Nhiều quan chức nước ngoài bày tỏ quan ngại về khả năng Việt Nam tìm cách theo dõi điện thoại của các chính khách, nhà báo ở Mỹ, Đài Loan và Liên Hiệp Châu Âu, thông qua phần mềm gián điệp Predator. Một ý đồ thâm nhập như vậy là « không thể chấp nhận được », theo phát biểu của một số quan chức nước ngoài được trang Nikkei Asia trích dẫn ngày 16/10/2023.
Đăng ngày: 17/10/2023
Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ chất vấn Hà Nội về cáo buộc được nêu trong cuộc điều tra của tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và nhóm nhà báo điều tra của tổ hợp Hợp tác Điều tra châu Âu (European Investigative Collaborations, EIC). Hoa Kỳ tuyên bố xem xét « nghiêm túc » vụ việc. Còn Pháp thì nói « không thể dung thứ » việc theo dõi bất hợp pháp.
Trả lời Nikkei Asia, một người phát ngôn của đại sứ quán Pháp ở Hà Nội nhấn mạnh « theo dõi thụ động » có thể giúp chống tình trạng tội phạm, nhưng việc này phải được thực hiện « khuôn khổ hợp pháp, tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Mọi hành động nằm ngoài khuôn khổ đó sẽ không thể được dung thứ và có thể phải chịu trừng phạt ».
Những phản ứng nói trên được đưa ra vào lúc nhiều quan chức của Ủy Ban Châu Âu sẽ họp ở Việt Nam trong tuần này để thảo luận khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về nhập khẩu hải sản của Việt Nam. Nikkei Asia đã đề nghị chính phủ Việt Nam bình luận về vụ việc nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Trong khuôn khổ điều ra, tổ chức Ân Xá Quốc Tế thống kê được 58 âm mưu do thám dường như bất thành, được cho là có liên quan đến Việt Nam, nhắm vào các chính khách nước ngoài, kể cả của Hoa Kỳ. Nhật báo Washington Post hôm 09/10 cho rằng « Việt Nam quan tâm hơn đến suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc và Đài Loan trong bối cảnh Hà Nội cố gắng thắt chặt quan hệ với Washington ».
Theo tổ chức nghiên cứu Canada Citizen Lab, cũng tham gia cuộc điều tra về vụ « Predator Files », Indonesia và Philippines dường như cũng sử dụng chương trình do thám tương tự.