Các tổ chức quốc tế đệ trình LHQ về những vi phạm của Hà Nội cho kỳ UPR 2024

2023.10.12

sharethis sharing button

Các tổ chức quốc tế đệ trình LHQ về những vi phạm của Hà Nội cho kỳ UPR 2024

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

 Reuters

Một số tổ chức quốc tế vào ngày 11/10 cho biết cùng nhau đệ trình đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc văn bản về những vi phạm quyền con người của chính phủ Việt Nam.

Văn bản được đệ trình cho Kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ quát (UPR) đối với Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tư năm tới tại Geneva.

Các tổ chức vừa nêu gồm Văn bút (PEN) Hoa Kỳ, cùng với Văn bút Quốc tế và Trung tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại cùng đệ trình một văn bản; Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng Ủy Ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cùng đệ trình một văn bản.

FIDH và VCHR từ Pháp đưa ra trong văn bản đệ trình mọi chi tiết về việc Việt Nam không thực hiện những khuyến nghị chính yếu mà Hà Nội chấp nhận tại kỳ UPR hồi năm 2019. Đó là những vi phạm thuộc các lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự; phê chuẩn một số thỏa ước quốc tế nhân quyền; xử án công bằng và tư pháp; án tử hình; bảo vệ quyền tự do biểu đạt (gồm cả trên mạng); quyền tự do hội họp ôn hòa, quyền lập hội, và quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo.

Tài liệu của PEN cũng nêu ra những vi phạm quyền tự do biểu đạt, quyền văn hóa, quyền riêng tư, quy trình tố tụng, và tình trạng bắt giữ tùy tiện.

Thông cáo phát đi từ New York của ba nhóm Văn bút vừa nêu cho biết thông qua cơ chế UPR, Hội đồng Nhân quyền LHQ và các quốc gia thành viên nên xem xét chặt chẽ hành xử gần đây của Hà Nội đối với quyền tự do biểu đạt và đưa ra những khuyến nghị cụ thể có thể dẫn đến cải thiện đáng kể cho đời sống của người dân trong nước Việt Nam.

Điều phối viên phụ trách nghiên cứu và chiến dịch của Văn bút Hoa Kỳ, bà Võ Anh Thư, trong thông cáo nêu rõ: “Trên trường quốc tế, Chính phủ Việt Nam phô diễn hoàn hảo nghệ thuật đãi bôi về quyền tự do biểu đạt và nhân quyền qua tuyên bố ủng hộ những khuyến nghị của kỳ UPR trước. Nhưng trong thực tế, Việt Nam vẫn duy trì một thành tích tồi tệ liên quan đến quyền tự do ngôn luận; như trong Chỉ số Tự do Sáng tác của Văn bút Hoa Kỳ năm 2022 cho thấy Việt Nam là đất nước giam cầm nhà văn nhiều thứ tư trên thế giới.”

Còn ông Lloyd Duong thuộc Văn bút Việt Nam Hải ngoại thì nhận định rằng thực tế nhân quyền tại Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam suy thoái đáng kể qua hai Điều luật Hình sự 117 và 331, làm co hẹp không gian dân sự và kết tội việc bình luận về những vấn đề đất nước.

Trưởng khu vực Châu Á/Thái Bình Dương của Văn bút Quốc tế thì cho rằng một phần nỗ lực của Chính phủ Hà Nội trong việc kiểm soát bình luận xã hội và dập tắt tiếng nói đối lập là không ngừng vũ khí hóa hệ thống luật pháp chống lại giới văn sĩ, nhà báo và những người khác dám chỉ trích chính phủ hay thách thức chủ trương, đường lối của Nhà nước.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment