Sự bùng nổ của cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và tổ chức Hamas của Palestine đã đặt Nga vào thế khó xử, khi Matxcơva, về truyền thống, cố mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Israel và các đồng minh ở Trung Đông.
Đăng ngày: 12/10/2023
Các nhà phân tích cho rằng lập trường của Nga về cuộc xung đột hiện tại ở Israel có thể sẽ không rõ ràng và sẽ là một thách thức đối với Matxcơva, và điện Kremlin phải uyển chuyển do các mối quan hệ phức tạp của mình trong khu vực.
Nga có mối quan hệ nồng ấm và mang tính xây dựng với Israel trong những năm gần đây. Nhưng kể từ khi xâm chiếm Ukraina vào năm ngoái, Matxcơva đã tăng cường đáng kể mối quan hệ quân sự với Iran, kẻ thù truyền kiếp của Israel và là quốc gia được biết đến như là nhà cung cấp tài chính và vật chất cho nhóm chiến binh Hamas, nhóm đã phát động một cuộc tấn công chưa từng có chống lại Israel vào cuối tuần qua.
Tatiana Stanovaya, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia và là người sáng lập công ty phân tích R.Politik, cho biết trong một phân tích hôm 09/10 rằng “lập trường của Nga về cuộc xung đột này rất phức tạp”.
Bà Stanovaya nói : “Một mặt, Matxcơva có thể dựa vào một quá khứ từng đứng ra hòa giải nội bộ Palestine và mối quan hệ với Hamas để có vai trò trong mọi tiến trình hòa bình giữa hai bên. Matxcơva cũng nhận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ ngày càng gia tăng với Iran và các quốc gia Ả Rập. Mặt khác, bất chấp những căng thẳng gần đây, mối quan hệ của Nga với Israel vẫn khăng khít và thực dụng, được đánh dấu bằng các đường dây liên lạc cởi mở, một sự phối hợp thực dụng nhất định ở Syria và có chung quan điểm về ý nghĩa lịch sử của Đệ Nhị Thế Chiến. Việc Israel không ban hành các biện pháp trừng phạt chống Nga cùng với phương Tây cũng là điều đáng chú ý.”
Lập trường trung lập vì lợi ích ?
Nga chiếm một vị trí gần như độc đáo trong địa chính trị Trung Đông, vì đã xây dựng được những liên minh với các quốc gia là kẻ thù không đội trời chung của nhau – như Iran và Israel, hay Iran với cường quốc sản xuất dầu mỏ Ả Rập Xê Út – và tự coi mình là “nhà môi giới quyền lực”.
Trong khuôn khổ những nỗ lực của tổng thống Vladimir Putin nhằm mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện của Nga trong khu vực, Matxcơva đã hỗ trợ chế độ Bashar Assad ở Syria (một quốc gia, giống như Iran, không công nhận Israel là một quốc gia hợp pháp) và đổi lại, Nga hiện diện quân sự ở Syria, và tìm cách tăng cường mối quan hệ – hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng với Liban, Ai Cập và Irak.
Nga đặc biệt thân thiết với Iran, và tình báo phương Tây nhận định rằng Teheran đã cung cấp cho Matxcơva vũ khí quân sự, chủ yếu là drone, pháo và xe tăng để sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraina.
Iran luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng thừa nhận đã bán drone cho nước này vài tháng trước khi Ukraina bị xâm lược vào tháng 02/2022.
Putin cũng có mối quan hệ mật thiết với thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, người đã tận dụng ảnh hưởng của Nga ở Syria để bảo vệ biên giới phía bắc của Israel.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã đặt Israel vào thế “bị động”, khi các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, được cho là đã gây áp lực buộc ông Netanyahu phải giữ khoảng cách với tổng thống Putin và ủng hộ Ukraina.
Israel cho đến nay chỉ đưa ra những lời kêu gọi về một “giải pháp ngoại giao” để chấm dứt xung đột và vẫn không cung cấp vũ khí cho Ukraina, và ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì hành động xâm lược của điện Kremlin.
Ông Putin cũng hội đàm với thủ tướng Irak Mohammed Shia’ Al Sudani tại điện Kremlin hôm 10/10 và tình trạng bất ổn ở Trung Đông dường như nằm trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, trước sự bùng phát bạo lực ở Israel vào cuối tuần qua, Nga có phản ứng ban đầu kín đáo, với việc bộ Ngoại Giao nước này đưa ra tuyên bố kêu gọi hai bên ngừng bắn. Bộ Ngoại Giao Nga cũng tận dụng cơ hội này để chỉ trích năng lực kém cỏi của phương Tây trong việc tìm ra một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, chỉ trích phương Tây đã ngăn cản nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế, cụ thể là Nga, để tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa hai bên.
Điện Kremlin hôm 09/10 cho biết “cực kỳ quan ngại” trước tình hình này, nhưng cũng “tiết lộ” là ông Putin chưa có kế hoạch liên lạc với các quan chức Israel hoặc Palestine để thảo luận về cuộc khủng hoảng an ninh này.
Một điều đáng chú ý khác là tại cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các thành viên của Hội Đồng đã không đạt được sự đồng thuận về việc lên án cuộc tấn công của Hamas. Nga và Trung Quốc lên án “tất cả các cuộc tấn công nhắm vào thường dân”, nhưng không công khai lên án hành vi bạo lực do nhóm phiến quân gây ra. Họ cũng ám chỉ đến những thiếu sót của Israel và “những vấn đề chưa được giải quyết” mà họ cho rằng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Cả hai nước đều tán thành giải pháp hai Nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài âm ỉ.
Do Israel chỉ nhận được sự hỗ trợ “không nhiệt tình” từ phía Nga, Ian Bremmer, người sáng lập và chủ tịch của Eurasia Group, cho rằng “mối quan hệ Nga-Israel, vốn rất cân bằng, sẽ có thể đổ vỡ sau các cuộc tấn công của Hamas”.
Về phần mình, Iran phủ nhận việc dính líu đến cuộc tấn công bất ngờ của Hamas chống lại Israel, tuy nhiên, Teheran đã chúc mừng nhóm chiến binh này vì những gì họ mô tả là “cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” trên toàn khu vực.
Trong khi đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 08/10 trong chương trình “State of the Union” của CNN rằng Washington “chưa thấy bằng chứng nào cho thấy Iran chỉ đạo hoặc đứng sau cuộc tấn công này, nhưng chắc chắn hai bên đã có mối quan hệ từ lâu”.
Nga và Iran
Đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông, không có gì chắc chắn về mức độ trung lập mà Nga tự xác định cho mình, bởi việc nước này xâm chiếm Ukraina và sức nặng của các lệnh trừng phạt quốc tế mà phương Tây ban hành với Nga chắc chắn đã đẩy nước này xích lại gần hơn với các cường quốc trong khu vực như Iran.
Iran là một trong số ít đồng minh quốc tế còn sót lại mà Nga có thể bấu víu vào nhằm bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt, trong lúc Kremlin vẫn tiếp tục cuộc chiến chống Ukraina. Một số người cho rằng, trong cuộc xung đột này, giờ đây, Nga tìm cách “sống sót” khi phải đối mặt với Ukraina và các nước phương Tây ủng hộ Kiev về mặt tài chính và thiết bị quân sự.
Bộ Quốc Phòng Anh hôm 09/10 cho rằng Nga sẽ xích lại gần Iran hơn, đồng thời lưu ý trong một bản cập nhật của tình báo trên mạng X (tiền thân là Twitter) rằng “việc bị cô lập trên trường quốc tế đã buộc Nga phải chuyển hướng các nỗ lực chính sách đối ngoại của mình sang các mối quan hệ đối tác trước đây ít mong muốn để nhận được sự hỗ trợ về ngoại giao, kinh tế và quân sự”.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đã nhận định hôm 07/10 rằng Nga chắc chắn có thể sẽ tìm cách lợi dụng sự bùng phát bạo lực ở Israel để đánh lạc hướng chú ý của quốc tế tới các hành động của Matxcơva ở Ukraina.
Các chuyên gia ở ISW nhấn mạnh là điện Kremlin đã tăng cường một số hoạt động tuyên truyền sau cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel – chủ yếu đổ lỗi cho phương Tây đã lơ là các cuộc xung đột ở Trung Đông để ủng hộ Ukraina – và cho biết Nga khẳng định là cộng đồng quốc tế sẽ không còn chú ý tới Ukraina nữa.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, tuyên bố trên mạng X rằng Mỹ và các đồng minh lẽ ra phải “lo” tìm ra “giải pháp hòa bình cho Palestine-Israel” thay vì “can thiệp” vào Nga và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraina.
Trong khi đó, nhà tuyên truyền nổi tiếng người Nga Sergei Mardan tuyên bố trên Telegram rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ cuộc xung đột ở Israel vì thế giới “sẽ không để ý đến Ukraina trong một thời gian do lại phải lo đi dập tắt ngọn lửa vĩnh cửu ở Trung Đông”.
Nguồn : CNBC