Một Đài Loan bị dọa và đơn độc đang tìm những bạn hữu mới

Getty
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Thái Anh Văn sẽ hết nhiệm kỳ vào năm tới

  • Tác giả,Rupert Wingfield-Hayes
  • Vai trò,Từ Đài Loan
  • 17 tháng 10 2023

Từ “Đài Loan dân chủ” xuất hiện nhiều lần trong lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của hòn đảo này vào năm nay hơn hẳn bất kỳ năm nào khác.

“Chúng tôi đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến một Đài Loan Dân chủ,” Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố vào tuần trước, trong bài phát biểu nhân ngày quốc khánh cuối cùng trước khi bà rời nhiệm sở với cương vị là nữ tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên.

Bà nói thêm: “Người dân Đài Loan sẽ vẫn là một dân tộc dân chủ và tự do trong nhiều thế hệ về sau”. Đó vừa là lời khẳng định bản sắc của hòn đảo, vừa kêu gọi thế giới lưu ý và không để xã hội sôi động và cởi mở này biến mất.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Đài Loan, Tô Trinh Xương, đã lặp lại các khẳng định này trong bài phát biểu khai mạc: “Cơ quan Tình báo Kinh tế Vương quốc Anh đã xếp Đài Loan là nền dân chủ số một ở châu Á và số 10 trên thế giới.”

Tầm quan trọng của những lời này đối với Đài Loan, lãnh thổ ngày càng cảm thấy bị đe dọa bởi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, không thể bị cường điệu hóa.

“Đài Loan Dân chủ” đã trở thành thương hiệu của Đài Loan – nó quảng bá cho thế giới lý do tại sao hòn đảo tự trị với dân số 23 triệu người này lại quan trọng và vì sao hòn đảo này cần được bảo vệ để không bị Trung Quốc nuốt chửng.

Tuy nhiên, đối với một siêu cường chip trị giá 800 tỷ USD, Đài Loan có rất ít bạn bè chính thức.

Đã có lúc Đài Bắc có liên minh quân sự với Mỹ và có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nó bị cai trị bởi một chế độ độc tài chống Cộng và có thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ các chế độ có cùng chí hướng từ Seoul đến Santo Domingo, Pretoria đến Thành phố Panama.

Giờ đây những người bạn thời Chiến tranh Lạnh đó gần như đã không còn nữa. Mối đe dọa đối với Đài Loan đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết và Đài Bắc đang rất cần những đồng minh mới.

Thử thách đó đã được thể hiện rõ nét tại buổi lễ hôm thứ Ba.

Không chính thức

“Xin nhiệt liệt chào đón những vị khách VIP danh dự của chúng tôi đến với lễ kỷ niệm ngày hôm nay,” người chủ trì buổi lễ tuyên bố.

Và dọc theo thảm đỏ là Tổng thống của Nauru, nước cộng hòa ở Thái Bình Dương chỉ có 10.800 dân. Tiếp theo là Toàn quyền của St Kitts và Nevis, quốc gia thuộc vùng Caribe với 47.000 dân, và cuối cùng là toàn quyền St Vincent và Grenadines, một quốc gia tương đối khổng lồ theo tiêu chuẩn của Caribe, với dân số 110.000 người.

Hàng ghế ngoại giao đầu tiên là các gương mặt của những vị đại sứ từ Guatemala, Paraguay, Haiti và Eswatini.

Guatemala và Paraguay vẫn còn là những nền dân chủ mong manh, đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn và tham nhũng, trong khi ở Haiti, bạo lực băng đảng gia tăng đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người chỉ tính trong năm nay.

Eswatini là chế độ quân chủ chuyên chế duy nhất còn lại của châu Phi và là đồng minh châu Phi duy nhất còn sót lại của Đài Loan. Tháng trước, Tổng thống Thái Anh Văn đã bay tới vương quốc nhỏ bé này để gặp Vua Mswati III và kỷ niệm 55 năm ngày độc lập.

Đây là một trong 13 đồng minh chính thức về mặt ngoại giao của Đài Loan – tất cả những gì còn lại từ những liên minh thời Chiến tranh Lạnh.

Chụp lại video,Liệu Trung Quốc có xâm lược Đài Loan?

Khi Tưởng Giới Thạch rút chạy về Đài Loan từ Trung Quốc vào năm 1949, chế độ của ông ở Đài Bắc đã giữ được các đồng minh lớn như Mỹ và Nhật Bản trong suốt những năm 1950 và 1960, trong khi Trung Quốc Cộng sản của Mao Trạch Đông bị cô lập khỏi thế giới.

Nhưng rồi vào tháng 2 năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã ngồi xuống với Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh. Đó là cột mốc quan trọng đánh dấu sự mở cửa của Trung Quốc Cộng sản với thế giới. Nó mở ra một loạt sự công nhận về mặt ngoại giao dành cho Bắc Kinh. Tokyo là một trong những nơi đầu tiên chuyển đổi. Washington theo sau vào năm 1979.

Tưởng Giới Thạch qua đời tại Đài Bắc năm 1975, ước mơ tái chiếm Trung Quốc đại lục của ông chưa thành hiện thực. Nhưng ông đã trao lại quyền lực cho con trai mình và hòn đảo vẫn là chế độ độc tài, độc đảng chủ trương tra tấn và bỏ tù những kẻ đối địch.

Đối với hầu hết các quốc gia, lý lẽ duy trì quan hệ đã không còn nữa. Những nước khi đó vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan nhìn chung đều là những thể chế tồi tệ như nhau, gồm các tướng lĩnh ở Hàn Quốc, Nam Phi theo chế độ phân biệt chủng tộc và các chế độ độc tài cánh hữu ở Trung Mỹ.

Đài Bắc từng ngày càng dựa vào tấm chi phiếu của mình để giữ chân các đồng minh đang ngày càng rơi rụng, chủ yếu dưới hình thức viện trợ và đầu tư.

Nhưng ngày nay tấm chi phiếu của Trung Quốc to lớn hơn Đài Loan – và nền kinh tế của nước này quan trọng hơn rất nhiều. Các đồng minh còn lại có quy mô rất nhỏ và ít giúp ích được gì trong việc bảo vệ Đài Loan trước một Trung Quốc hung hăng.

Tất nhiên điều này không có nghĩa là không có.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi trong lễ kỷ niệm ngày quốc khánh hôm thứ Ba, tiếng vỗ tay lớn nhất là dành cho hai ban nhạc diễu hành là khách mời. Một là từ Tokyo và một từ Los Angeles – Nhật Bản và Mỹ, đây vẫn là hai quốc gia mà Đài Loan quan tâm và rất cần.

Ngay cả sau khi không còn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, Washington vẫn tiếp tục âm thầm hỗ trợ Đài Loan, bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho hòn đảo này.

Đại sứ quán không chính thức của Mỹ ở Đài Bắc là một khu phức hợp rộng lớn được gọi một cách hoa mỹ là “Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan”.

GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Người dân cổ vũ trong lễ kỷ niệm ngày quốc khánh ở Đài Bắc

Đi dạo ở bất kỳ con phố nhỏ nào ở Đài Bắc và bạn không thể không chú ý đến số lượng đáng kinh ngạc các nhà hàng Nhật Bản, đầy những doanh nhân Nhật Bản. Hòn đảo cực tây của Nhật Bản – Yonaguni – chỉ cách bờ biển phía đông của Đài Loan 110km.

Tokyo quan tâm sâu sắc đến những gì xảy ra với Đài Loan. Trong bài phát biểu mới đây tại Đài Bắc, cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso kêu gọi cộng đồng quốc tế “thức tỉnh” trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Những mối quan hệ này vẫn “không chính thức” – ngay cả tại cuộc duyệt binh họ cũng bị xếp bên lề, hệt như tình bạn của họ.

Làm sao kết bạn mới?

Lo sợ trước các cuộc tập trận quân sự không ngừng của Trung Quốc và bị gạt khỏi các liên minh quan trọng, Đài Loan đang tìm cách kết bạn mới – không chỉ để giao thương mà còn để hỗ trợ các tổ chức quốc tế hùng mạnh, đặc biệt là Liên minh Châu Âu.

Bằng chứng về một tình bằng hữu mới có thể dễ dàng nhận thấy trong các siêu thị ở Đài Bắc, nơi hiện bán một thứ khá hiếm ở châu Á: bia thủ công Pale Ale Ấn Độ (IPA) do Lithuania sản xuất.

Nhập khẩu bia, cùng với rượu rum và sô cô la Litva đã tăng vọt ở Đài Loan trong vài năm gần đây, và Đài Bắc thậm chí còn công bố khoản đầu tư 10 triệu USD vào Litva cho sản phẩm được đánh giá cao nhất của Đài Loan – khoai tây chiên.

Tại sao là Litva? Có lẽ mảnh đất màu mỡ nhất để kết bạn mới là ở các nền dân chủ non trẻ ở Đông Âu, những vùng từng nằm dưới sự kiểm soát của Moscow nhưng hiện là một phần thuộc về NATO và EU.

Trong bài phát biểu trước đám đông nhân ngày quốc khánh, người đứng đầu quốc hội Đài Loan đã cảnh báo về việc các chế độ độc tài “đẩy lùi nền tự do, từ Ukraine đến Hong Kong, Myanmar đến Afghanistan”.

GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra sự phản đối ở Đài Loan vào tháng 3 năm 2022

Từ Cộng hòa Séc đến Ba Lan, Georgia đến Litva, có nhiều quốc gia lo sợ về một nước Nga đang trỗi dậy và có lẽ cảm thấy đồng cảm với một nền dân chủ nhỏ sống kề cận một quốc gia độc tài khổng lồ luôn tuyên bố rằng Đài Loan không nên tồn tại.

Năm 2021, Lithuania cho phép Đài Bắc thành lập văn phòng tại Vilnius với tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania”.

Bắc Kinh tức giận và điều đại sứ Lithuania ở Bắc Kinh về nước. Sự đe dọa tiếp theo đã xảy ra. Nhưng chính phủ ở Vilnius đã không chịu lùi bước, họ còn đi xa hơn, mô tả mối quan hệ với Đài Bắc là một “ưu tiên chiến lược”.

“Lithuania đang tìm cách tăng cường hợp tác thực tế với Đài Loan, một nền dân chủ có cùng chí hướng và là đối tác kinh tế và công nghệ quan trọng trong khu vực,” nước này tuyên bố.

Mặc dù bia thủ công IPA nằm trên các kệ trong siêu thị Đài Loan có vẻ như là một chuyện nhỏ nhưng nó lại là dấu hiệu cho thấy Đài Loan muốn đi tới đâu.

Hòn đảo không loại bỏ các đồng minh cũ của mình. Tổng thống Nauru vẫn sẽ được chào đón vào ngày quốc khánh 2024.

Nhưng nếu Đài Loan có tài khoản trên Tinder thì nó có thể viết: “Nền dân chủ trẻ, với xã hội cởi mở và nền kinh tế công nghệ cao phát triển mạnh, mong được kết bạn một cách bền chặt với các đối tác cùng chí hướng. Nước láng giềng, là một vấn đề.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment