RFA
2023.10.16
Ông Bùi Tuấn Lâm trước xe bán bún bò của gia đình
FB Lê Thanh Lâm
“Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm vẫn chưa được gặp gia đình 45 ngày sau phúc thẩm
Bùi Tuấn Lâm, nhà hoạt động được nhiều người biết đến với biệt danh “Thánh rắc hành,” chưa được gặp gia đình kể từ phiên phúc thẩm cách đây 45 ngày. Trại tạm giam của Công an thành phố Đà Nẵng không giải thích lý do mặc dù gia đình yêu cầu.
Ông Lâm, một nhà hoạt động nhân quyền năng nổ và tích cực tham gia phong trào phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, bị bắt vào đầu tháng 9/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trong phiên toà sơ thẩm cuối tháng năm vừa qua, ông bị tuyên án năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế. Toà án cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên bản án trong phiên phúc thẩm ngày 30/8.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ của ông Lâm, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết đã hơn một tháng rưỡi kể từ phiên toà phúc thẩm mà Trại tạm giam Hoà Sơn của Công an thành phố Đà Nẵng vẫn chưa cho bà và ba cô con gái nhỏ gặp chồng mình.
Bà Lâm nói qua điện thoại ngày 16/10:
“Chồng tôi bị kỷ luật trong tháng chín thì không được không thăm gặp nhưng mà khi tháng 10 được thăm gặp trở lại thì tôi gửi đơn vào ngày 2/10, tới bây giờ trại vẫn không giải quyết cho mẹ con tôi thăm gặp anh Lâm.”
Tháng trước, sau phiên phúc thẩm, bà Lâm lên trại tạm giam để gặp chồng nhưng bị từ chối với lý do ông Lâm bị kỷ luật. Tuy nhiên, phía trại tạm giam không cung cấp thông tin về lý do cũng như hình thức kỷ luật như thế nào.
“Tôi có làm đơn kiến nghị về việc là chồng tôi bị kỷ luật trong tháng 9 như thế nào, lý do kỷ luật là gì. Đơn đã gửi đi cả tháng trời rồi nhưng mà trại tạm giam vẫn không đưa ra câu trả lời.”
Bà rất lo lắng cho chồng vì không có bất cứ thông tin gì từ ông kể từ lần gặp cuối cùng là cuối tháng tám trước phiên phúc thẩm vài ngày.
Bà nói bà đã điện thoại và trực tiếp đến trại tạm giam để chất vấn về việc tại sao không được thăm gặp chồng nhưng không được trả lời. Bà cũng đề nghị được gặp giám thị để tìm hiểu nhưng bị từ chối.
“Tôi mơ hồ cảm nhận là không biết là chồng tôi có vấn đề gì trong đó hay không mà người ta lại ngăn cản cái việc thăm gặp đó. Tại vì khi mà thăm gặp có thể là sợ bị chồng tôi nói thông tin gì ra ngoài hay là như thế nào đó cho nên họ mới hành xử một cách mà vô pháp luật như vậy.”
Bà Lâm không loại trừ khả năng chồng mình đã bị chuyển đi thi hành án mà phía công an không thông báo cho gia đình.
Phóng viên gọi điện cho Công an thành phố Đà Nẵng và Trại tạm giam Hoà Sơn để hỏi thông tin về ông Lâm và kiểm chứng thông tin bà Lâm cung cấp nhưng không có ai nghe máy.
Ông Lâm, chủ một quán bún ở Đà Nẵng, bị bắt sau khi phát tán lên mạng xã hội một video clip ông rắc hành vào bát bún của khách, nhại lại hành động của thánh rắc muối Salt Bae- một đầu bếp nổi tiếng thế giới, người đã đút miếng thịt bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong một nhà hàng sang trọng ở London khi ông này tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 tháng 11/2021.
Khi được hỏi liệu việc ông Lâm bị kỷ luật và không được gặp gia đình có phải là hình thức trừng phạt của công an vì ông đã nhạo báng Bộ trưởng Tô Lâm, bà Lâm nói:
“Tôi không chắc chắn là họ có trả thù vì cái video đó hay không nhưng mà lần hôm trước trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra thì họ đã ngăn cản không cho luật sư thăm gặp.”
Theo Điều 9 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ hoặc tạm giam có quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được nhận thư và quà, cũng như được gặp thân nhân, người bào chữa.
Trong phiên xử sơ thẩm, bà Lâm và những người thân trong gia đình không được vào phòng xử án. Hai em trai của ông Lâm còn bị công an đánh đập và câu lưu trong khi bản thân bà cũng bị công an lôi về đồn và chỉ được về nhà vào chiều tối.
Bà Lâm cho hay, sau phiên sơ thẩm, ông Lâm cũng bị kỷ luật bằng hình thức cùm chân. Gia đình vẫn chưa biết được lý do dẫn đến bị kỷ luật này.
Trước phiên toà phúc thẩm, luật sư Lê Đình Việt không được Trại tạm giam Hoà Sơn cho phép gặp ông Lâm để chuẩn bị cho việc bào chữa. Trong phiên xử phúc thẩm, luật sư và thân chủ bị ngăn cản trong việc giao tiếp với nhau dù chỉ bằng ánh mắt, theo lời luật sư kể lại với bà Lâm.
Ông Lâm là một trong hàng chục nhà hoạt động bị cầm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, không có nhiều trường hợp bị kỷ luật và không cho gia đình thăm gặp như ông Lâm.
Theo luật hiện hành, trong các vụ án về an ninh quốc gia, bị can/bị cáo không được gặp gia đình trong quá trình điều tra. Sau khi công an kết thúc điều tra thì trong nhiều trường hợp, họ được cho phép gặp gia đình.
Ông Lâm, 39 tuổi, từng tham gia vận động cho nhân quyền Việt Nam ở trụ sở của Liên Hiệp quốc ở Geneva năm 2014, và là thành viên của phong trào No-U (nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) ở Sài Gòn thập niên trước.
Nhiều năm trước khi bị bắt, ông dừng mọi hoạt động và tập trung cho gia đình. Gần đây, ông cùng vợ mở một quán bún bò Huế ở Đà Nẵng.
Trong cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lâm thể hiện thái độ kiên định, kiên quyết không nhận tội và khẳng định chỉ thực hiện ôn hoà quyền tự do ngôn luận.
Trước phiên sơ thẩm và phúc thẩm của ông, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và phóng thích ông Bùi Tuấn Lâm, nói rằng việc chỉ trích chính phủ một cách ôn hoà không phải là tội và ông chỉ thực thi quyền cơ bản trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.