Dải Gaza bị cô lập kể từ đầu tuần qua trong bối cảnh quân đội Israel mở nhiều cuộc oanh kích vào vùng lãnh thổ Palestine để trả đũa vụ tấn công chưa từng có của Hamas. Cho đến nôm nay, 16/10/2023, tình hình vẫn bế tắc. Israel vừa tuyên bố chưa có bất cứ thỏa thuận nào về việc mở « hành lang nhân đạo » từ Ai Cập vào Gaza.
Đăng ngày: 16/10/2023
Tuyên bố được văn phòng thủ tướng Israel đưa ra vào lúc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ai Cập hôm qua, 15/10/2023, để thúc đẩy việc mở một hành lang nhân đạo. Ngoại trưởng Mỹ qua Israel ngày hôm nay.
Theo AFP, tại Cairo, thủ đô Ai Cập, ngoại trưởng Mỹ đã bày tỏ tin tưởng là ‘‘cửa khẩu Rafah sẽ được mở’’. Trước cuộc phong tỏa hoàn toàn hiện nay, Rafah là cửa khẩu duy nhất nối dải Gaza với thế giới bên ngoài. Ông Blinken khẳng định Mỹ ‘‘đang cùng với Liên Hiệp Quốc, Ai Cập và Israel thiết lập một cơ chế’’ cho phép hàng cứu trợ vào Gaza.
Sáng hôm nay, trên mạng xã hội X (tức Twitter cũ), lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell kêu gọi tổ chức Hamas trả tự do ngay lập tức cho các con tin và Israel mở cửa cho viện trợ nhân đạo quốc tế vào Gaza. Tối hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đưa tuyên bố tương tự, với cảnh báo là khu vực Trung Cận Đông đang bên ‘‘bờ vực hỗn loạn’’.
Người phụ trách cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), ông Philippe Lazzarini, cho biết từ 8 ngày nay, ‘‘không có một giọt nước, một hạt lúa mì, một lít xăng nào vào được Gaza’’. Từ nhiều ngày qua, nhiều tàu hàng chở viện trợ nhân đạo quốc tế vẫn chờ tại bán đảo Sinai, Ai Cập. Theo Euro News hôm nay, các phi cơ chở hàng viện trợ của Jordani, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã hạ cánh tại sân bay El-Arich, thủ phủ vùng bắc bán đảo, các thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu của 300.000 người ở dải Gaza do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã được gửi đến đây. Ai Cập đã cử một đoàn 100 xe tải chở 1.000 tấn viện trợ tới.
Khoảng một triệu người Palestine phải sơ tán từ miền bắc Gaza xuống khu vực miền trung và miền nam trong những ngày qua.
Thông tín viên Sami Boukhelifa từ Jerusalem tường trình về tình hình tại Gaza:
Tại Gaza, tình hình là hoàn toàn hỗn loạn, theo lời ông Abu Mounir. Sau nhiều giờ mất tín hiệu, Abu Mounir tranh thủ mạng internet được nối lại trong một thời gian ngắn để ghi âm tin nhắn.
Ông nói: ‘‘Tôi thấy xung quanh tôi có nhiều chiếc xe chở đầy chăn mền và vali. Mọi người cố gắng tìm nơi ẩn náu tại khu vực trung tâm dải Gaza, chỗ tôi đang ở hiện nay. Các trường học chật kín, toàn những người phải sơ tán. Mọi người ẩn náu tại bất cứ nơi nào có thể. Hàng chục người sống chen chúc nhau trong một ngôi nhà. Chao ôi, đây là cuộc sống của người Palestine! Một số phận bi thảm mà những kẻ áp bức đang buộc họ phải gánh chịu.’’
Người bố này tâm sự: ‘‘Những cảnh tượng ấy khiến tôi nhớ lại làn sóng tị nạn Nakba’’, người Palestine buộc phải rời khỏi quê hương vào năm 1948, sau khi nhà nước Do Thái được thành lập. Giờ đây lịch sử lại tái diễn. Ông nói: ‘‘Cộng đồng quốc tế coi như là đồng lõa khi giữ im lặng trước các hành động tàn bạo này. Chúng tôi coi cuộc tấn công của Israel nhắm vào thường dân Palestine là một cuộc tấn công nhắm vào cả một cộng đồng. Hoàn toàn không giống với những gì diễn ra trước đây’’.
Theo ông Abu Mounir, các bệnh viện đang bị quá tải. Các bệnh nhân nặng nhất không còn được điều trị. Không còn giải pháp, các bệnh nhân này bị trả về nhà để sống những ngày cuối đời trong vòng tay gia đình.
Trước chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Ai Cập hôm qua cho biết đã ‘‘kêu gọi tổ chức một thượng đỉnh khu vực và quốc tế về tương lai của người Palestine’’. Ai Cập, nhà trung gian hòa giải lịch sử giữa Palestine và Israel, vốn là quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận Israel.