Ba Lan: Cử tri gốc Việt nói cần dùng lá phiếu ‘bảo vệ pháp quyền và dân chủ’

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,Hòm phiếu ở Ba Lan- hình tư liệu

14 tháng 10 2023

Cuộc tổng tuyển cử tại Ba Lan vào Chủ Nhật 15/10 năm nay được đánh giá là có tầm quan trọng nhất trong nhiều thập niên, theo BBC News.

Thậm chí, có ý kiến, như của lãnh đạo phe đối lập, ông Donald Tusk còn cho rằng đây là kỳ bầu cử “quan trong nhất từ năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan sụp đổ”.

Các đảng chính trị Ba Lan sẽ giành phiếu nhưng khó có một đảng nào, kể cả đảng Pháp luật và Công lý (PiS), cầm quyền tám năm qua dự kiến chiếm đa số phiếu.

Vì dù PiS có thể đạt được gần 35% phiếu cử tri, cao hơn Liên minh Công dân (KO) nhưng 7-8-10% phiếu có thể sẽ rơi vào các đảng nhỏ hơn trong Quốc hội mới.

Bởi vậy, việc hình thành liên minh cầm quyền của một đảng lớn với các đảng nhỏ hơn để có đa số ghế nghị sĩ trong Hạ viện (Sejm), cho phép họ lập tân nội các còn là điều chưa rõ.

Từ những ngày qua, một số thành viên của cộng đồng Ba Lan gốc Việt tại Warsaw và các thành phố lớn, vốn quan tâm nhiều tới chính trị quốc gia là quê hương mới của họ, đã lên tiếng vận động cho đảng của họ.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Bích, cựu du học sinh VN, hiện sống tại Ba Lan.

Câu hỏi đầu tiên là với tư cách một công dân Ba Lan và đã nhiều lần đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc hội, hội đồng địa phương, ông đánh giá về tầm quan trọng của cuộc đầu phiếu năm nay như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Từ ngày đảng PiS lên nắm chính quyền, theo tôi thấy, họ đã làm lùi đất nước Ba Lan trên nhiều lĩnh vực. Xin được nêu ra như sau. Về chính sách đối nội, PiS đã ghép Bộ trưởng bộ tư pháp với Viện trưởng viện kiểm sát làm một. Với danh nghĩa cải cách hệ thống pháp luật, PiS đã làm tất cả những gì để ngành Tư pháp và Tòa án phụ thuộc chính quyền, trái với những giá trị cốt lõi của EU là tam quyền phân lập.

Còn về truyền thống, sống ở Ba Lan từ những ngày chuyển sang thể chế dân chủ, tôi thấy PiS đã biến đài truyền hình nhà nước TVP thành phương tiện độc quyền của mình, đặc biệt kênh TVP Info, chỉ để ca ngợi chính phủ và nói xấu những gì trái với đường lối của đảng PiS. Rất may ở Ba Lan còn có hai đài truyền hình tư nhân là TVN và Polsat, nơi mà người dân còn tìm được thông tin khách quan.

Về kinh tế, rõ ràng là chính phủ PiS đã thâu tóm các công ty nhà nước, cử các đảng viên PiS nắm các chức vụ chủ chốt, kể cả khi họ không có trình độ nghiệp vụ.

PiS cũng độc quyền hai cơ quan cực kỳ quan trọng, trong kiến trúc của một nhà nước pháp quyền, đó là Tòa án Hiến pháp và Ngân hàng trung ương. Họ biến nó thành nơi phục vụ cho các mục đích của đảng. Về chính sách dân sinh, PiS tập trung vào phân phát tiền, cho các tầng lớp cử tri chính của mình. Đó là người nghèo, đông con, lười lao động, người hưu trí, bằng các chương trình nổi tiếng 500+,tức là mỗi gia đình có con đầu lòng thì nhận 500 zloty/tháng cho một trẻ em, tăng lên cho các con thứ hai, thứ ba. Họ cũng cấp lương hưu tháng 13 và 14.

Để có kinh phí cho các chính sách mị dân, PiS phải lấy tiền ở chỗ khác, bằng cách tăng thuế, tăng tiền bảo hiểm sức khỏe, thắt chặt các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. PiS cũng ưu tiên tập đoàn tôn giáo của linh mục Rydzyk, để lấy lòng các cử tri theo đạo Thiên Chúa giáo La Mã.

Suốt 8 năm cầm quyền, và đặc biệt trong những ngày gần đây, PiS dùng ngôn ngữ tàn bạo, đối đầu với các đối thủ chính trị của mình, với cử tri không theo họ. Họ tận dụng mọi mánh khóe và những gì có thể, cả quân đội, an ninh quốc gia và bộ máy nhà nước để vận động bầu cử, trái với Hiến pháp Cộng hòa Ba lan.

Người Việt đang sống ở Ba Lan chứng kiến những scandal của chính quyền PiS, như vụ visa, vụ nghe trộm điện thoại của một số nhà chính trị đối lập cả với tướng về hưu, về lạm dụng quyền hành, về chia rẽ và xếp loại người dân.

Gdanks
Chụp lại hình ảnh,Phố Gdanks với hình lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa- người dẫn dắt phong trào công nhân chống chế độ XHCN phụ thuộc Moscow, giành lại nền dân chủ cho Ba Lan năm 1989
Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,Các nhóm vận động cho đảng cánh hữu PiS đang cầm quyền nhắm vào cử tri cao niên, muốn được trợ cấp từ nhà nước

Về chính sách đối ngoại, PiS gây mất đoàn kết với các nước láng giềng, coi thường một số luật pháp của EU. Kể từ 1989 chưa một chính phủ Ba lan nào, bị cô lập ở châu Âu và EU như chính phủ PiS. Để tập trung đội ngũ cử tri của mình, cứ mỗi lần bầu cử, PiS lại dùng con bài chống Đức chống EU.

Vì những lẽ trên, tôi thấy cuộc bầu cử Quốc hội lần này là cuộc bầu cử quan trọng nhất của Ba Lan, kể từ khi giành độc lập năm 1989. Nó sẽ quyết định cho hướng đi của Ba Lan, về phía Tây văn minh, hay về hướng Đông của Belarus lạc hậu, của Nga độc tài. Khả năng Polexit là hoàn toàn có thể, nếu PiS giữ được chính quyền thêm 4 năm nữa. Cuộc bầu cử lần này cũng sẽ quyết định, liệu Ba Lan còn tự do ngôn luận, tự do dân chủ. Liệu mỗi người dân còn được tự do lựa chọn, tự do quyết định sống ở đâu, như thế nào? Liệu người dân Ba lan còn phải thở trong không khí ngột ngạt, như tám năm vừa qua.

BBC: Quan điểm chính trị của ông và một số bạn bè là công dân Ba Lan gốc Việt ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Tất nhiên, tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi này với tư cách cá nhân. Tuy không tham gia hoạt động ở bất kỳ đảng phái nào của Ba Lan, nhưng tôi luôn quan tâm đến tình hình chính trị và pháp luật ở Ba Lan.

Có lẽ, cũng như tất cả các anh chị em sinh viên và nghiên cứu sinh sang Ba Lan, đi du học vào những năm 70-90 của thế kỷ trước, những năm đầu tiên tôi luôn có cảm tình với cánh tả, bởi chúng ta xuất thân từ chế độ xhcn. Đến nay tôi đã chuyển dần về trung tâm. Đó là cấp tiến trong kinh tế, hòa nhập với EU, tôn trọng và xây dựng một nhà nước pháp quyền. Nơi tất cả các công dân, từ tổng thống đến thường dân đều có quyền bình đẳng như nhau. Nơi nhà nước tôn trọng các giá trị tự do ngôn luận, tôn trọng pháp luật, tôn trọng kinh tế thị trường, tài sản tư nhân, tự do đi lại, tự do biểu tình.

Nơi mà chính quyền và các cơ quan nhà nước là để phục vụ người dân, không hành hạ và độc đoán trong các quyết định của mình. Một nhà nước thân thiện không chỉ với người dân mà với cả môi trường.

Tôi nghĩ phần lớn các bạn bè người Việt của tôi ở Ba Lan có cái nhìn như vậy.

BBC: Nhìn chung thì ý thức chính trị của những người Việt Nam mà ông biết về tình hình Ba Lan là thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Người Việt ở Ba Lan có thể chia làm hai nhóm (tôi chỉ hạn chế ở thế hệ người Việt thứ nhất), nhóm biết tiếng Ba Lan, đó là những lưu học sinh, nghiên cứu sinh. Nhóm thứ hai là những người không biết biết tiếng, sang Ba Lan để cải thiện tình trạng kinh, trong số này có một số chịu khó học tiếng. Với những người biết tiếng Ba Lan thì việc hòa nhập với dân bản xứ là dễ dàng, họ hiểu pháp luật nước sở tại, chịu khó theo dõi tin tức và tình hình chính trị. Một số anh chị em còn tham gia các hoạt động với người Ba Lan. Rất tiếc, ngoài số lượng rất ít kể trên, phần lớn người Việt sang đây buôn bán, có vốn tiếng Ba Lan rất hạn chế, vì vậy ý thức chính trị còn ít ỏi. Họ không biết sự vận hành của một nhà nước pháp quyền, của sức mạnh lá phiếu, về các đảng phái của nước sở tại. Nguyên nhân chính, theo tôi nghĩ, đó là rào cản tiếng Ba Lan.

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,Người VN ở Ba Lan tham gia cứu trợ xã hội trong thời kỳ đại dịch Covid

BBC: Có những người gốc VN ủng hộ đảng đang cầm quyền PiS hay không? Nếu ông biết thì họ hẳn phải có lý do cho quan điểm đó?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Tất nhiên, cũng như ở tất cả các xã hội, nhóm người Việt ở Ba Lan cũng có những cách nhìn và quan điểm khác nhau về chính trị. Nhưng phần lớn bạn bè và những người Việt có quốc tịch Ba lan, mà tôi biết, đều ủng hộ phe đối lập. Ủng hộ PiS chỉ là một số nhỏ. Ở các nước dân chủ, mỗi đảng đều có cương lĩnh và chính sách của mình. Nắm quyền lực, là để họ thực hiện những mục tiêu, những, lời hứa với nhóm cử tri của mình.

Năm 2015 khi PiS tranh cử đã đưa ra một số chính sách về dân sinh, về trợ cấp cho các tầng lớp người nghèo, và phân chia thành quả kinh tế mà Ba lan có được. Các chính phủ Ba lan trước đó không nhìn thấy điều này, ví dụ chương trình 500+ giờ đây là 800+, lương hưu tháng thứ 13 và 14. về thắt chặt lỗ hổng của thuế VAT. Trong con mắt của nhiều người dân Ba lan, chính phủ PO-PSL trước đó, không để ý đến. Với nhiều cử tri, chính phủ PiS là một chính quyền công bằng, biết chăm sóc đến người nghèo, người già.

Vì lẽ đó, một số người Ba Lan gốc Việt cũng chia sẻ cách nhìn, và đồng tình với chính phủ PiS, đó cũng là chuyện bình thường. Đó là mặt tốt của PiS, nhưng mặt xấu thì nhiều gấp bội. Những bạn bè người Việt ủng hộ PiS, mà tôi biết, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng phải nói rằng cùng với dân Ba Lan, có lẽ người Việt chưa khi nào lại bị chính quyền PiS gây khó dễ trong làm ăn kinh tế, như những năm gần đây. Vì vậy, quan điểm riêng của tôi là cần chung tay cùng với phần lớn bạn bè Ba Lan, thay đổi cuộc sống, bằng lá phiếu của mình.

BBC: Cuộc chiến của Nga tại Ukraine là chủ đề khá chia rẽ người Việt Nam trong nước và ở vùng Đông Âu, nhưng lại có liên hệ chặt chẽ với bầu cử ở Ba Lan năm nay, xin ông cho biết quan điểm của mình?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Việc tôi và phần lớn các bạn bè người Việt ở Ba Lan ủng hộ cuộc chiến tranh giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Ukraine là hiển nhiên như mặt trời mọc. Điều này xuất phát từ lương tâm của mỗi người, của những người yêu hòa bình và công lý.

Ba Lan là một nước đi đầu ở châu Âu và trên thế giới trong việc giúp đỡ về quân sự, chính trị, tài chính, tiếp nhận hàng triệu người di tản từ Ukraine, trong thời gian qua chắc ai cũng biết. Ba Lan là đường hậu cần tiếp tế viện trợ từ phương Tây đến Ukraine, là hậu phương của nước láng giềng. Tất cả các đoàn khách quốc tế muốn sang thăm Ukraine, đều phải qua Ba Lan. Từ một sân bay tỉnh lẻ, Rzesov trở thành sân bay quan trọng của NATO và các quốc gia ủng hộ Ukraina.

Gần đây giữa Ba Lan và Ukraine có những bất đồng trong khủng hoảng ngũ cốc, dẫn đến quan hệ xấu chưa từng có giữa hai nước. PiS để tranh giành với đảng cực hữu, cực đoan Konfederacja đã có những phát ngôn, những quyết định nhằm lôi kéo một lượng cử tri nông thôn. Các quan chức chính phủ PiS kế cả tổng thống Andrzej Duda, thủ tướng Mateusz Morawiecki đã có những hành xử theo tôi là không cần thiết, đặt lợi ích của đảng trên lợi ích quốc gia.

Công bằng mà nói, các quan chức Ukraine đã đổ thêm dầu vào lửa, bằng những phát ngôn và hành sử thiếu chín chắn. Điều này dẫn đến sự bất bình, của người dân Ba lan, về những gì họ đã làm cho Ukraine từ đầu cuộc chiến đến nay.

Đặc biệt là, lịch sử của hai nước có những trang còn đen tối, chưa đi đến thống nhất ý kiến và hòa giải. Ví dụ, việc vụ thảm sát khoảng 100.000 người Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới II, do các đơn vị dân tộc chủ nghĩa cực đoan Ukraine gây ra ở vùng Volhynia và Đông Galicia. Đây là một phần của chính sách thanh lọc sắc tộc tại vùng đất Ba Lan bị Đức quốc xã chiếm đóng, do Quân đội Quốc gia Kháng chiến Ukraine (UPA) thực hiện.

BBC: Xin ông giới thiệu qua về các đảng phái Ba Lan tranh cử vào lưỡng viện Quốc hội cuối tuần này?

Ông Nguyễn Xuân Bích: Bầu cử lần này thực chất là cuộc chạy đua vào Quốc hội của 5 đảng chính trị, đó là PiS, PO, TD, NL Konfederacja. Quan sát những gì đài báo đăng tải, tôi thấy có ba kịch bản có thể xảy ra:

Kịch bản thứ nhất: PiS được hơn 42 % số phiếu và đạt số ghế quá bán, tức 231. Khi đó, PiS sẽ thành lập chính phủ của mình. Khả năng này chỉ có thể xảy ra, khi TD không vượt quá 8%.

Kịch bản thứ hai: PiS và Konfederacja thành lập liên minh để có đa số 230+1 ghế. Đây là kịch bản tồi tệ nhất cho Ba lan cũng như cho Ukraine. Bởi vì, Konfederacja là một đảng cánh hữu cực đoan, kỳ dân tộc chủ nghĩa, chống Ukraine, chống EU và Đức. Một số đảng viên của họ thân Nga và coi tổng thống Nga, Putin là thần tượng.

Kịch bản thứ ba: phe đối lập dân chủ, liên minh ba đảng PO + NL + TD, giành được đa số 230+1 ghế. Đây là kịch bản lý tưởng cho những người yêu tự do, yêu dân chủ, hòa đồng với châu Âu và nền văn minh phương Tây, và cũng là cho Ukraine.

Chỉ có chính phủ mới của phe đối lập dân chủ mỗi có thể được cải thiện được quan hệ giữa Ba lan và Ukraine vốn đã bị chính quyền PiS và các phát ngôn trả đũa của Kiev làm xấu đi rất nhiều trong thời gian vừa qua. Cả hai bên đã đi quá xa, và theo tôi, khó để một nào đó trong hai bên, nói một lời xin lỗi trước. Điều này ảnh hưởng đến tình cảm của người dân hai nước, và một phần nào đó ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh chống Nga xâm lược.

Ông Nguyễn Xuân Bích sang Ba Lan du học năm 1976, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Gdansk năm 1983 và hiện sống tại thành phố Bydgoszcz, Ba Lan.

Warsaw
Chụp lại hình ảnh,Phép màu kinh tế bên sông Vistula-Ba Lan là nước thành công trong chuyển đổi cả kinh tế và chính trị sau Chiến tranh Lạnh ở Đông Âu

Bài Liên Quan

Leave a Comment