NHNN cảnh báo tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng

RFA
2023.10.11

sharethis sharing button

NHNN cảnh báo tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng

tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng hơn năm ngoái (HMH)

 VNN

Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm 2022.

Đó là nội dung trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ký gửi đến Quốc hội trong ngày 8/10 và được truyền thông loan trong ngày 11/10.

Nội dung báo cáo thể hiện, tính đến ngày 21/9/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,62 triệu tỷ đồng, tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Tín dụng cho lĩnh vực BĐS thường chiếm tỷ trọng khoảng 21% tín dụng của toàn nền kinh tế, song trong bảy tháng đầu năm 2023, tín dụng BĐS chỉ tăng 4,99%.

Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS trong bảy tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (18,95%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) – đây là mức tăng trưởng rất cao (gấp hơn bốn lần tăng trưởng tín dụng chung) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS (chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS) lại giảm 1,36%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong ba năm gần đây. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, NHNN cho rằng thủ tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Hiện nhiều địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư nên chưa công bố danh mục; nguồn thu nhập của khách hàng mua nhà ở bị sụt giảm do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn.

Cũng trong ngày 11/10, theo báo cáo của NHNN về kết quả ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD), tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn…trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro. 

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Bài Liên Quan

Leave a Comment