Suy ngẫm bên lề cuộc chiến Israel-Hamas

October 15, 2023

Israel có thể xóa sổ mảnh đất Gaza, biến nó thành khung cảnh Mặt trăng, kèm theo toàn bộ lực lượng Hamas. Hàng triệu người Palestine chỉ còn cách phá hàng rào thép, hoặc chạy ra biển thoát cái chết ở Gaza. Họ lại tha hương mang theo mối hận thù như người Do Thái đã chịu 2.000 năm trước.

Điều đáng sợ nhất là cuộc chiến tranh này đang chắp cánh cho các tư tưởng cực đoan, đang khoét sâu hố hận thù. Người Do-Thái ở các nước Châu Âu bỗng lo sợ cho sự an toàn của mình trước sự trả thù của người Ả-Rập. Đức và Pháp đã cấm các cuộc biểu tình dưới khẩu hiệu “Tự do cho Palestine“. Trên mạng đầy rẫy những hô hào “Tận diệt Hamas“.


Hiện nay Israel đang chuẩn bị hủy diệt Hamas bằng mọi giá. Bộ trưởng ngoai giao Israel nói: Sau đợt này, sẽ là một Gaza khác. Thủ thướng Netanyahu tuyên bố: Sẽ là một Trung Đông khác. Khác như thế nào? Một nghĩa địa hay một mảnh đất sống thì không ai nói ra. Cựu thủ tướng Israel Bennett phát biểu: Làm gì mà ầm ĩ lên thế? cuộc ném bom lần này vào Gaza, dù có đẫm máu bao nhiêu thì cũng chỉ như Đồng Minh ném bom hủy diệt Dresden của Đức 1945. (25.000 người chết trong một đêm).

Có người cho rằng Hamas đã sai lầm tạo ra Trân Châu Cảng để rồi bị Israel tận diệt, như Mỹ đã tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Vế đầu đúng: Nổi giận vì Trân Châu Cảng, Mỹ đã đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Nhưng vế sau sai: Người Mỹ thắng trận vừa đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ nước Nhật, vừa trao quyền tự quyết cho nhân dân Nhật lại còn bảo đảm danh dự của Nhật Hoàng, vốn là niềm tự hào của người Nhật. Sau đó Mỹ còn giúp đỡ người Nhật dân chủ hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ nghĩa quân phiệt và tư tưởng phục thù hết đất sống, bị tận diệt!


Có người cho rằng mạnh như IS mà còn bị tiêu diệt thì Hamas sức mấy. Đúng, vì Hamas không có tầm cỡ quốc tế, không có tham vọng và khả năng bành trướng như IS. Chúng chỉ hoạt động trong lòng Palestine và chủ yếu là ở Gaza. Nhưng chính vì vậy nên Hamas được coi như một (trong các) ngọn cờ giải phóng dân tộc và được một bộ phận người Palestine ủng hộ. Bên cạnh một chính đảng mang tư tưởng islam, một đội quân hoạt động theo phương thức khủng bố, Hamas còn có một hệ thống xã hội dân sự với các cơ quan cứu trợ, từ thiện, giáo dục làm việc rất hiệu quả. Sau khi Hamas quét đuổi chính quyền tự trị Palestine ra khỏi Gaza năm 2007, Gaza bị cắt hầu hết mọi nguồn tài chính do quốc tế viện trợ. Nhưng ở đó không xảy ra nạn đói, không có bệnh dịch. Kể cả Covid 19 cũng được xử lý êm thấm.


Hamas khác các chế độ thần quyền hồi giáo kiểu IS, Taliban hay Al Qaeda ở chỗ không áp dụng các đạo luật hồi giáo khắc nghiệt với dân chúng. Cuộc sống ở Gaza vẫn rất thế tục, phụ nữ vẫn được làm việc, học hành. Tất cả những việc đó giúp cho Hamas có uy tín trong dân chúng Gaza.


Do chấp nhận xã hội thế tục nên Hamas có khả năng tiếp thu, phát triển khá tốt. Cách Hamas chọc mù được tình báo Mossad, xuyên thủng được hệ thống phòng không “vòm sắt” tưởng như bất khả chiến thắng và cách đổ quân đường không mà không có lính dù cho thấy Hamas đã phát triển khá xa trong mấy năm qua. Đơn cử một việc là tám ngày sau khi bị Israel oanh tạc, không kích dữ dội chưa từng có, tên lửa Hamas hôm nay vẫn bắn sang Israel chứng tỏ chúng có tiềm lực.

Khác những lần trước, bộ binh Israel chỉ đợi sau 1-2 ngày dập bom là tràn vào Gaza thì lần này sau 8 ngày họ vẫn chỉ bao vây kín nhưng chưa đánh vào. Họ biết lần này phải đối đầu với một đối thủ tầm cỡ khác những năm trước. Họ đang tính đến cái giá phải trả khi đối đầu với những kẻ cuồng tín vừa tử vì đạo, vừa cùng đường. Cái giá đó không chỉ là sinh mạng của hàng ngàn thanh niên Israel, mà còn là sinh mạng của hàng triệu người Palestine mắc kẹt ở Gaza.


Cho đến hôm nay đã có 2.000 thường dân Palestine, trong đó hơn 600 trẻ em bị thiệt mạng bởi các cuộc không kích của Israel. Quân Israel rải truyền đơn kêu gọi 1 triệu dân Bắc Gaza di tản. Nhưng những người dân đã sống như người tỵ nạn mấy thế hệ biết chạy đi đâu trong cái ổ lửa 368 km² bị bao vây bằng rào thép kín mít này? Cũng có tin là Hamas ngăn cản hoặc khuyên dân chúng không di tản.

Hiện nay đã có vài chục ngàn người đổ về phía nam Gaza, sát biên giới với Ai-Cập và mắc kẹt ở đó trong cảnh màn trời chiếu đất. Ai-Cập không mở cửa, coi đó là việc của Israel và Palestine. Israel cắt điện, cắt nước và đóng kín mọi cửa khẩu, ngăn chặn tất cả nguồn tiếp tế cho Gaza, kể cả thuôc men và lương thực. Một thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở Gaza, chưa cần quân Israel tràn vào đánh nhau với quân tử thủ Hamas.


Do vậy việc tận diệt Hamas lần này không đơn giản như một số người suy diễn.

Người Do Thái, vốn là nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaus đang đau đầu. Họ không muốn tạo ra ở Gaza hình ảnh về Warzawa 1943 và 1944. Việc ông Bennett so sánh Gaza 2023 với Dresden 1945 là ám ảnh luôn bám theo người Do-Thái.

Hôm nay Israel thông báo lùi thời gian tấn công bộ binh vào Gaza vì lý do “thời tiết“. Nhưng có thể vì họ cần chuẩn bị tốt hơn.

Với sức mạnh vượt trội về quân sự, lại được sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO, cứ cho là quân đội Israel lúc nào đó sẽ tiêu diệt được đám đầu não và rất nhiều chiến binh Hamas, thậm chí có thể giải cứu được vài con tin. Số thường dân Palestine vô tội bị giết là bao nhiêu không cần biết, rất có thể vẫn là tỷ lệ 100/1 như xưa nay. Chỉ biết là Netanyahu sẽ tuyên bố hoàn thành việc tiêu diệt Hamas để ngồi lại ghế thủ tướng, thoát bị ra tòa.

Nhưng liệu sau đó có hòa bình hay không?

Không! Tôi không đánh đồng bạo lực chủ trương giết dân thường của Hamas với bạo lực của Israel nhằm tiêu diệt bọn khủng bố là chính, có để ý giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực và vòng xoắn này ngày càng lên cao.


Israel có thể xóa sổ mảnh đất Gaza, biến nó thành khung cảnh Mặt trăng, kèm theo toàn bộ lực lượng Hamas. Hàng triệu người Palestine chỉ còn cách phá hàng rào thép, hoặc chạy ra biển thoát cái chết ở Gaza. Họ lại tha hương mang theo mối hận thù như người Do Thái đã chịu 2.000 năm trước.


Cái gốc của của xung đột vẫn còn nguyên, trong khi hận thù của hai bên càng dâng cao.


Đã có lúc người ta tưởng rằng, cái gốc của xung đột đã được xóa bỏ. Hai dân tộc với hai nhà nước có thể chế, có nền văn hóa khác nhau, hai tôn giáo lớn cùng tồn tại bên nhau hòa bình.

Thọ Nguyễn

Bài Liên Quan

Leave a Comment