liban, thậm chí đã từng nắm đa số trong Quốc Hội Liban và nắm nhiều chức bộ trưởng trong các chính phủ nối tiếp nhau từ năm 2005. Đến mức mà Hezbollah được xem như là một Nhà nước trong một Nhà nước ở Liban.
Trong khi Hamas theo hệ phái Hồi Giáo Sunni thì Hezbollah theo hệ phái Shia. Nhưng giống như Hamas, Hezbollah cũng chủ trương tiêu diệt Nhà nước Do Thái và cả hai đều được Iran tài trợ. Nói chung là kể từ Cách mạng Hồi Giáo năm 1979, Teheran vẫn chu cấp tiền bạc một cách hào phóng cho bất cứ tổ chức chống Israel.
Nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công của Hamas cũng như của Hezbollah còn nhằm mục tiêu phá hỏng tiến trình xích lại gần nhau giữa Israel với Ả Rập Xê Út, vì nếu hai quốc gia này bắt tay nhau thì Iran càng bị cô lập trong khu vực.
Nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột?
Vì có chung mục tiêu, nên số phận của Hezbollah gắn liền với Hamas và như vậy diễn tiến tình hình trong những ngày tới sẽ cho thấy có nguy cơ Hezbollah bị cuốn vào vòng xoáy xung đột với Israel hay không.
Kể từ sau các vụ oanh kích ở biên giới, Hezbollah đã hứa sẽ cố không để bị lôi kéo vào xung đột giữa Hamas và Israel, theo khẳng định của chính phủ lâm thời Liban. Theo nhật báo Pháp Libération, người dân Liban cũng không ai muốn sống lại cảnh chết chóc, tàn phá tại một đất nước đã tan hoang sau nhiều năm chiến tranh ác liệt nay vẫn chưa được tái thiết.
Nhưng vấn đề là trên đất Liban hiện có rất nhiều phe nhóm Palestine và chính những phe nhóm này, nhất là Hamas, vẫn nuôi dưỡng lòng hận thù Israel trong các trại tị nạn Palestine ở Liban.
Theo nhật báo Libération, một số nhà quan sát lo ngại là Hezbollah sẽ mở một cuộc tấn công trực diện vào Israel nếu quân đội Israel mở một cuộc xâm nhập quy mô vào dải Gaza hoặc sự tồn tại của lực lượng Hamas bị đe dọa.
Hôm Chủ nhật vừa qua, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal khẳng định lực lượng Hezbollah thật sự đã có tham gia vào cuộc tấn công của Hamas hôm thứ Bảy và các quan chức an ninh Iran một tuần trước đó từ Beyrouth đã hoạch định cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Tuần báo Pháp L’Express tuy vậy nhấn mạnh rằng chiến dịch tấn công của Hezbollah chứa đựng những rủi ro rất cao, bởi vì phản ứng của Israel sẽ rất dữ dội đối với tổ chức Hồi Giáo cực đoan nói riêng và đối với Liban nói chung, trong bối cảnh mà chắc chắn Tel-Aviv sẽ được Hoa Kỳ yểm trợ hết mình, còn các nước Ả Rập, nhất là Ả Rập Xê Út, chắc là sẽ đứng ngoài.
Về phần Iran, nước này chắc sẽ không nhập cuộc ngay mà còn phải chờ xem Hezbollah được sự ủng hộ đến mức độ nào ở Liban và trong khu vực và xem Hezbollah có đủ khả năng giáng một đòn quyết định vào Israel hay không. Hiện giờ hai yếu tố này hoàn toàn vô định.
Liên Hiệp Quốc và người dân vùng biên giới lo ngại
Trước mắt, nguy cơ Hezbollah mở mặt trận thứ hai giữa Liban với Israel gây quan ngại rất lớn cho lực lượng lính mũ xanh Liên Hiệp Quốc tại miền nam Liban. Theo AFP, lực lượng Liên Hiệp Quốc cho biết họ vẫn giữ liên lạc với cả hai bên để ngăn ngừa xung đột tình hình hiện nay “rất nguy hiểm”.
Người dân ở hai bên biên giới dĩ nhiên rất lo lắng. Trả lời phóng viên nhật báo Pháp Les Echos, giám đốc một bệnh viện của chính phủ ở Nabatié, miền nam Liban, cách biên giới Israel chưa tới 20 km, cho biết: “Chúng tôi đã dự trữ thiết bị y tế, bình ô xy và nhiên liệu cho các máy phát điện cho bệnh viện”. Một số người dân tại đây đã chạy lên miền bắc để lánh nạn trước. Còn theo nhật báo Israel Haaretz, người dân ở miền bắc Israel đã được lệnh lánh nạn trong các hầm trú ẩn khi có báo động.