Biên tập viên Steve Rosenberg: ‘Putin sẵn sàng tận dụng cuộc chiến Israel-Gaza’

putin

  • Tác giả,Steve Rosenberg
  • Vai trò,Biên tập viên Tiếng Nga
  • 14 tháng 10 2023

Thật hấp dẫn nếu xem Tổng thống Vladimir Putin như một nhân vật phản diện kiểu trong James Bond ngồi trước tấm bảng điều khiển khổng lồ tại một nơi ẩn náu trên núi cao, gieo rắc hỗn loạn trên khắp thế giới.

Ông ta nhấn một nút và tình trạng bất ổn xảy ra ở vùng Balkan.

Ông ta nhấn một nút khác và Trung Đông bùng nổ.

Kịch bản này nghe hấp dẫn… nhưng có lẽ là không chính xác. Nó phóng đại tầm ảnh hưởng toàn cầu của nhà lãnh đạo Điện Kremlin.

Đúng vậy, Nga có quan hệ với Hamas và đã trở thành đồng minh thân cận của Iran. Theo Mỹ, Moscow và Teheran hiện có quan hệ đối tác quốc phòng chính thức.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Moscow có liên quan trực tiếp hoặc biết trước về cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

“Chúng tôi không tin rằng Nga có liên quan dưới bất kỳ hình thức nào”, đại sứ Israel tại Moscow, ông Alexander Ben Zvi, nói với tờ Kommersant trong tuần này, đồng thời cho biết thêm rằng việc cho rằng Nga có liên quan đến những hành động tàn bạo mà Hamas đã gây ra ở Israel là “hoàn toàn vô lí”.

“Tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc Nga cung cấp vũ khí trực tiếp cho Hamas hoặc về Nga huấn luyện quân sự cho các thành viên Hamas”, Hanna Notte, chuyên gia về Nga và Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu về Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin cho biết.

“Đúng là Nga có mối quan hệ lâu dài với Hamas. Nga chưa bao giờ tuyên bố Hamas là tổ chức khủng bố. Các phái đoàn của Hamas đã đến Moscow năm ngoái và năm nay”.

“Nhưng từ đó, tôi sẽ không suy luận rằng đã có sự hỗ trợ quân sự to lớn. Mặc dù chúng ta biết rằng các hệ thống do Nga sản xuất đã xâm nhập vào Dải Gaza, có thể thông qua Sinai [ở Ai Cập] và với sự hỗ trợ của Iran.”

Nói cách khác, Tổng thống Putin không hề nhấn nút có dòng chữ “Chiến tranh Trung Đông”.

Nhưng liệu ông ta có sẵn sàng tận dụng cuộc chiến không?

Chắc chắn rồi. Và đây là cách điều đó xảy ra.

Mất tập trung với Ukraine

Với sự gia tăng bạo lực ở Trung Đông đang thống trị trên truyền thông quốc tế, Moscow đang trông cậy vào những tin tức kịch tính từ Israel để chuyển sự chú ý khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Nhưng điều này không chỉ đơn thuần là thay đổi trọng tâm tin tức. Chính quyền Nga cũng hy vọng rằng, do tình hình ở Trung Đông, một số nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ được chuyển hướng sang Israel.

“Tôi tin rằng cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình của hoạt động quân sự đặc biệt [ở Ukraine]”, nhà ngoại giao Nga Konstantin Gavrilov nói với tờ báo thân Điện Kremlin Izvestia.

“Các nhà tài trợ của Ukraine sẽ bị phân tâm bởi cuộc xung đột ở Israel. Điều đó không có nghĩa là phương Tây sẽ bỏ rơi Ukraine. Nhưng lượng viện trợ quân sự sẽ giảm… và tiến trình của chiến dịch có thể chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng có lợi cho [Nga]. “

Mong muốn từ phía Nga có khả năng xảy ra? Hoàn toàn có thể.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết tại cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Nato: “Chúng tôi có thể và sẽ sát cánh cùng Israel, ngay cả khi chúng tôi sát cánh cùng Ukraine”.

Nhưng một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông sẽ thử thách khả năng của Mỹ trong việc hỗ trợ đồng thời hai đồng minh trong hai cuộc chiến riêng biệt.

Nga làm trung gian?

Nga đang cố gắng tăng cường vai trò của mình ở Trung Đông bằng cách tự coi mình là một nhà kiến tạo hòa bình tiềm năng.

Nước này đã từng giữ vai trò đó trước đây, tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt xung đột trong khu vực.

Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Nga có thể và sẽ đóng một vai trò trong việc giải quyết [cuộc xung đột]”. “Chúng tôi đang duy trì liên lạc với các bên trong cuộc xung đột.”

Trong chuyến thăm Moscow tuần này, Thủ tướng Iraq đã kêu gọi Tổng thống Putin “công bố sáng kiến về một lệnh ngừng bắn thực sự” trong khu vực.

Nga là người hòa giải? Đó là một cách bán ép.

Rốt cuộc, đây là quốc gia đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng. Sau gần 20 tháng, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã gây ra chết chóc và tàn phá trên quy mô khiến cả thế giới bàng hoàng.

Ngoài ra, việc nói rằng bạn “có thể và sẽ đóng một vai trò” trong việc đạt được hòa bình không đảm bảo rằng những người liên quan đến cuộc xung đột sẽ chấp nhận bạn làm người hòa giải.

Nga tuyên bố sẽ đóng vai trò giải quyết xung đột
Chụp lại hình ảnh,Nga tuyên bố sẽ đóng vai trò giải quyết xung đột

Moscow từ lâu đã quan tâm đến Trung Đông, trong đó Liên Xô có lập trường thân Ả Rập khi Israel xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Trong nhiều năm, chủ nghĩa bài Do Thái do nhà nước bảo trợ đã là một nét đặc trưng của thời Xô Viết.

Sau khi Xô Viết tan rã, quan hệ của Nga với Israel được cải thiện, một phần là do hơn một triệu người Do Thái từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ di chuyển đến Israel.

Nhưng gần đây, nước Nga của Vladimir Putin đã xích lại gần hơn với các kẻ thù của Israel, đặc biệt là Iran – khiến mối quan hệ Nga-Israel rơi vào tình trạng căng thẳng.

Lên án Mỹ

Điện Kremlin tìm kiếm một cơ hội ở đây để làm điều mà họ đã làm rất nhiều – đổ lỗi cho Mỹ.

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel, thông điệp trọng tâm của Vladimir Putin là “đây là một ví dụ về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”.

Thông điệp này phù hợp với mô hình chung của việc Moscow tấn công cái mà họ gọi là “bá quyền của Mỹ”.

Và việc coi Mỹ là thủ phạm chính ở Trung Đông là cách Điện Kremlin củng cố vị thế của Nga trong khu vực trước sự bất lợi của Washington.

Cho đến nay tôi đã nói về những lợi ích tiềm tàng đối với Nga từ các sự kiện ở Trung Đông. Nhưng cũng tồn tại những nguy hiểm.

Hanna Notte tin rằng: “Sự bất ổn được điều chỉnh cẩn thận là điều có ích nhất cho Nga”.

“Nếu cuộc khủng hoảng này làm chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine – và có nguy cơ thực sự về điều đó, do tầm quan trọng của Israel trong bối cảnh chính trị nội bộ của Mỹ – vâng, Nga có thể là bên hưởng lợi ngắn hạn.”

Tuy nhiên, Nga sẽ không được hưởng lợi từ một cuộc chiến lôi kéo cả khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả Iran, quốc gia cung cấp vũ khí và tài chính cho Hamas, bà Notte nói.

“Nga không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran. Nếu mọi chuyện đi theo chiều hướng đó và rõ ràng là Mỹ có quan điểm cứng rắn về phía Israel, tôi nghĩ Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiêng về phía Iran hơn. Tôi không chắc liệu họ có muốn điều đó không.”

“Tôi nghĩ Putin vẫn coi trọng mối quan hệ của mình với Israel. Tôi không nghĩ ngoại giao Nga muốn tiến vào không gian mà họ phải chọn phe. Nhưng nếu cuộc xung đột này càng leo thang, họ càng cảm thấy áp lực.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment