Không nơi nào an toàn ở Gaza khi Israel tăng cường tấn công

EPA
Chụp lại hình ảnh,Cuộc tấn công của Israel đã tàn phá nhiều khu vực ở Rimal, khu phố giàu có nhất của Thành phố Gaza, vào tối thứ Hai

  • Tác giả,Rushdi Abu Alouf
  • Vai trò,BBC News, thành phố Gaza
  • 11 tháng 10 2023

“Chúng tôi đi về đâu? Có nơi nào an toàn trong khu phố này, nơi rất yên tĩnh và xinh đẹp không?” cư dân của một khu chung cư ở Rimal hỏi tôi với giọng chua chát.

Tôi vừa trải qua bảy giờ đồng hồ khó khăn nhất trong cuộc đời mình ở nơi đó, khi các máy bay chiến đấu của Israel tiến hành một đợt không kích khác nhằm trả đũa cuộc tấn công chưa từng có của nhóm phiến quân Palestine vào miền nam Israel, từ Dải Gaza hôm thứ Bảy.

Các cuộc tấn công của Israel cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho hàng chục tòa nhà dân cư, văn phòng của các công ty viễn thông và tòa nhà giảng viên của Đại học Hồi giáo Gaza.

Những vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển khu vực suốt đêm thứ Hai. Trẻ em la khóc và không ai có được một phút chợp mắt.

Đó là một đêm mà người dân của Rimal – khu phố giàu có nhất và thường là yên tĩnh nhất của Thành phố Gaza – sẽ không quên trong một khoảng thời gian dài.

Khi bình minh vừa ló dạng vào thứ Ba, cường độ của các cuộc tấn công giảm dần và người dân nhận ra mức độ tàn phá. Cơ sở hạ tầng của khu vực phía Tây Nam bị hư hại nghiêm trọng và hầu hết các con đường dẫn đến đó đều bị đứt đoạn.

Khi tôi lái xe xung quanh, cảm giác như thể vừa có một trận động đất xảy ra. Những đống đổ nát, kính vỡ và hệ thống dây điện bị đứt nằm vương vãi khắp nơi. Sự tàn phá đến mức tôi không thể nhận ra một số tòa nhà mà tôi đi qua.

“Tôi đã mất tất cả. Căn hộ của tôi, nơi năm đứa con của tôi sống, nằm ngay trong tòa nhà này. Cửa hàng tạp hóa của tôi phía bên dưới tòa nhà đã thành đống đổ nát”, Mohammed Abu al-Kass nói với tôi khi bế con gái Shahd đi trên phố.

“Chúng tôi đi về đâu? Chúng tôi đã trở thành người vô gia cư. Không còn nơi ở hay việc làm cho chúng tôi nữa.”

“Có phải nhà tôi và cửa hàng tạp hóa của tôi là mục tiêu quân sự không, Israel?” ông nói thêm, cáo buộc quân đội Israel đã dối trá khi nói rằng họ không nhắm mục tiêu vào thường dân.

Bộ Y tế Palestine cho biết khoảng 300 người, 2/3 trong số đó là dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza hôm thứ Hai. Đó là ngày chết chóc nhất ở nơi này trong suốt nhiều năm.

Ít nhất 15 người thiệt mạng tại trại tị nạn Jabalia nơi đông đúc dân cư, phía đông bắc thành phố Gaza, vào buổi chiều. Quân đội Israel cho biết họ nhắm mục tiêu vào nhà của một chỉ huy Hamas. Nhưng nhiều người ở khu chợ gần đó hoặc ở những ngôi nhà lân cận đã thiệt mạng.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Hậu quả của một cuộc không kích ở khu vực Gazan

Khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc

Theo Bộ Y tế, tổng số người chết ở Gaza kể từ thứ Bảy hiện ở mức 900, trong đó có 260 trẻ em. Có khoảng 4.500 người khác bị thương.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở vùng lãnh thổ quá đông dân và nhỏ bé này cũng ngày càng sâu sắc hơn.

2,2 triệu cư dân của Gaza đang cạn kiệt nguồn lương thực, nhiên liệu, điện và nước sau khi chính phủ Israel ra lệnh “bao vây toàn diện” và cắt toàn bộ nguồn cung cho Gaza để trả đũa cuộc tấn công của Hamas.

Cuộc tấn công bất ngờ hôm thứ Bảy đã sát hại 1.000 người ở phía Israel và khoảng 100 đến 150 con tin đã bị phiến quân bắt qua biên giới vào Gaza.

Waad al-Mughrabi nói khi nhìn tòa nhà bị phá hủy bên cạnh nhà mình ở Rimal: “Bạn có thể tưởng tượng rằng chúng ta đang sống mà không có điện hoặc nước trong Thế kỷ 21 không? Con tôi đã hết tã lót và chỉ còn lại nửa chai sữa”.

“Có phải con tôi đã tấn công Israel không?”

Bên ngoài siêu thị lớn nhất Gaza, nơi mở cửa lần đầu tiên kể từ hôm thứ Bảy, hàng chục người đang xếp hàng trước một cửa sau nhỏ. Họ hy vọng mua được bất cứ thứ gì có thể vì sợ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài.

Hầu hết rau quả tươi của Gaza được trồng ở phía nam lãnh thổ và tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng đồng nghĩa với việc khâu vận chuyển chúng về phía bắc sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

EPA
Chụp lại hình ảnh,LHQ cho biết 200.000 người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa vì sợ hãi hoặc vì nhà cửa bị phá hủy

Cho đến nay, vẫn chưa có chuyến vận chuyển thực phẩm hoặc hàng hóa thiết yếu nào khác từ Ai Cập, quốc gia luôn phong tỏa chặt chẽ Gaza, cùng với Israel, kể từ khi Hamas tiếp quản lãnh thổ vào năm 2007 vì lý do an ninh.

Người dân cũng không thể chạy trốn khỏi Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah giáp với Ai Cập. Bộ Nội vụ Palestine ở Gaza cho biết, thường chỉ 400 người mỗi ngày được phép ra vào, nhưng các cuộc không kích của Israel hôm thứ Hai và thứ Ba đã đánh trúng một cổng vào phía Palestine, chặn hết mọi cuộc vượt biên.

Điều đó đã đẩy hầu hết trong số 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa để trú ẩn trong các trường học do Liên hợp quốc điều hành. Một số người bỏ chạy trong sợ hãi, trong khi số khác chứng kiến ​​nhà cửa của họ bị phá hủy bởi các cuộc không kích.

Một số người dân Gaza chọn cách trú ẩn dưới tầng hầm, nhưng họ có nguy cơ bị mắc kẹt bên trong nếu tòa nhà phía trên sụp đổ. Khoảng 30 gia đình bị kẹt trong một tầng hầm vào đêm thứ Hai.

Mohammed al-Mughrabi, cư dân Rimal cho biết: “Trong các cuộc chiến trước đây, khu vực này của thành phố là nơi trú ẩn an toàn cho người dân ở các khu vực biên giới [với Israel]”.

Cuộc tấn công của Israel vào đêm thứ Hai cho thấy không nơi nào an toàn nữa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment